Trả lời hãng thông tấn TASS mới đấy, Tổng biên tập Tạp chí Kho vũ khí của Tổ Quốc Viktor Murakhovsky cho hay, các phương tiện bọc thép hạng nhẹ và hạng trung hiện đại và tương lai của Nga sẽ được trang bị pháo cỡ nòng 57mm.
"Xuất phát từ khả năng đạn đạo của các loại đạn 57mm, đặc biệt là những loại mới, chúng sẽ xuyên thủng lớp giáp trước của xe bọc thép hạng trung và hạng nhẹ ở tầm bắn hiệu quả", ông Murakhovsky nói.
Thông tin này thực sự là một bất ngờ lớn và "gây sốc" đối với giới quân sự thế giới. Bởi trong lịch sử các dòng xe thiết giáp hiện nay, hiếm khi người ta trang bị cỡ pháo lớn ngoài 30mm lên thiết giáp chở quân hay xe chiến đấu bộ binh.
Tất nhiên là cũng có ngoại lệ, ví dụ như dòng xe chiến đấu bộ binh K21 (Hàn Quốc) hay CV90 (Thụy Điển) trang bị đến pháo 40mm, nhưng vượt trên đó là điều hiếm hiện nay.
Thực tế, các dòng xe thiết giáp hạng nhẹ - hạng trung của Nga hiện nay, gồm cả nền tảng chiến đấu tương lai như Kurganets hay Bumerang đều trang bị đến pháo 30mm thì được xem là đủ.
Vậy, điều gì đã khiến nước Nga quyết định "chơi lớn" trong tương lai gần, lên hẳn một đẳng cấp chẳng mấy ai ngờ nổi!
Phương Tây lên giáp 1, Nga tăng pháo 10!
Theo nhà báo Murakhovsky, đạn pháo 30mm của Nga trong tương lai sẽ không còn hiệu quả đối với các phương tiện bọc thép tiên tiến của nước ngoài.
Gần đây, Mỹ đã tái khởi động chương trình "Xe chiến đấu thế hệ tiếp theo" - NGCV với tham số kỹ thuật đặc biệt ấn tượng - giáp trước có thể kháng được đạn 30mm ở cự ly 100-150m.
Xe chiến đấu bộ binh Bradley (Mỹ) phải lắp thêm giáp ERA.
Rõ ràng, với việc chuyển màu "áo lính" từ "sa mạc" về "xanh lá cây", người Mỹ cũng dần tính tới việc phải xem xét lại vũ khí khí tài của nước này trên bộ.
Xe chiến đấu bộ binh Bradley hay thiết giáp Stryker không là đối thủ của những chiếc xe chiến đấu bộ binh "khét tướng" BMP-2/3 hay là Kurganets và Boomerang trong tương lai gần.
Thế nên, cần phải có một phương tiện chiến đấu mới, trước hết là phải chịu được những phát đạn 30mm cực mạnh bắn ra từ "taxi Nga" rồi mới tính tới làm thế nào để "diệt gọn cả ổ".
Dẫu rằng việc này sẽ tốn khá nhiều thời gian để hoàn thành và phát triển, bởi tăng giáp đồng nghĩa với việc tăng trọng lượng xe nếu theo các giải pháp cơ bản là làm dày thêm lớp thép.
Hoặc là người ta phải tính toán về một loại giáp nào đó vừa đảm bảo nhẹ nhưng vẫn chịu được đạn pháo 30mm. Đó là câu chuyện của các nhà phát triển Mỹ-NATO?
Còn quay trở lại với nước Nga, việc tích hợp pháo 57mm lên khung gầm xe thiết giáp cũng không dễ dàng gì!
Pháo to thế, lắp được không?
Thật vậy, so với pháo 30mm, 57mm là "đẳng cấp cao và to hơn hẳn", việc tích hợp lên khung gầm xe thiết giáp hiện nay là không phải dễ dàng gì.
Dĩ nhiên là người Nga không nói xạo! Họ đã tính đến và đang tiến hành các công đoạn thủ nghiệm ban đầu.
Tại Diễn đàn Army-2018, nhà máy Uralvagonzavod đã giới thiệu phiên bản xe chiến đấu bộ binh hạng nặng T-15 Armata trang bị tháp pháo 57mm kèm tên lửa chống tăng.
T-15 Armata lắp tháp pháo 57mm.
Hay hồi năm 2015, nước Nga lần đầu giới thiệu pháo phòng không tự hành ZAK-57 Derivatsiya-PVO lắp pháo 57mm được thiết kế cho nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu tầm thấp gồm cả tên lửa hay đạn thông minh.
Nhưng điều đáng nói là ZAK-57 đặt trên khung gầm xe chiến đấu bộ binh BMP-3. Điều đó có nghĩa là giải pháp lắp pháo 57mm trên khung gầm BMP hay BTR là khả thi.
Tất nhiên là dự trữ đạn pháo sẽ phải giảm xuống đáng kể, nhửng đổi lại mục tiêu tác chiến được mở rộng.
Đạn 57mm ngoài việc có thể hạ gục các loại xe thiết giáp thì còn có thể xuyên thủng cả giáp tăng hạng nhẹ, quét sạch bộ binh, "lôi khỏi bầu trời" máy bay không người lái, máy bay chiến đấu, trực thăng và UAV tầm thấp...
Đó thực sự viễn cảnh ác mộng đối với lực lượng lục quân và không quân phương Tây nếu có phải đối đầu với nước Nga.
Tiền sẽ cứu Mỹ-NATO
Rất may mắn, có thể liên minh quân sự Mỹ - NATO sẽ không phải thấy "rừng xe thiết giáp lắp pháo 57mm". Vấn đề tài chính hiện được xem là rào cản lớn!
Theo Tổng biên tập Murakhovsky, các nền tảng chiến đấu mới như T-15 Armata, Kurganets và Bumerang sẽ được trang bị pháo 57mm ngay từ đầu.
Còn với khí tài thế hệ trước thì bắt buộc người ta phải chọn lựa - có thể là một số có chọn lọc, còn lại hãy ở với pháo 30mm.
"Tôi tin rằng việc này sẽ được cung cấp như một sự lựa chọn vì lý do tài chính", ông nói.
"Ngân sách quốc phòng không phải là vô tận. Lục quân và lính dù - lực lượng chính sử dụng cỡ nòng 57mm, không được cung cấp tài chính dồi dào như các nhánh khác của lực lượng vũ trang. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng việc chuyển đổi sang pháo 57mm sẽ mất nhiều thời gian", ông Murakhovsky chỉ ra.
Tháp pháo 57mm AU-220M gắn lên xe BMP-3 bắn thử nghiệm.