Có thể nói, bước chân đầu tiên vào chính trường bóng đá của cựu HLV đội tuyển quốc gia Pháp này bắt đầu từ World Cup 1998 được tổ chức tại Pháp, với cương vị đồng trưởng ban tổ chức.
Đấy cũng là năm Sepp Blatter ngoạn mục vượt qua cựu chủ tịch UEFA Lennart Johansson trong một cuộc bỏ phiếu đầy scandal để kế vị Joao Havelange. Bất chấp việc UEFA và FIFA luôn kình chống nhau quyết liệt, Platini từng bước trở thành cánh tay phải đắc lực của Blatter.
Thời điểm manh nha cho cuộc bầu cử chủ tịch UEFA năm 2007, không ai dám đánh giá cao khả năng tranh chấp của Platini cho chiếc ghế này, bởi tại thời điểm đó, Franz Beckenbauer đang phủ cái bóng quá lớn lên bóng đá châu Âu.
Không có sự trợ giúp của Sepp Blatter, Platini không thể leo lên đỉnh bóng đá châu Âu.
Động tác đầu tiên đưa Platini lại đến từ chính Sepp Blatter. Vị chủ tịch FIFA lúc đó đăng đàn công khai tuyên bố ủng hộ việc Lennart Johansson tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa.
Mà Johansson và Beckenbauer lại là những người bạn vong niên cả trong bóng đá lẫn ngoài đời. Yên tâm về khả năng thắng cử, cũng như không muốn tranh chấp với người bạn già của mình, Beckenbauer chính thức tuyên bố không chạy đua vào chiếc ghế chủ tịch UEFA.
Sống lụy tình, Franz Beckenbauer mắc mưu Platini.
Chỉ chờ có thế, tháng 6 năm 2006, Platini chính thức ra mặt ứng cử. Không sử dụng "tuyệt chiêu" mua phiếu như Blatter, danh thủ người Pháp chọn con đường khác với hiệu quả không hề kém cạnh: mặc cả với người Đông Âu. Cái giá đưa ra quả là một miếng mồi ngon: đưa EURO 2012 về với Đông Âu, cũng như tạo điều kiện tối đa có những CLB hàng đầu của các quốc gia này góp mặt vào đấu trường châu Âu.
Với sự ủng hộ tuyệt đối thông qua các lá phiếu của Đông Âu, Platini thắng sít sao, chễm chệ chiếm chiếc ghế cao nhất của bóng đá châu Âu. Blatter vui mừng ra mặt khi giang sơn quy về một mối, UEFA chính thức trở thành một phần của FIFA. Lennart Johansson nhận đòn đau thêm một lần nữa từ chính kẻ thù cũ. Franz Beckenbauer ngậm ngùi nuốt hận "quy ẩn giang hồ".