Nga trang bị vũ khí cho Syria "đến tận răng"
Ngay từ thời Liên Xô, Moscow đã độc quyền trang bị cho Damascus các hệ thống phòng không của mình và huấn luyện Quân đội Syria cách thức vận hành chúng theo học thuyết của Nga.
Mạng lưới phòng không Syria hiện nay gồm chủ yếu là các tổ hợp tên lửa tuy đã được hiện đại hóa nhưng đều đã có tuổi như: S-200VE (tầm xa), 9K40 Buk-M2 (tầm trung) và Pantsir-S1 (tầm cực gần).
Thời gian gần đây, Nga được cho là đã tái cấu trúc lại toàn bộ hệ thống phòng không của Syria và kết nối chúng với các hệ thống radar và tên lửa phòng không của Nga đặt tại Căn cứ Không quân Hmeimim và Căn cứ Hải quân Tartus.
Theo các thông báo chính thức, hai căn cứ quân sự Nga trên bờ biển Địa Trung Hải được bảo vệ bởi hệ thống phòng không 3 lớp, trong đó một số gồm cả các tổ hợp của Syria.
Vòng bảo vệ ngoài cùng gồm các hệ thống tên lửa S-400, S-300V4 và có thể là cả S-200VE của Syria; vòng thứ hai là S-300FM, Buk-M2E, Osa-AKM, S-125 Pechora-2M; và vòng cuối cùng là các hệ thống phòng thủ tầm gần Tor-M1 và Pantsir-S2.
Mặc dù được trang bị cả các hệ thống phòng không và huấn luyện binh sĩ nhưng Quân đội Syria vẫn liên tục thất bại với các hệ thống của Nga kể từ năm 2014.
Hệ thống tên lửa - pháo phòng không Panzir-S1 triển khai tại Căn cứ Không quân Hmeimim
Tại sao PK Syria vẫn đại bại trước các đòn tấn công của Mỹ - Israel?
Trong những năm gần đây, chủ yếu sử dụng các máy bay chiến đấu thế hệ 4 (F-15, F-16), Israel đã tiến hành hơn 250 vụ không kích nhằm vào các mục tiêu ở Syria và chỉ tổn thất đúng một chiến đấu cơ.
Năm 2017, Mỹ phát động một chiến dịch không kích tấn công một căn cứ quân sự của Syria. Sau đó một năm, vào tháng 4/2018 Mỹ lại phối hợp cùng với Anh và Pháp tấn công 3 địa điểm bị cáo buộc là nơi sản xuất và tàng trữ vũ khí hóa học.
Trong vụ không kích đầu tiên vào tháng 4/2017, Mỹ đã phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ Không quân Shayrat ở phía Đông Nam tỉnh Homs, trong đó 58 quả đánh trúng mục tiêu. Tất cả các tên lửa này đều được phóng đi từ hai tàu khu trục USS Porter và USS Ross của Hải quân Mỹ.
Sơ đồ vụ tấn công của Mỹ vào căn cứ Không quân Shayrat, Syria tháng 4/2017
Tiếp đến tháng 4/2018, liên quân Mỹ - Anh - Pháp lại phát động một đợt tấn công thứ hai vào Damascus và Homs, phá hủy 3 cơ sở được cho là dùng để nghiên cứu và sản xuất vũ khí hóa học. Lần này, tổng cộng đã có 105 quả tên lửa hành trình các loại được phóng đi từ nhiều hướng khác nhau.
Theo Lầu Năm Góc, tất cả các tên lửa tấn công đều đánh trúng mục tiêu dự kiến và Nga đã được cảnh báo trước về chiến dịch này. Thế nhưng, cho dù cuộc tấn công của liên quân Mỹ - Anh - Pháp nhằm vào một trong những đồng minh thân cận nhất của Moscow ở Trung Đông, các hệ thống phòng không của Nga vẫn "án binh bất động".
Trái ngược với tuyên bố của Mỹ, Bộ Quốc phòng Nga cho rằng chỉ riêng các hệ thống phòng không Syria, gồm S-200, S-125, Osa, Buk, và Strela đã đánh chặn được 71 tên lửa hành trình liên quân.
Tuyên bố này rõ ràng cho thấy thái độ nước đôi của Nga vì trong cả hai vụ tấn công chưa khi nào Nga triển khai các hệ thống phòng không của mình để hỗ trợ Syria trong các cuộc không kích nêu trên. Có hai lý do để giải thích cho điều này.
Thứ nhất, Nga không muốn bị cuốn vào một cuộc xung đột leo thang với Mỹ hoặc Israel vì điều này sẽ khiến Moscow phải chủ động sử dụng tới các hệ thống phòng không của mình.
Thứ hai, các lợi ích chính trị - quân sự của Nga ở Syria có thể chỉ là để bảo vệ hai căn cứ quân sự của họ tại đây.
Israel tiêu diệt 1 tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Syria.
Ngoài ra, cũng có một số dấu hiệu ủng hộ cho cách giải thích này. Tháng 6/2017, một bản tin trên truyền hình Nga nói rằng, Nga sẽ không tấn công các máy bay liên quân trong cuộc chiến chống khủng bố IS nếu như chúng hoạt động ở cách căn cứu không Hmeimim 60 km.
Cũng trong tháng 6/2017 khi một máy bay F/A-18E Super Hornet của Mỹ bắn rơi Su-22 Syria, Nga cũng chỉ đưa ra những cảnh báo mang tính chính trị.
Tháng 2/2018, tại Deir ez-Zor, phía Đông Syria, các máy bay chiến đấu của Mỹ đã bay vượt sông Euphrates sang bờ phía Tây để ứng cứu cho một đơn vị quân đội nước này đang bị các binh lính Syria dưới sự hỗ trợ của công ty lính đánh thuê tư nhân Nga "Wagner Group" nhưng cả phòng không và không quân Nga đều không có bất cứ động tĩnh gì.
Với các cuộc không kích của Israel vào một loạt mục tiêu của Iran ở Syria, Nga cũng không can thiệp quân sự.
Cho tới tháng 9/2018, một sự cố nghiêm trọng xảy ra khi chiếc máy bay trinh sát Il-20 của Nga cùng 15 thành viên phi hành đoàn trên khoang bị chính phòng không Syria bắn rơi trong quá trình truy đuổi chiếc F-16I Israel tấn công trước đó, Moscow mới quyết định trang bị hệ thống tên lửa tiên tiến S-300 cho Damascus.
Thế nhưng, kể từ thời điểm đó, S-300 cũng chưa bao giờ "lên tiếng" trước các cuộc không kích của Israel mặc dù binh lính Syria đã được đào tạo và huấn luyện cách thức vận hành S-300. Điều này cho thấy Nga vẫn giữ vai trò quyết định trong việc khi nào và trong trường hợp nào Syria mới được quyền khai hỏa S-300.
Rõ ràng, Nga vẫn chưa hề mong muốn phải can dự vào cuộc xung đột ở Syria bằng chính các vũ khí hiện đại hơn của mình một khi những lợi ích chính trị và quân sự của nước này chưa thực sự bị đe dọa.
Trong tương lai, rất có thể Israel sẽ vẫn tiếp tục qua mặt các hệ thống phòng thủ Syria để tấn công hủy diệt và ngăn chặn sự hiện diện của Iran bất chấp những tổ hợp phòng không như "thiên la địa võng" của Nga tại đây. Người Do Thái rất biết cách tránh những động thái chọc giận "Gấu Nga"!