Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã bán lượng vàng dự trữ của mình trong nhiều năm, đặt cược vào các tài sản khác. Tuy nhiên cách đây một thời gian, tình hình xoay chuyển 180 độ khi nhiều tổ chức tín dụng bắt đầu tích cực bổ sung kho dự trữ vàng của họ.
Theo nhà báo Christoph Rottwilm, trong bối cảnh những gì đang xảy ra, hành động của Nga đối với kim loại quý rõ ràng gây ra nhiều sự tò mò. Nhận định được đưa ra trong bài viết đăng trên tạp chí Manager Magazine.
“Năm ngoái các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua hơn 1.100 tấn vàng. Con số này cao gấp đôi so với năm trước”, tác giả bài viết trên tờ báo tiếng Đức cho biết.
Năm 2023, xu hướng mua vàng của các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục. Trong ba tháng đầu năm nay, họ đã mua 228 tấn kim loại quý này. Theo giới chuyên gia, diễn biến như vậy là do bất ổn địa chính trị trên thế giới.
Đặc biệt, chiến lược gia trưởng của Hội đồng Vàng Thế giới - ông John Reed tin chắc rằng một trong những yếu tố thúc đẩy nhu cầu mua vàng miếng là xung đột Ukraine. Căng thẳng xung quanh eo biển Đài Loan (Trung Quốc) cũng có tác động không nhỏ.
Nga vẫn tìm được cách để xuất khẩu vàng bất chấp lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt.
Ông John Reed cho biết: “Một lượng vàng lớn hơn trong danh mục đầu tư mang lại sự an toàn trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng chính trị bất ngờ"
Một trong những nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới là Nga và trước đây nước này đã xuất khẩu một phần kim loại quý của mình sang các quốc gia châu Âu. Nhưng sau khi EU áp dụng các biện pháp trừng phạt, việc này dự báo sẽ trở nên khó thực hiện.
Tuy nhiên các nhà phân tích phương Tây tin chắc rằng Liên bang Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu kim loại quý của mình và Moskva có cách để tránh các hạn chế.
"Tình trạng này đã trở thành 'ngõ cụt' đối với phương Tây, khi họ không biết chính xác Moskva đang làm gì với vàng của mình và bán cho ai", chuyên gia John Reed nhận xét.