Pirates Of The Caribbean: Salazar’s Revenge - Khi cướp biển mất đi bản sắc

Hoài Điệp |

Bất chấp kinh phí khổng lồ 230 triệu USD cùng những nỗ lực làm mới thương hiệu Pirates Of The Caribbean, tập phim thứ 5 mang tên Salazar’s Revenge vẫn là một nỗi thất vọng to lớn với khán giả hâm mộ, đồng thời hé lộ tương lai mịt mờ của thuyền trưởng Jack Sparrow và “đồng bọn”.

Các nhà phê bình vẫn nói rằng, series phim này nên khép lại ở tập On Stranger Tides và quả thực, Salazar’s Revenge đúng là hành động "cố đấm ăn xôi" của Walt Disney. 

Người ta có thể biện minh đây chỉ là phần mở đầu của loạt ba phim mới, nhưng sự kém cỏi không thể chối cãi của Salazar’s Revenge có thể đưa các tập tiếp theo vào ngõ cụt và rất khó lấy lại được niềm tin của công chúng, những người đang có quá nhiều lựa chọn thay thế hấp dẫn và mới mẻ hơn. 

Còn nếu đây là tập cuối cùng để những cướp biển vùng Carribean rời khỏi sân khấu trong danh dự cũng là điều hợp lý, tuy nhiên, đoạn after-credit bỗng trở thành vô nghĩa, như một sự trêu ngươi những khán giả đã kiên nhẫn ngồi nán lại đến lúc đèn bật sáng chỉ để nhận ra đó là bí mật họ không còn cơ hội để khám phá.

Pirates Of The Caribbean: Salazar’s Revenge - Khi cướp biển mất đi bản sắc - Ảnh 1.

Salazar’s Revenge gần như không liên quan gì đến On Stranger Tides, cũng không tiếp nối được hào quang của ba tập đầu tiên dù đã cố gắng tạo ra những mối quan hệ lộ liễu và gượng ép giữa các tuyến nhân vật cũ – mới, đồng thời dựng nên một truyền thuyết rồi giải quyết nó một cách đơn giản và hời hợt, khiến cho tổng thể bộ phim trở thành "phẳng lỳ" vì thiếu cao trào và không có điểm nhấn. 

Cảm giác như đội ngũ sản xuất đã "hết bài", tất cả những gì họ làm được là lặp lại đầy đủ chiêu trò của các tập phim trước nhưng ở một đẳng cấp thấp hơn, kém sáng tạo hơn. 

Những màn chọc cười của Johnny Deep trong vai thuyền trưởng Jack Sparrow đã không còn duyên dáng và hài hước như xưa, điểm sáng duy nhất trong một mớ hỗn độn các màn hành động cũ kỹ là trường đoạn cướp pháp trường, nhưng cũng chỉ có vậy mà thôi.

Thậm chí, nhìn vào các nhân vật chính, không cần tinh ý lắm cũng nhận ra đó là một sự sao chép hết sức vụng về: vẫn là Jack Sparrow cầm trịch, thuyền trưởng Barbossa tiếp tục đảm nhiệm hình tượng ác nhân thành phản anh hùng, bộ đôi Henry Turner và Carina Smith thay thế cho Will & Elizabeth Turner. 

Tuy nhiên, thật may mắn, sự xuất hiện của tài tử gạo cội người Tây Ban Nha Javier Bardem trong vai phản diện: thuyền trưởng Armando Salazar cũng ít nhiều mang đến cho Salazar’s Revenge một luồng sinh khí mới với lối diễn xuất để lại ấn tượng mạnh mẽ và thực sự tỏa sáng giữa tầng tầng lớp lớp kỹ xảo, làm lu mờ cả Johnny Deep lẫn Geoffrey Rush. 

Thật trùng hợp, năm 2011, Penelope Cruz là vợ của Javier Bardem cũng là ngôi sao duy nhất trong On Stranger Tides nhận được những lời "có cánh" từ giới phê bình.

Pirates Of The Caribbean: Salazar’s Revenge - Khi cướp biển mất đi bản sắc - Ảnh 2.

Bộ đôi đạo diễn Joachim Ronning và Espen Sandberg có thể dàn dựng được một vài phim độc lập hay ho nhưng rõ ràng bom tấn cỡ Salazar’s Revenge vẫn là quá lớn so với năng lực của họ, chưa kể đến kịch bản yếu ớt và hoàn toàn thiếu tính đột phá. 

Hiệu ứng hình ảnh dù xuất sắc đến mấy cũng chỉ mang đến sự thỏa mãn cho khán giả trong một vài khoảnh khắc nhất định chứ không thể xóa đi cảm giác dông dài, lê thê và sáo mòn mà bộ phim mang lại.

Dựa vào sức mạnh của thương hiệu, có lẽ Salazar’s Revenge vẫn ăn khách. Nếu chỉ ra rạp với mục đích giải trí, có lẽ khán giả cũng tạm hài lòng với bộ phim này. 

Nhưng nếu muốn tìm kiếm những thứ mới mẻ hơn, muốn được chứng kiến những cuộc phiêu lưu điên cuồng, liều lĩnh và giàu cảm xúc hơn, Salazar’s Revenge sẽ gây thất vọng nặng nề. 

Dừng lại ở đây với Walt Disney là một lựa chọn khôn ngoan, trước khi sự bế tắc về ý tưởng sáng tạo giết chết hoàn toàn series Pirates Of The Caribbean…


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại