Quân đội Ukraine ở Bakhmut, một thành phố có vai trò chiến lược ở phía Đông Ukraine. Ảnh: Wall Street Journal
Thời gian đang đứng về phía Nga
Đằng sau quyết định tăng cường đáng kể hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine là mối lo ngại thời gian có lẽ đang đứng về phía Nga.
Mối lo ngại này đã cho thấy cánh cửa cơ hội cho Ukraine không phải là vô tận và nước này cần các vũ khí uy lực từ phương Tây như xe tăng chiến đấu chủ lực, xe bọc thép và các hệ thống phòng không sớm để duy trì và tăng cường đà tiến công.
Điều này hoàn toàn trái ngược với cảm nhận phổ biến vào mùa xuân năm ngoái khi quân đội Nga rút khỏi Kiev. Vào lúc đó, phương Tây hy vọng rằng, xung đột càng kéo dài thì Ukraine càng có khả năng chiếm ưu thế.
Các quan chức phương Tây từng cho rằng nếu châu Âu và Mỹ tiếp tục duy trì sự quyết tâm và đoàn kết sau mùa đông khó khăn, các vấn đề kinh tế và quân sự của Nga sẽ trở nên nghiêm trọng hơn bởi các lệnh trừng phạt và điều đó sẽ khiến Moscow phải tìm kiếm lối thoát cho cuộc xung đột hoặc theo đuổi một thỏa thuận hòa bình.
Tuy nhiên, khi cuộc xung đột ở Ukraine sắp tròn 1 năm, sự tự tin này đã phai nhạt. Thay vào đó, các quan chức phương Tây lo ngại điện Kremlin, với quyết tâm tập trung lực lượng và vũ khí vào các mặt trận quan trọng, sẽ giành được ưu thế trong cuộc xung đột tiêu hao kéo dài.
Vì thế, họ cho rằng Ukraine nên được cung cấp các vũ khí hiện đại hơn để thay đổi cục diện cuộc xung đột và làm suy yếu khả năng chiến đấu của Nga.
Phương Tây cho rằng một số lệnh trừng phạt, trong đó có lệnh cấm vận dầu mỏ và áp giá trần dầu thô Nga đang bắt đầu phát huy tác dụng. Nền kinh tế Nga được dự đoán sẽ trải qua suy thoái trong năm nay và có nguy cơ tiếp tục lao dốc trong những năm tới.
Dù vậy, trên thực tế, hầu như có rất ít dấu hiệu cho thấy các lệnh trừng phạt có thể khiến các hoạt động quân sự của Nga phải dừng lại hay gây sức ép kinh tế quá lớn lên điện Kremlin.
Thay vào đó, Nga dường như đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới vào những tháng tới với những binh lính được huấn luyện tốt hơn, sẵn sàng cho kiểu chiến tranh tiêu hao. Moscow cũng bắt đầu đạt được thành quả trong những cuộc giao tranh gần đây tại thành phố Bakhmut chiến lược ở phía Đông Ukraine.
Sự dịch chuyển trong lập trường của phương Tây về việc cần đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ vũ khí cho Ukraine đã được thể hiện công khai qua các quyết định của Mỹ, Anh và Đức về việc cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực cho Kiev.
Cùng với xe bọc thép và hệ thống phòng không, các vũ khí trên được kỳ vọng sẽ giúp Ukraine đẩy lùi các cuộc tiến công của Nga cũng như hỗ trợ Kiev tiến sâu hơn vào các vùng lãnh thổ do Moscow kiểm soát, từ đó khiến Ukraine có vị thế tốt hơn trên bàn đàm phán.
Các quan chức Anh đã khẳng định rõ rằng, mối đe dọa mà Nga gây ra với Ukraine sẽ gia tăng theo thời gian và việc cung cấp cho Kiev các thiết bị hỗ trợ tiến công là yêu cầu cấp bách.
"Chúng ta có cánh cửa cơ hội để tăng cường nỗ lực nhằm đảm bảo hòa bình lâu dài cho Ukraine. Hãy tiếp tục điều đó", Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhận định trên Twitter.
Ngoài ra, còn có một nhân tố nữa sẽ sớm dịch chuyển. Hiện nay, các quan chức phương Tây vẫn nhận định trước công chúng rằng, Mỹ và châu Âu có thể duy trì ổn định hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ này có lẽ sẽ không kéo dài trong những năm tới khi có sự thay đổi trong chính quyền Mỹ cũng như một số quốc gia khác.
Cách đây một vài tháng, khi Ukraine tiến hành cuộc phản công lớn và tuyên bố giành lại một số vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, các quan chức phương Tây tự tin rằng Kiev đang nhận được những gì cần thiết để đạt được tiến triển xa hơn và đẩy lùi các bước tiến công của Nga.
Dù vậy sau đó, một số nước phương Tây đã hối thúc các đồng minh tăng cường hỗ trợ Ukraine để ngăn chặn xung đột kéo dài nhiều năm.
"Tính toán của chúng tôi dựa trên thực tế rằng Nga vẫn là một nước lớn và có nguồn lực vượt trội hơn nhiều khi họ sở hữu số lượng lớn binh lính và có khả năng sản xuất vũ khí mà không cần các thành phần của phương Tây", Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis nhận định.
Lo ngại từ phương Tây
Một số nước phương Tây vẫn giữ thái độ thận trọng về việc tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.
Thậm chí, ngay trong thông báo của Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 25/1 rằng sẽ cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine thì ông đã chỉ ra mối lo ngại lớn nhất của các nước phương Tây là việc cung cấp các vũ khí hiện đại hơn cho Kiev.
"Chúng ta phải luôn xác định rõ rằng, chúng ta sẽ tiếp tục làm những gì cần thiết và có thể hỗ trợ cho Ukraine nhưng cùng lúc đó, chúng ta cũng phải ngăn chặn xung đột leo thang thành cuộc chiến giữa Nga và NATO", Thủ tướng Đức nhận định.
Ngoài ra cũng có một số quan chức đặt câu hỏi về tính thực tế của việc tăng cường hỗ trợ quân sự để giúp Ukraine giành chiến thắng nhanh hơn.
Mặc dù phương Tây cho là Ukraine đã thể hiện tốt trong việc học hỏi, vận hành và tích hợp các thiết bị quân sự phức tạp của phương Tây nhưng không có gì chắc chắn rằng họ sẽ tiến hành các cuộc tấn công thành công. Ngoài ra, phương Tây cũng không cho là Nga sẽ dễ dàng để Ukraine giành chiến thắng.
Anna Wieslander, Giám đốc nghiên cứu về Bắc Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương - một think tank ở Washington cho biết bà cảm thấy hoài nghi về việc phương Tây có một chiến lược rõ ràng trong việc tăng cường hỗ trợ vũ khí cho Ukraine để đạt được mục tiêu.
"Đây là một giai đoạn thay đổi liên tục trong xung đột. Nhưng với tôi, cho tới nay, phản ứng từ phương Tây chỉ mang tính chiến thuật. Chúng ta thiếu một tầm nhìn chung về việc cuộc xung đột sẽ kết thúc như thế nào và các vũ khí nào nên được cung cấp để thực hiện tầm nhìn đó", chuyên gia này cho hay.