Phương Tây báo động khi tàu ngầm hạt nhân Belgorod của Nga không có trong căn cứ

Hoàng Trang |

Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine chưa đi đến hồi kết, phương Tây ngày càng lo ngại về khả năng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Phương Tây báo động khi tàu ngầm hạt nhân Belgorod của Nga không có trong căn cứ - Ảnh 1.

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Belgorod. Ảnh: TASS

Hãng Reuters đưa tin Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã cảnh báo các nước thành viên về việc tàu ngầm hạt nhân hạng nặng Belgorod của Nga "vắng mặt" tại căn cứ ở vùng Bắc Cực.

Trước đó, tờ La Repubblica của Italy nhận định rằng khối quân sự NATO đang lo lắng về hoạt động của chiếc tàu ngầm có thể chở theo các siêu ngư lôi hạt nhân Poseidon này. Trong bản thông báo, NATO cho biết Belgorod không còn hoạt động tại căn cứ White Sea và yêu cầu các nước thành viên để ý đến vấn đề này.

Dù vậy, La Repubblica cho biết cộng đồng tình báo phương Tây khẳng định con tàu không đi xa khỏi căn cứ mà có thể đang ẩn dưới mặt biển Bắc Cực để tiến hành một số vụ thử nghiệm bí mật.

Bài báo của La Repubblica cũng đã làm dấy lên một làn sóng báo động trên các phương tiện truyền thông châu Âu. Kênh Fox News dẫn lời một số quan chức cho rằng Nga có thể đang lên kế hoạch thử nghiệm hệ thống vũ khí Poseidon trên tàu Belgorod.

Giới chức Mỹ nhiều lần cảnh báo nước Nga và Tổng thống Nga Vladimir Putin về hậu quả thảm khốc nếu như Quân đội Nga mở màn cuộc chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã phủ nhận cáo buộc nước này đang lên kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân.

Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Nga là cường quốc hạt nhân mạnh nhất thế giới. Quốc gia này sở hữu 5.977 đầu đạn hạt nhân, còn Mỹ sở hữu 5.428 đầu đạn.

Công ty chế tạo máy Sevmash đã chuyển giao tàu ngầm hạt nhân Belgorod cho Hải quân Nga vào tháng 7. Trong tương lai, tàu ngầm Khabarovsk sẽ là tàu chiến chính được trang bị ngư lôi Poseidon. Tuy nhiên, những cuộc thử nghiệm liên quan đến loại ngư lôi này cho đến nay hầu như bị giấu kín, khiến các công năng của nó vẫn là điều bí ẩn.

Theo La Repubblica, quả ngư lôi dài 24 m đó có thể di chuyển quãng đường lên tới 10.000 km, đồng thời đủ mạnh để gây ra một trận sóng thần phóng xạ ngoài khơi Mỹ. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông khác lại chỉ ra rằng tàu ngầm hạt nhân Belgorod có khả năng mang theo đến 6 quả ngư lôi "ngày tận thế" trên.

Một số tờ báo không loại trừ rằng trong động thái nhằm đe dọa phương Tây, Nga có thể phá vỡ cam kết không tiến hành các vụ thử hạt nhân và thử nghiệm quả ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân đầu tiên.

Các quan chức NATO và Nga đều không đưa ra bình luận về hoạt động dịch chuyển của tàu ngầm hạt nhân Belgorod hôm 3/10.

Ông Dmitry Stefanovich, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận xét: "Không còn nghi ngờ gì nữa, mỗi lần con tàu này ra khơi, NATO đều theo dõi sát sao và mối quan tâm của họ không hề thiếu cơ sở".

Ông cho hay tàu ngầm hạt nhân Belgorod không chỉ có thể mang ngư lôi Poseidon mà còn có thể mang theo các phương tiện dưới nước khác, như tàu tự hành hoặc tàu có người lái. Điều này khiến giới chuyên gia phải đau đầu xác định mục tiêu hoạt động thực sự của Belgorod, chẳng hạn như trinh sát, thử nghiệm tàu lặn không người lái cùng các hệ thống vũ khí mới, hay là nhằm mục đích tấn công.

Trong một bản tin đầu tháng 7 năm nay, công ty đóng tàu Nga đã nhấn mạnh khả năng phi sát thương của Belgorod, nói rằng nó đã mở ra cơ hội mới cho Nga để tiến hành các cuộc thám hiểm khoa học và hoạt động cứu hộ ở những khu vực xa xôi nhất của đại dương thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại