Phương trình xuất hiện trên Google hôm nay có ý nghĩa gì?

Hoa Hướng Dương |

Phương trình trên Google Doodle vinh danh Olga Ladyzhenskaya hôm nay 7/3 có ý nghĩa gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

Nếu hôm nay (7/3/2019) khi bạn sử dụng công cụ tìm kiếm của Google thì chắc hẳn bạn sẽ thấy một điều mới lạ được thiết kế đặc biệt, đó chính là hình ảnh một người phụ nữ và một dòng công thức toán học khó hiểu ở phía dưới.

Nếu bạn đang tự hỏi người phụ nữ đó là ai thì câu trả lời sẽ có ngay trong bài viết dưới đây!

Nhân ngày kỷ niệm 97 năm ngày sinh của nhà nữ toán học người Nga nổi tiếng là Olga Ladyzhenskaya, Google Doodle vinh danh những cống hiến của bà và thiết kế hình ảnh trên trang chủ tìm kiếm của Google.

1. Những nghiên cứu có ý nghĩa lớn với khoa học của Olga Ladyzhenskaya

Thành tựu nổi bật nhất của bà chính là công trình nghiên cứu về phương trình vi phân từng phần (đặc biệt là bài toán thứ 19 trong tổng số 23 bài toán thế kỷ của nhà toán học Đức David Hilbert).

Phương trình xuất hiện trên Google hôm nay có ý nghĩa gì? - Ảnh 1.

Nhà nữ toán học Olga Ladyzhenskaya. Ảnh: Devdiscourse

Theo đó, bà đã giúp giải quyết bài toán thứ 19, một trong 23 bài toán chưa có lời giải được Hilbert đưa ra tại Đại hội Toán học thế giới ở Paris vào năm 1900. Nội dung của bài toán thứ 19 là một bài toán mở:

"Hãy nghiên cứu tính chất giải tích của các nghiệm của phương trình vi phân thường hoặc phương trình đạo hàm riêng."

Không ngoa khi nói rằng Ladyzhenskaya là nhà toán học đã dành cả đời để nghiên cứu phương trình vi phân (là một phương trình toán học nhằm biểu diễn mối quan hệ giữa một hàm chưa được biết (một hoặc nhiều biến) với đạo hàm của nó (có bậc khác nhau).

Nói cách khác, phương trình vi phân giúp xác định mối quan hệ xác định giữa một bên là một đại lượng biến thiên liên tục (được biểu diễn bằng hàm f(x)) và bên còn lại là độ biến thiên của đại lượng đó (các đạo hàm).

Tại Viện Toán Học Steklov ở ST. Petersburg, bà đã nghiên cứu các giải pháp cho các phương trình và chứng minh 1 số biến có liên quan mật thiết với thời gian và không gian như thế nào.

Phương trình xuất hiện trên Google hôm nay có ý nghĩa gì? - Ảnh 2.

Ladyzhenskaya. Ảnh: Devdiscourse

Ngoài ra, một thành tự đáng kể tiếp theo chính là công trình nghiên cứu của bà về động lực học chất lỏng trong Phương trình Navier-Stokes, miêu tả dòng chảy của các chất lỏng và khí (gọi chung là chất lưu).

Đây chính là phương trình được Google Doodle thiết kế bên dưới dòng chữ Google.

Phương trình xuất hiện trên Google hôm nay có ý nghĩa gì? - Ảnh 3.

Phương trình Navier - Stokes. Ảnh: Fine Art America

Bà đã cung cấp những bằng chứng nghiêm ngặt đầu tiên về sự hội tụ của một phương pháp khác biệt hữu hạn cho các phương trình Navier - Stokes, từ đó xây dựng các sơ đồ sai phân hữu hạn hội tụ đầu tiên cho các phương trình Navier - Stokes hai chiều và ba chiều.

Đồng thời hình thành nên cơ sở của chuyên khảo nổi tiếng về dòng chảy nhớt không thể nén từ các phương trình này. Những thành tựu này giúp các nhà khoa học có thể dự đoán sự thay đổi của chuyển động (có ý nghĩa lớn lao với việc dự đoán thời tiết ngày nay).

Các công trình nghiên cứu của bà có ý nghĩa thực tiễn rất cao trong kỹ thuật hay vật lý, khí tượng học khi có các hiện tượng biến đổi trong không gian và thời gian (chuyển động sóng của âm thanh, bức xạ điện từ, hoặc các dòng chảy).

Vì thế, không có gì khó hiểu khi nói bà là một trong những nhà khoa học góp phần phát triển ngành Dự báo thời tiết, một lĩnh vực là thời bấy giờ còn có độ chính xác rất thấp cũng như Hải dương học, Khí động học và Khoa học tim mạch.

Từ công trình của bà, người ta có thể đưa ra dự đoán về được sự di chuyển của các đám mây bão với độ chính xác rất cao. Tiến sĩ Marshall Slemrod, một nhà toán học tại Đại học Wisconsin từng nói:

'"Nếu bạn tin dự báo thời tiết của mình, bạn phải giải các phương trình chính xác mà cô ấy đã nghiên cứu.''

2. Đôi nét về nhà toán học vượt lên chính mình bằng tình yêu khoa học mãnh liệt

Bà Olga Ladyzhenskaya (7/3/1922 - 12/01/2004) sinh ra và lớn lên ở Kologriv, là một thị trấn và trung tâm hành chính của quận Kologrivsky ở thành phố Kostroma, Nga. Ngay từ bé bà đã được cha (là một nhà toán học) nuôi dưỡng tình yêu với toán học.

Đáng tiếc, vào tháng 10 năm 1939 thì cha của bà đã bị bắt giữ và giết chết vì bị xem là "kẻ thù của dân tộc". Khi đó, Ladyzhenskaya mới có 15 tuổi đã phải chật vật cùng mẹ và các chị gái mưu sinh khi bị mọi người xa lánh, từ chối giúp đỡ.

Thế nhưng với tình yêu toán học mãnh liệt, bà đã tốt nghiệp Trung học với điểm số xuất sắc, dù bà vẫn bị loại khỏi danh sách sinh viên nhập học trường Đại học bang Leningrad vì có cha là "kẻ thù dân tộc" sau đó nhưng bà vẫn không đầu hàng số phận.

Bà tiếp tục niềm đam mê toán học của mình và cống hiến cho xã hội khi dạy Toán cho một trại trẻ mồ côi tại một trường trung học.

Từ đó bà có cơ hội theo học Đại học quốc gia Moscow để rồi lấy bằng tiến sĩ rồi trở thành trưởng Phòng thí nghiệm Vật lý-Toán học tại Viện Toán học Steklov. Đến năm 1990, bà trở thành chủ tịch của Hội toán học St. Petersburg.

Sau đó, bất chấp sự sụp đổ của liên bang Xô Viết, bà vẫn ở lại Nga để cống hiến cho dân tộc và để đạt được những thành tựu vô cùng to lớn và ý nghĩ cho nền toán học nói chung và cho nước Nga nói riêng.

Với hơn 250 bài viết, công trình liên quan đến toán học đồ sộ, bà đã trở thành một trong những nhà khoa học có công lớn với đất nước và được Viện Hàn lâm Khoa học Nga trao tặng Huy chương vàng Lomonosov năm 2002.

Bài viết được dịch từ nguồn: History, Nytimes, Independent

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại