Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel tại Đức: "Nhìn chung, chỉ hơn một nửa vũ khí hạng nặng đã cam kết được cung cấp". Báo cáo của nhóm nghiên cứu chiến lược (think tank) này cũng cho biết các cam kết hỗ trợ mới cho chính quyền Kiev đã giảm trong suốt giai đoạn từ 25/2 - 31/5 từ thời điểm báo cáo trước đó.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Ảnh: Raytheon
"Sau sự gia tăng các cam kết trước thời điểm tròn 1 năm xung đột, mức độ cam kết mới nói chung từ các nước ủng hộ Ukraine có xu hướng tiếp tục giảm", Christoph Trebesch, lãnh đạo nhóm theo dõi sự hỗ trợ cho Ukraine cho hay. Theo chuyên gia này: "Các cam kết quân sự có vai trò quan trọng trong suốt cuộc xung đột và kế hoạch tấn công của Ukraine. Nhưng khoảng cách giữa cam kết và thực tế rất lớn".
Tuy nhiên, báo cáo này cũng cho biết các quốc gia khác như Cộng hòa Séc, Slovenia, Ba Lan và Slovakia đã cung cấp khoảng 80% số vũ khí họ đã cam kết.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với các nhà lãnh đạo châu Âu rằng Ukraine muốn bắt đầu chiến dịch phản công "sớm hơn nhiều" nhưng cần “vũ khí và phương tiện thực hiện". Ông tiết lộ, quân đội Ukraine thậm chí không thể "nghĩ đến việc bắt đầu" cuộc tấn công bởi họ không có "vũ khí phù hợp". Tổng thống Ukraine cũng giải thích Kiev hiểu rõ việc trì hoãn sẽ làm chậm tiến độ phản công. Theo ông Zelensky, cuộc phản công có thể được tăng tốc nếu Ukraine có nhiều pháo và tên lửa tầm xa hơn. Ông Zelensky cũng một lần nữa kêu gọi Mỹ cung cấp tiêm kích F-16.
Mới đây, truyền thông đưa tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 7/7 (giờ Mỹ) dự kiến sẽ thông báo việc gửi bom chùm cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD, giữa bối cảnh Kiev đang cố gắng đạt được thành quả lớn trong cuộc phản công những tuần qua.