Hãng tin Reuter trích dẫn các nguồn tin trên nói rằng việc bán các sản phẩm dầu mỏ từ Nga, nước xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới và là thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ, vi phạm các biện pháp trừng phạt của LHQ.
Hồi tháng 9, Reuters cũng đưa tin về các tàu Triều Tiên đến Nga trực tiếp lấy dầu. Sau đó, việc chuyển giao dầu trong tháng 10 và 11 đã có sự thay đổi để phù hợp với tình hình.
"Các tàu Nga đã thực hiện việc chuyển hàng hóa dầu sang tàu của Triều Tiên vài lần trong năm nay bất chấp lệnh trừng phạt", nguồn tin an ninh thứ nhất (giấu tên) nói với Reuters.
Một nguồn tin độc lập thứ hai xác nhận sự tồn tại trong việc buôn bán nhiên liệu giữa các tàu Triều Tiên và Nga. Nhưng nguồn tin nói rằng không có bằng chứng về sự can thiệp của chính quyền Nga trong các thương vụ này.
Trước nghi vấn trên, Bộ Ngoại giao và Tổng cục Hải quan Nga đã từ chối bình luận. Chủ của một con tàu bị buộc tội buôn lậu dầu sang Triều Tiên cũng bác bỏ cáo buộc. Tuy nhiên, chủ tàu không chắc tàu có bán dầu cho các thuyền đánh cá trên biển hay không.
Trước đó theo hình ảnh vệ tinh do Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ (OFAC) thì các tàu hàng của Trung Quốc đã áp sát tàu hàng Triều Tiên và chuyển hàng hóa sang tàu của Bình Nhưỡng. OFAC cho rằng hàng hóa được chuyển sang tàu Triều Tiên là dầu và điều này trái với nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an. Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc trên
Theo tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc, từ hồi tháng 10 tới nay đã có 30 vụ "đổi hàng" trên biển giữa tàu hàng Trung Quốc và Triều Tiên để vượt qua lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an.
Triều Tiên dựa vào nhiên liệu nhập khẩu để duy trì nền kinh tế đang gặp khó khăn. Các sản phẩm từ dầu mỏ cũng là thứ quan trọng phục vụ cho chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.