Phúc thẩm vụ VN Pharma: Vẫn còn nhiều 'nút thắt' chưa được mở

Đoàn Nga |

Trước những câu hỏi của HĐXX và các luật sư, đại diện Bộ Y tế và Công thương liên tục trả lời “không phải chuyên môn của tôi” hoặc “Chúng tôi sẽ trả lời bằng văn bản sau”.

Đại diện Bộ Y tế và Công thương thoái thác trách nhiệm

Sau hai ngày xét xử, phiên phúc thẩm vụ án vụ án "Buôn lậu" và "Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức" xảy ra tại Công ty CP VN Pharma đang chờ sự phán quyết cuối cùng của HĐXX.

Tuy nhiên, sau hơn một ngày xét hỏi và tranh luận, nhiều vấn đề mà dư luận đặt ra vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng như: Trách nhiệm, vai trò của Cục quản lý Dược nói chung và cá nhân những cán bộ liên quan đến vụ án như thế nào?

Phúc thẩm vụ VN Pharma: Vẫn còn nhiều nút thắt chưa được mở - Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên phúc thẩm

Được triệu tập tới Tòa để giải đáp các vấn đề liên quan tới việc cấp phép nhập khẩu, lưu hành thuốc của Công ty VN Pharma nhưng đại diện của hai bộ Y tế và Công thương đều không thể trả lời các câu hỏi của HĐXX.

Trước những chất vấn của HĐXX và luật sư, đại diện hai bộ này chỉ biết trả lời “Không phải chuyên môn của tôi” hoặc “Chúng tôi sẽ trả lời bằng văn bản sau”.

Một vấn đề nữa là, thuốc điều trị ung thư H- Capita mà VN Pharma nhập về là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng vẫn chưa được xác định rõ ràng, dù đây là mấu chốt để quy kết tội danh cho các bị cáo.

Đặc biệt, tại phiên sơ thẩm, từ lãnh đạo tới nhân viên của VN Pharma đều khai phải chi 7,5 tỷ đồng chi hoa hồng cho bác sỹ tại các bệnh viện “Muốn bán được thuốc tại các bệnh viện phải chi hoa hồng cho bác sĩ.

Ngoài lô thuốc H-Capita 500mg, các loại thuốc khác chúng tôi đều phải chi hoa hồng”, bị cáo Lê Thị Vũ Phương (nguyên kế toán trưởng VN Pharma) khai.

Tuy nhiên tại phiên phúc thẩm, các bị cáo lại phủ nhận việc chi hoa hồng cho các bác sỹ, theo bị cáo Hùng "Tiền này chi cho công tác bán hàng, tiếp thị theo chủ trương của công ty chứ không phải chi cho bác sĩ".

Không giống như phiên sơ thẩm, tại phiên tòa lần này, cựu Tổng giám đốc VN Pharma tỏ ra thành khẩn và ăn năn trước sai phạm của mình “Chúng tôi hoàn toàn không có ý thức nhập thuốc lậu hay thuốc giả và tôi biết tôi đã sai khi nâng khống giá thuốc”, bị cáo Hùng trình bày.

Đồng phạm của Nguyễn Minh Hùng là “môi giới” Võ Mạnh Cường thì một mực kêu oan khi liên tục khẳng định không làm giả các giấy tờ liên quan đến thuốc H- Capita mà tất cả đều do đối tác cung cấp.

Theo Cường, công ty nước ngoài nhờ anh ta làm đại diện để bán thuốc cho Hùng. Một số giấy tờ về chứng nhận bán hàng tại Việt Nam được đối tác người nước ngoài chuyển phát nhanh hoặc trao đổi qua email.

"Quá trình thương thảo về việc mua bán thuốc với Hùng, bị cáo có biết về nguồn gốc không?", tòa hỏi. Cường nói "tin tưởng đối tác, biết đó là thuốc từ Canada" nhưng sản xuất tại đâu thì không rõ, vì trên bao bì có ghi từ Ấn Độ.

Về những loại thuốc trước đó bán cho VN Pharma (từ 2012-2014), Cường cho biết đều lấy lấy từ Raymundo - đối tác Canada.

Cán bộ Hải quan thì cho mình vô can !

Được triệu tập tới Tòa, ông Phạm Đình Chương (cán bộ hải quan sân bay Tân Sơn Nhất) về tính pháp lý và logic của hồ sơ, tại thời điểm đó ông không biết giấy này là giả nên làm thủ tục thông quan.

Trong hồ sơ ngày ký hợp đồng có trước, hay giấy phép kinh doanh có trước, thì hải quan không đủ căn cứ để xác minh.

"Tôi đâu thể biết doanh nghiệp ký lùi ngày để phù hợp với giấy phép đã hết hạn, chỉ biết ngày trên hợp đồng là hợp lệ nên không có lý do gì để bác.

Ngoài ra, thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp các ngày ký hợp đồng và ngày trên giấy tờ hóa đơn có thể không trùng. Bởi trước đó họ có thể đã thỏa thuận, đàm phán miệng với nhau, ông Chương trả lời.

Hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 11/4/2014, Công ty VN Pharma mở tờ khai hải quan nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H- Capita theo hợp đồng ngày 1/10/2013 tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất để làm thủ tục thông quan.

Theo yêu cầu của VN Pharma, bị cáo Cường đã chỉ đạo nhân viên cung cấp tài liệu hóa đơn thương mại, giấy chứng nhận xuất xưởng được đóng dấu bởi Công ty Helix Canadan và thông báo hàng đến chuyển cho VN Pharma làm thủ tục hải quan.

Phúc thẩm vụ VN Pharma: Vẫn còn nhiều nút thắt chưa được mở - Ảnh 2.

Bị cáo Võ Mạnh Cường và Nguyễn Minh Hùng tại tòa


Kết luận giám định của Viện khoa học Hình sự Bộ Công an xác định, các tài liệu thông quan hàng do VN Pharma cung cấp.

Khi làm thủ tục hải quan, các bị can đã ghi lùi ngày trên hợp đồng nhập khẩu để phù hợp với giấy chứng nhận hoạt động của Công ty Austin Hong Kong tại Việt Nam đã hết hạn.

Vì vậy khi kiểm tra hồ sơ nhập khẩu, ông Chương không phát hiện hành vi gian dối của VN pharma.

Xuất hiện chứng cứ mới, liệu các bị cáo có được “gỡ” tội?

Ngoài ra, tại phiên tòa lần này đã bất ngờ xuất hiện hai chứng cứ mới đó là chứng nhận bị cáo Cường được Công ty Helix Canada ủy quyền hoạt động tại Việt Nam.

Trước đó, qua xác minh cơ quan điều tra cho là công ty này không tồn tại ở Canada nhưng bị cáo xác định công ty này có giấy phép hoạt động.

Để chứng minh điều này, phía bị cáo Cường nộp cho HĐXX Giấy phép số 28/BYT. Theo giấy phép này, Công ty Helix Pharmaceuticals đã được Bộ Y tế chấp thuận và đồng ý cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam; Đơn đăng ký, tiểu sử doanh nghiệp (Công ty Helix Pharmaceuticals) và thủ tục xin cấp giấy phép cho công ty nước ngoài hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam.

Chứng cứ thứ 2 là bị cáo Phạm Văn Thông đã nộp cho HĐXX bộ tài liệu chứng minh lô thuốc H-Capicitabine được sản xuất tại 1 nhà máy uy tín Ấn Độ.

Tài liệu gồm thư của Tổng giám đốc công ty này, xác nhận của Bộ Y tế nước này đạt tiêu chuẩn thuốc, danh mục thuốc sản xuất và thuốc chuyển từ nhà máy này sang Singapore.

Bảo vệ cho bị cáo Nguyễn Minh Hùng, luật sư Nguyễn Đình Hưng bất ngờ “tố” có “sai sót về mặt đánh máy”.

Tại bản kết luận giám định số 31/KLGĐ-BYT ngày 22/4/2015 thể hiện: “Phần tạp chất liên quan không định danh lớn nhất” theo tiêu chuẩn cơ sở phải dưới 0,1%, nhưng thuốc thành phẩm (mẫu giám định) có tạp chất là 0,17%.

Tuy nhiên cả bản cáo trạng, và bản án sơ thẩm lại trích dẫn: “Nhưng thuốc thành phẩm có tạp chất lên đến 17%”.

“Sai sót này là sự nhầm lẫn đánh máy nhưng là sai sót chết người, làm ảnh hưởng tới thân chủ tôi và nguy hiểm hơn là ảnh hưởng tới dư luận xã hội”, luật sư Hưng nhấn mạnh.

Đến thời điểm này, tội trạng của các bị cáo gần như đã rõ ràng nhưng vai trò, trách nhiệm của những cá nhân ở Cục quản lý Dược, Hải quan liệu có được xem xét một cách công tâm? Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào phán quyết cuối cùng của HĐXX vào ngày 23/10 tới đây.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại