Phương Tây lo ngại chiến tranh hạt nhân nếu Ukraine phản công thành công

Trung Hiếu |

Nga đã đánh tiếng về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chiến dịch phản công của Ukraine thành công. Phương Tây một lần nữa lo ngại nguy cơ chiến tranh hạt nhân khi Ukraine giành thêm một số lãnh thổ và đã xảy ra một số vụ tấn công bằng UAV vào lãnh thổ Nga.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev tuần này cảnh báo rằng Tổng thống Putin có thể buộc phải sử dụng một vũ khí hạt nhân nếu cuộc phản công của Ukraine thành công.

Phương Tây lo ngại chiến tranh hạt nhân nếu Ukraine phản công thành công - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa về nổ bom hạt nhân. Nguồn: Ready.gov

Lời tuyên bố mới nhất về hạt nhân đó xuất hiện sau khi xảy ra một vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào một tòa nhà cao tầng ở Nga.

Ông Medvedev viết trên trang mạng xã hội Telegram: “Hãy tưởng tượng rằng cùng với NATO, cuộc tấn công đó thành công và đạt được mục tiêu chia tách đất đai của chúng ta. Khi ấy, chúng ta sẽ phải sử dụng vũ khí hạt nhân chiểu theo sắc lệnh của tổng thống Nga”.

Trước đó, Tổng thống Putin tiết lộ một lô vũ khí hạt nhân nữa của Nga đã được vận chuyển sang Belarus để sử dụng làm phương tiện răn đe. Trong khi đó, Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ cảnh báo rằng không có lý do để nghi ngờ thông tin đó.

Đà tiến của Kiev và lời cảnh báo của Moscow

Mặc dù cuộc phản công của Kiev ban đầu đạt được ít sự tiến triển, các tin tức gần đây cho thấy các lực lượng Ukraine bắt đầu tiến bước. Tuần này, Tổng thống Ukraine Zelensky đã chúc mừng các binh sĩ của mình cho việc mà ông này nói là “đẩy lui” được các cuộc tấn công của Nga ở tỉnh Zaporizhzhia ở Đông Nam. Trong lúc ấy, một quan chức Ukraine khác cho biết, Kiev đã chiếm được khoảng 39km2 quanh thành phố Bakhmut (Artemovsk) và xấp xỉ 199km2 ở miền Nam.

Được trang bị nhiều loại vũ khí của phương Tây, các lực lượng Ukraine có phương tiện để tiếp tục tái chiếm lãnh thổ. Lời cảnh báo của ông Medvedev có lẽ là nhằm ngăn Mỹ và đồng minh tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật

Phương Tây hiện đang lo ngại vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể nằm trong kịch bản của Nga về xung đột với Ukraine.

Nhiều hệ thống phóng tên lửa của Nga mang tính lưỡng dụng, nghĩa là có thể sử dụng cho cả vũ khí thông thường lẫn vũ khí hạt nhân. Do vậy, các đối thủ của Nga rất khó phát hiện các hoạt động của Nga chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân . Các đầu đạt hạt nhân có thể được phóng bằng một số phương tiện như ngư lôi, tên lửa, bom trọng trường…

Nga sở hữu số vũ khí hạt nhân nhiều hơn của Mỹ, bao gồm khoảng 2.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật vẫn đang trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Trong khi đó, theo Reuters: “Mỹ chỉ có khoảng 200 vũ khí như vậy, một nửa trong số đó đặt tại các căn cứ ở châu Âu. Các bom hạt nhân B61 này, với sức công phá từ 0,3 đến 170 kiloton, được triển khai tại 6 căn cứ không quân ở Italy, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ và Hà Lan. Quả bom nguyên tử mà Mỹ thả lên thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945 có đương lượng nổ là khoảng 15 kiloton”.

Mỹ thận trọng tiếp cận “lằn ranh đỏ” của Nga

Hồi tháng 10/2022, Tổng thống Putin nêu học thuyết quân sự của Nga để nhấn mạnh rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt “nhằm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an toàn cho người dân Nga”.

Theo điện Kremlin, xung đột vũ trang của Nga với Ukraine là nhằm bảo đảm lợi ích sinh tồn và nếu NATO kiểm soát được Ukraine thì Nga sẽ là mục tiêu kế tiếp của NATO.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden cũng e ngại rằng nếu Ukraine thành công trong cuộc phản công thì thành công đó có thể đe dọa khả năng kiểm soát của Nga đối với bán đảo Crimea mà Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã đề cập là “lằn ranh đỏ” của Nga. Nếu Crimea bị đe dọa thực sự, phương Tây cho rằng Tổng thống Nga Putin sẽ có xu hướng leo thang xung đột sang ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Chính vì vậy, Nhà Trắng đã thận trọng đi từng bước khi tiếp cận “lằn ranh đỏ” này. Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, Mỹ đã từ chối cung cấp các hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân MGM-140 tầm xa (ATACM) do quan ngại Kiev có thể sử dụng các vũ khí này để mở các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Nhiều nhà phân tích khẳng định rằng các đe dọa do ông Putin đưa ra sẽ không bao giờ chuyển hóa thành hành động thực tế. Tuy nhiên, phương Tây vẫn không thể xem thường các tuyên bố của ông Putin.

Theo học thuyết quân sự đầy đủ mới nhất của Nga, công bố vào năm 2014, quốc gia này có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nêu sự tồn tại của Liên bang Nga bị đe dọa, hoặc để đáp lại việc các nước khác sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, một văn bản của Nga công bố vào năm 2020 biện minh cho phương án Nga sử dụng vũ khí hạt nhân để đánh phủ đầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại