Cuộc tập trận quân sự chiến lược lớn nhất của Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh – Vostok 2018 – đã khai mạc hôm 11/9. Hơn 3.000 binh sĩ, cùng lượng lớn khí tài quân sự của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng tới tham gia sự kiện này.
Hiện nay, hầu hết các nhà phân tích phương Tây đều đặt ra cùng một câu hỏi: "Cuộc tập trận này nhắm đến ai?"
Vostok-2018 có sự tham gia của 300.000 lính Nga. Theo Thời báo Hoàn Cầu, từ quan điểm của Trung Quốc, cuộc tập trận này trước tiên nhằm chứng minh sức mạnh quân sự Nga, thay vì là sự chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lớn nhằm vào bất cứ mục tiêu đối thủ cụ thể nào.
Nước Nga có niềm tự hào lớn nhất là sức mạnh quân sự của họ. Theo truyền thống, Moscow thi thoảng sẽ "khoe cơ bắp" để răn đe các mối đe dọa tiềm tàng.
Hoàn Cầu suy đoán rằng, có lẽ vì vậy mà các đối thủ chiến lược của Nga dễ dàng cảm thấy rằng các cuộc tập trận của Moscow là nhằm vào họ. Trong số tất cả các quốc gia lớn trên thế giới, thì cuộc tập trận Vostok năm nay diễn ra tại khu vực gần với Trung Quốc nhất, và cách xa Mỹ nhất.
Cờ của 3 nước Nga - Trung Quốc - Mông Cổ tham gia cuộc tập trận Vostok 2018. Ảnh: AP
Tuy nhiên, theo Hoàn Cầu, Trung Quốc chưa bao giờ cảm thấy cuộc tập trận này nhắm vào minh, và thậm chí còn cử binh sĩ PLA tới tham gia tập trận chung. Có lẽ Mỹ là phía cảm thấy không thoải mái nhất, vì họ rất muốn kiềm chế Nga trên sàn quốc tế.
Tờ báo này cho rằng, có vẻ Trung Quốc tham gia Vostok-2018 vì hai lý do: Một là củng cố tình hữu nghị giữa hai quốc gia, các mối quan hệ song phương quân sự và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga-Trung.
Hai là học hỏi quân đội Nga trong lĩnh vực công nghệ quân sự, bởi các lực lượng Nga đã tham gia vào cuộc nội chiến ở Syria và họ cũng sẽ có mặt trong cuộc tập trận này. Do đó, có thể thấy rõ rằng việc tập trận chung với Nga sẽ giúp quân đội Trung Quốc trở nên quen thuộc với tác chiến thực tế.
Không mấy ngạc nhiên khi các chuyên gia phân tích phương Tây muốn diễn giải cuộc tập trận này dưới quan điểm địa-chính trị. Tuy nhiên, Hoàn Cầu cho rằng, nếu diễn giải quá mức, họ sẽ rơi vào trạng thái hỗn loạn: Cường điệu ý nghĩa bên ngoài của cuộc tập trận, và thậm chí nhầm tưởng rằng đó là ý nghĩa cốt lõi của nó.
Binh lính Trung Quốc tham gia tập trận Vostok-2018. Ảnh: TASS
Hoàn Cầu khẳng định, Trung Quốc không muốn trở thành kẻ thù của bất cứ quốc gia nào và sẽ tiếp tục tập trung phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Tờ này nhận định, nguyên tắc cơ bản của Trung Quốc trong các mối quan hệ quốc tế là tiếp tục mở rộng hợp tác cùng có lợi, thay vì mở rộng "không gian sống" của mình bằng vũ lực.
Cũng theo tờ này, các lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ không xem bất cứ quốc gia nào là đối thủ hay kẻ thù, trừ phi họ đe dọa các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
Thời báo Hoàn Cầu bao biện rằng, các hoạt động quân sự của Trung Quốc phần lớn diễn ra tại các vùng biển ven bờ, có thể ra xa hơn nhưng "rất hiếm khi". Các vùng biển ven bờ vẫn là căn cứ chính trị và nền tảng tâm lý đối với quân đội Trung Quốc.
Trong khi đó, những năm gần đây, khu vực xa nhất mà quân đội Nga đi tới là Syria.
"Nói một cách trung thực thì các đại dương hiện nay vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của Mỹ" - tờ báo Trung Quốc viết, đồng thời khẳng định cả Trung Quốc lẫn Nga đều không thách thức vị thế "lãnh đạo toàn cầu" của Washington.
Hoàn Cầu nhấn mạnh rằng, việc thảo luận về mục tiêu tiềm năng của cuộc tập trận Vostok có thể gây hiểu lầm. Các nhà phân tích phương Tây nên suy nghĩ về lý do tại sao các quốc gia của họ không thể trở thành bạn bè của Trung Quốc và Nga, giống như những gì Bắc Kinh và Moscow đã làm được.
Máy bay Tu-95 và Su-35 thực hiện các chuyến bay tuần tra trong khuôn khổ Vostok-2018