Phương thức hoạt động của tình báo đối ngoại Trung Quốc

Trung Hiếu |

So với CIA (Mỹ), cơ quan tình báo đối ngoại Trung Quốc ít được công chúng biết đến hơn. Họ có những phương thức khiến phản gián Mỹ khó xử lý.

Nhân sự cấp cao của Bộ An ninh Trung Quốc giai đoạn đầu

Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Lin Yun được bổ nhiệm làm vị Bộ trưởng đầu tiên của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS). Tuy nhiên vào năm 1985 một lãnh đạo của Cục Phản gián thuộc Bộ Công an Trung Quốc là Yu Qiangsheng đào tẩu sang Mỹ. Sau sự cố này, cả Lin Yun và cục trưởng Phản gián đều bị cách chức.

Năm 1985 Jia Chunwang được bổ nhiệm làm Bộ trưởng An ninh Quốc gia thay cho Lin Yun. Giai đoạn đó trong nội bộ Bộ An ninh, cả người gốc Bộ Công an và người gốc Ban Điều tra Trung ương đều muốn đưa người trong hàng ngũ mình lên thay thế Lin Yun. Để giải quyết xung đột này, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bổ nhiệm Jia Chunwang là người ngoài cuộc, không dính dáng đến phe nào, vào vị trí Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia (Bộ Quốc an).

Dưới thời Jia Chunwang, MSS đạt được các thành công đáng kể trong việc thu thập các thông tin nhạy cảm về hạt nhân và các công nghệ khác từ Mỹ. Đến năm 1998, Jia Chunwang được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an thay Tao Siju. Ông này cũng đóng vai trò bí thư thứ nhất của Đảng ủy Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc.

Năm 1998, Xu Yongyue người tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng An ninh Quốc gia, thay thế Jia Chunwang được chuyển sang nhiệm vụ khác. Xu Yongyue là người trợ lý tin cậy cho Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân.

Ông Xu cổ xúy việc chấm dứt các tiêu cực trong Bộ An ninh này, như là tệ bán giấy thông hành một chiều sang Hong Kong – loại giấy tờ này thường được cấp cho các nhân viên tình báo. Tham nhũng khi đó khá lan tràn trong ngành tình báo Trung Quốc do các đơn vị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trung Quốc chưa được giám sát hoạt động của Bộ An ninh Quốc gia.

Năm 2002, ông Xu được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 3/2003, ông được tái bổ nhiệm làm người đứng đầu MSS.

Mục tiêu đối ngoại

Theo hồ sơ DEBKA - một nguồn tin trực tuyến Israel, sau sự kiện tấn công khủng bố 11/9/2001, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã thông báo cho Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông tin nói rằng Mỹ sẽ liên minh với Nga để lật đổ chế độ Taliban ở Afghanistan. Một liên minh như vậy sẽ làm thay đổi các tính toán của Trung Quốc liên quan đến các chính sách trong khu vực.

Vào ngày 12/10/2004, Xu Yongyue gặp gỡ với Nartai Dutbaev, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Kazakhstan. Hai bên tham vấn về hợp tác song phương và khẳng định các nỗ lực chung trong việc “chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa cực đoan, tội phạm có tổ chức, và vấn đề ma túy”.

Vào tháng 2/2006, ông Xu dẫn một phái đoàn sang Singapore để gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Cố vấn của nước này.

Một thông cáo ngày 20/5/1998 trước Ủy ban Kinh tế Hỗn hợp của Quốc hội Mỹ nêu rằng 50% trong số 900 vụ việc được điều tra ở vùng Bờ biển phía Tây liên quan đến công nghệ có dính dáng đến Trung Quốc. Báo cáo cho rằng FBI ước tính các vụ gián điệp của Trung Quốc ở Thung lũng Silicon đã tăng 20-30% mỗi năm. Ngoài Mỹ, các đặc vụ của Trung Quốc còn quan tâm đến Anh, Pháp, Hà Lan và Đức.

Mạng lưới điệp viên và nghệ thuật bòn rút thông tin từng tí một

Các nhân viên tình báo chuyên nghiệp của Trung Quốc thường được cử ra nước ngoài đảm nhiệm công việc trong nhiệm kỳ 6 năm, 10 năm hoặc cư trú dài hạn, tùy thuộc vào bản chất nhiệm vụ hoặc thành tích hoạt động.

MSS không phải là cơ quan chính phủ duy nhất thực hiện hoạt động tình báo. Ngoài ra điệp viên của MSS còn thường đáp ứng cả nhu cầu thông tin tình báo của các cơ quan khác của chính phủ Trung Quốc. Ở Mỹ, Trung Quốc có 7 cơ quan ngoại giao thường trực được cho là có nhân viên tình báo nằm bên trong đội ngũ của họ.

Vào giữa tháng 9/1996, Quân ủy Trung ương và Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn báo cáo kế hoạch do Bộ Tổng tham mưu và Bộ An ninh Quốc gia soạn về việc củng cố, điều chỉnh, và tăng cường hoạt động tình báo ở Hong Kong, Macau và nước ngoài. Gần 120 nhân viên tình báo hoạt động ở Mỹ, Canada, Tây Âu, Bắc Âu và Nhật Bản trong vai nhà công nghiệp, doanh nhân, chủ ngân hàng, học giả và nhà báo đã được triệu về nước.

Ngoài các điệp báo viên chuyên nghiệp, MSS còn sử dụng thêm các công dân Trung Quốc hoặc người Mỹ gốc Hoa để tìm lấy các công nghệ và dữ liệu bậc trung.

Các du khách, doanh nhân, sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc hình thành nên một kho lớn các điệp viên tiềm năng cho tình báo Trung Quốc. “Quốc an Bộ” (MSS) kiểm soát nhóm này thông qua lợi ích vật chất và các mối quan hệ cá nhân cùng một số “biện pháp” nghiệp vụ khác. Các điệp viên dạng này sẽ tập hợp những mẩu nhỏ thông tin để rồi sau đó tình báo Trung Quốc sẽ từ từ ráp nối lại thành bức tranh tổng thể.

Theo một phiên điều trần trước ủy ban Quốc hội Mỹ năm 1999, Trung Quốc mất tới 2 thập kỷ để thu thập thông tin tình báo về các thiết kế đầu đạn hạt nhân WW-88 từ phòng thí nghiệm vũ khí hạt nhân quốc gia của Mỹ.

Một báo cáo của Thượng nghị sĩ Mỹ Rudman vào năm 1999 đã đánh giá bộ máy thu thập tình báo của Trung Quốc là “rất thành thục trong nghệ thuật bòn rút thông tin tưởng như là vô hại”. Bản chất thu thập thông tin một cách phân tán như vậy khiến giới chức phản gián Mỹ gặp khó khăn lớn trong việc truy tố các điệp viên Trung Quốc .

Đối với hoạt động tình báo kinh tế, Globald Security cho rằng MSS có 3 phương pháp. Mô hình thứ nhất là tuyển các đặc vụ, đặc biệt là học giả và nhà khoa học, ở ngay Trung Quốc trước khi họ được gửi ra nước ngoài để lấy được thông tin. Phương thức thứ 2 là sử dụng các hãng Trung Quốc để mua các công ty Mỹ sở hữu các công nghệ mà Trung Quốc khát khao. Phương pháp thứ 3 là tậu công nghệ thông qua các công ty bình phong của Trung Quốc. Mô hình thứ 3 này là được sử dụng phổ biến hơn cả. FBI ước tính có hơn 3.000 công ty là bình phong do điệp viên Trung Quốc lập ra..../.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
ĐANG HOT

TIN NỔI BẬT SOHA

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại

Top