Sức mạnh quân sự, quy mô lãnh thổ và sự khó khăn về địa hình là những nhân tố then chốt quyết định năng lực phòng thủ của một đất nước, tờ Svenska Dagbladet đánh giá.
Dựa trên những tiêu chí nói trên, tờ báo của Thụy Điển chỉ ra rằng, “bất kỳ lực lượng nào có ý định xâm lược Nga cần phải học cách xử lý mọi loại địa hình”.
Kẻ thù sẽ phải đối mặt với những ngọn núi hoang sơ, những đầm lầy không thể xâm nhập, những lãnh nguyên đóng băng, những dòng sông hung dữ và những cánh rừng tối tăm ở Nga, các phóng viên của tờ Svenska Dagbladet cho hay. Họ còn thêm rằng, mùa hè nóng và mùa đông lạnh thấu xương ở Nga cũng là một thách thức lớn.
“Và hơn nữa, thách thức đến từ chính những người Nga – những người có hàng nghìn năm trải qua cả những cuộc chiến tranh quy mô lớn và những cuộc chiến du kích. Họ đã thu được rất nhiều kinh nghiệm”, bài báo phân tích.
Những kết luận trên của tờ Svenska Dagbladet được củng cố thêm bởi thực tế từ lịch sử Nga. Theo đó, cường quốc Đông Âu này chưa bao giờ bị chinh phục kể từ khi nó trở thành một quốc gia tập trung vào đầu thế kỷ 15. Người Nga đã phá tan mọi nỗ lực nhằm tìm cách xâm lược đất nước họ, đánh bại mọi kẻ thù, trong đó có cả quân đội Pháp hùng mạnh của Napoleon năm 1812 và đội quân khét tiếng của tên độc tài phát xít Adolf Hitler năm 1941-45. Cả hai đội quân nói trên đều là những lực lượng mạnh đến mức không thể ngăn chặn vào thời điểm đó nhưng đều thất bại trước Nga.
Thụy Sỹ và New Zealand cũng có tên trong danh sách những nước khó bị xâm lược. Mặc dù có quân đội tương đối nhỏ với chỉ khoảng 150.000 quân nhưng Thụy Sỹ vẫn là nước khó bị xâm lược do quốc gia này được bao bọc bởi dãy núi Alps. Thụy Sỹ cũng có rất nhiều cơ sở phòng thủ cũng như các cây cầu và đường xá có thể được cho nổ tung để ngăn chặn bước tiến quân của bất kỳ kẻ xâm lược nào, bài báo trên tờ Svenska Dagbladet nhận định.
Chinh phục New Zealand cũng là một vấn đề xét trên khía cạnh hậu cần, các tác giả của bài báo phân tích. Quốc đảo New Zealand nằm ở khu vực cách vùng đất đai rộng lớn gần nhất – Australia đến tận 2.000km. Vì thế, sẽ là “gần như không thể” để tiếp tế cho đội quân xâm lược vũ khí cũng như các mặt hàng hậu cần cần thiết khác.
Bản danh sách xếp hạng những nước khó bị xâm lược trên được tung ra vào thời điểm giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cả hai bên đều có những động thái quân sự khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về viễn cảnh bùng nổ xung đột trong khu vực.
Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO thậm chí đang triển khai các lực lượng hàng nghìn quân đến đóng tại các khu vực sát với biên giới Nga.
Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Nga liên tục cáo buộc NATO muốn bành trướng vào khu vực ảnh hưởng hậu Xô-viết của Nga. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm sẵn sàng đối phó và đáp trả NATO.