Phương án thành lập Liên Xô của Lenin và Stalin khác nhau thế nào?

Trung Hiếu |

Theo phương án của Lenin, Liên Xô tương lai có thể bao gồm tất cả các nước XHCN trên thế giới. Nhưng cuối cùng phương án của Stalin thắng thế...

Vào năm 1922, Liên Xô ra đời và được chính thức tuyên bố là một “nhà nước thống nhất đơn nhất” gồm 4 nước cộng hòa Xô viết XHCN thành viên (Nga, Ukraine, Belorussia, và Ngoại Kavkaz).

Lúc ấy nhiều người trên thế giới đã rất ngạc nhiên và tự hỏi “Vì sao những người Bolshevik lại tái lập Đế chế Nga mà họ đã phá hủy theo nghĩa đen?”.

Tuy nhiên việc tạo ra Liên Xô (viết tắt của Liên minh Xô viết - ở Việt Nam, thuật ngữ này thường được dịch thành “Liên bang Xô viết” - ND) không phải là điều xảy ra trong chốc lát và không đơn giản như vậy.

Quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của Liên Xô

Khi xây dựng đề án Liên Xô, LeninStalin có những cách tiếp cận khác nhau.

Sau năm 1918, hầu hết các bộ phận cũ trong Đế chế Nga đã trở thành các nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết. Ý tưởng của Joseph Stalin là sáp nhập thẳng các nước cộng hòa Xô viết còn lại này vào Cộng hòa XHCN Xô viết Liên bang Nga, với một chính phủ trung ương hóa và một hệ thống luật pháp chung cho tất cả các nước thành viên.

Điều thú vị ở đây là: Năm 1922, Stalin là Dân ủy (tức Bộ trưởng) phụ trách các vấn đề dân tộc của Cộng hòa Nga Xô viết.

Chính ông cùng với Vladimir Lenin , vào ngày 3/11/1917, ký “Tuyên bố về Quyền của các Dân tộc trong nước Nga”, trong đó có chi tiết “Quyền của các dân tộc Nga được tự do tự quyết, thậm chí tới mức độ ly khai và hình thành một nhà nước độc lập”. Nhưng giờ đây, Stalin chủ trương ngược lại điều này.

Lenin phản đối dữ dội ý tưởng về một nhà nước tập quyền, coi đó là phi dân chủ. Ông gợi ý các nước Cộng hòa độc lập sẽ liên hiệp lại trên cơ sở các quyền bình đẳng, duy trì chính quyền tương ứng của mình.

Các nguồn tin cho hay Lenin thậm chí còn thực sự tính đến một Liên minh Xô viết rộng lớn hơn nữa, bao gồm cả nhiều nước của châu Âu và châu Á.

Phương án thành lập Liên Xô của Lenin và Stalin khác nhau thế nào? - Ảnh 1.

Ký kết Hiệp ước thành lập Liên Xô. Tranh: Stepan Dudnik.

Mục đích của việc hình thành Liên Xô là gì?

Sử gia Alexander Orlov cho biết, đảng Bolshevik hiểu rằng họ có thể thống nhất các đơn vị hành chính cũ của Đế chế Nga thành một nhà nước đơn nhất “với vị thế tốt hơn trước môi trường “tư bản chủ nghĩa” thù địch”.

Nhưng dường như Liên minh cần thiết cho điều đó thì đã tồn tại sẵn trước khi Liên Xô chính thức ra đời. Cụ thể như thế nào?

Năm 1920, các hiệp ước đoàn kết đã được ký giữa Nga và Ukraine, vào năm 1921 là giữa Nga và Belarus, và sau đó là với các nước cộng hòa vùng Kavkaz.

Theo các hiệp ước, Cộng hòa XHCN Xô viết Liên bang Nga giành được quyền đại điện cho tất cả các nước cộng hòa khác trong quan hệ với quốc tế và ký các tài liệu ngoại giao nhân danh họ.

Tương tự, 7 Bộ Dân ủy quan trọng nhất – Quốc phòng, Kinh tế quốc dân, Thương mại, Tài chính, Lao động, Đường sắt, Bưu chính và Điện tín, đều đã được trung ương hóa, nghĩa là các Bộ Dân ủy của Nga đều quản lý các lĩnh vực tương ứng không chỉ ở Nga mà còn ở các nước Cộng hòa XHCN khác nữa.

Về mặt chính thức, Liên Xô (Liên minh Xô viết) được thành lập vào ngày 30/12/1922, khi Hiệp ước về Thành lập Liên Xô (ký giữa Cộng hòa XHCN Xô viết Liên bang Nga, Cộng hòa XHCN Xô viết Liên bang Ngoại Kavkaz, Cộng hòa XHCN Xô viết Ukraine, và Cộng hòa XHCN Xô viết Belorussia) đã được Đại hội Xô viết toàn Liên minh lần thứ nhất thông qua.

Lenin muốn tạo ra Liên Xô làm cơ sở cho sự đoàn kết trong tương lai tất cả các nước XHCN vào một nước Cộng hòa Xô viết XHCN Thế giới. Ít nhất đó là điều mà Hiến pháp Liên Xô (31/1/1924) tuyên bố.

Nhưng cuối cùng, phương án của Stalin về xây dựng Liên Xô thành một nhà nước tập quyền đã thắng thế.

Những bước phát triển khác dẫn Liên Xô theo hướng trên

Vào năm 1925, Đảng Cộng sản của nước Cộng hòa XHCN Xô viết Liên bang Nga trở thành Đảng Cộng sản Toàn Liên minh (Bolshevik) và Stalin làm Tổng bí thư của đảng này.

Ngay từ năm 1927, Đại hội 15 của Đảng Cộng sản Toàn Liên minh đã phê chuẩn kế hoạch tập thể hóa. Điều đó có nghĩa rằng từ giai đoạn này, đảng cộng sản cầm quyền đã hoàn thành và chỉ đạo các quyết định của chính quyền trung ương.

Nhiều lãnh thổ trước đây của Đế chế Nga không lập tức trở thành một bộ phận của Liên Xô vào năm 1922 mà “gia nhập” sau đó. Các nước cộng hòa mới này đều chịu sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Toàn Liên minh.

Năm 1925, các nước Cộng hòa XHCN Xô viết Uzbekistan và Turkmenistan gia nhập Liên Xô; năm 1929, Cộng hòa XHCN Xô viết Tajikistan; năm 1936, các nước Cộng hòa XHCN Xô viết Kazakhstan, Kyrgyzstan, Gruzia, Azerbaijan, và Armenia; năm 1940, các nước Cộng hòa XHCN Xô viết Latvia, Litva, Estonia, và Moldova. Vào năm 1940 có 16 nước Cộng hòa trực thuộc Liên Xô.

Tất cả 16 nước này (đến năm 1956 thì chỉ còn 15 nước - ND) đều chịu sự chỉ đạo từ trung tâm, đó là Moscow, nơi đặt trụ sở của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, với người đứng đầu là Tổng bí thư.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại