Phục hồi kinh tế TQ hậu COVID-19: Ông Tập lạc quan nhưng cũng không quên cảnh báo về những áp lực đáng sợ

Hồng Anh |

Phát biểu tại phiên họp Chính hiệp hôm 23/5 vừa qua, ông Tập đã nhận định rằng nền kinh tế của Trung Quốc đang phải đối mặt với những "áp lực suy giảm nghiêm trọng".

Trong phiên họp của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp - CPPCC) hôm thứ 7 (23/5) vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định rằng nền kinh tế của nước này về lâu dài sẽ phục hồi trở lại, đồng thời cho biết Trung Quốc cần đứng về phía lẽ phải trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) đưa tin.

Tuyên bố trên đã được ông Tập đưa ra sau khi nền kinh tế của Trung Quốc bị giáng đòn nặng nề nhất trong vòng nhiều thập kỷ qua do những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và kinh tế toàn cầu suy thoái.

Trong Quý I năm 2020, kinh tế Trung Quốc đã suy giảm 6,8%, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 3% trong năm nay. Đây sẽ là cuộc suy thoái tồi tệ nhất trên toàn cầu kể từ sau cuộc Đại suy thoái trong thập niên 1930.

Theo Tân Hoa Xã, ông Tập đã chỉ ra những ưu điểm của nền kinh tế Trung Quốc trong bài phát biểu của mình:

"Đất nước ta có hệ sinh thái công nghiệp toàn diện nhất và có quy mô lớn nhất thế giới, cùng với đó là năng lực sản xuất mạnh mẽ... [Chúng ta] có hơn 100 triệu doanh nghiệp, hơn 170 triệu lao động được đào tạo và có tay nghề, hơn 400 triệu người có thu nhập trung bình, những yếu tố này đã góp phần tạo nên một thị trường tiêu thụ nội địa khổng lồ ở đất nước 1,4 tỉ dân của chúng ta.

Đối diện với tương lai, chúng ta cần coi nhu cầu nội bộ là điểm khởi đầu và "chỗ đứng", khi chúng ta đẩy nhanh việc xây dựng một hệ thống tiêu thụ nội địa hoàn chỉnh và thúc đẩy mạnh mẽ sự đổi mới trong khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác".

Bên cạnh đó, ông Tập cũng đề cập tới những điểm lạc quan trong nền kinh tế của Trung Quốc, như việc đô thị hóa đang phát triển nhanh chóng, lĩnh vực thương mại điện tử và các lĩnh vực khác đầy hứa hẹn sẽ cung cấp các điểm tăng trưởng mới, ví dụ như lĩnh vực công nghệ sinh học, cũng đang trên đà phát triển.

Phục hồi kinh tế TQ hậu COVID-19: Ông Tập lạc quan nhưng cũng không quên cảnh báo về những áp lực đáng sợ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: EPA-EFE

Lời cảnh báo của ông Tập

Năm nay, sự kiện họp Lưỡng hội của Trung Quốc (gồm 2 cuộc họp của Quốc hội và Chính hiệp) đã được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt: Do đại dịch COVID-19 bùng phát, sự kiện chính trị quan trọng này đã phải trì hoãn 2 tháng.

Theo SCMP, đây là cơ hội để những quốc gia khác có thể hiểu rõ hơn về những chiến lược và chính sách trong thời gian tới của Bắc Kinh, đặc biệt là trong vấn đề ứng phó với dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế.

Hôm thứ 6 (22/5), trong bài phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã không đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2020 vì những "điều bất định liên quan tới đại dịch COVID-19 và môi trường kinh tế-thương mại toàn cầu". Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc có quyết định từ bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP.

Trong tuyên bố hôm 23/5, ông Tập cũng đã cảnh báo rằng nền kinh tế của Trung Quốc đang phải đối mặt với những "áp lực suy giảm nghiêm trọng".

"Chúng ta cũng sẽ phải đối diện với viễn cảnh nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái sâu sắc, các hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế suy giảm mạnh, thị trường tài chính toàn cầu hỗn loạn, các sàn giao dịch quốc tế bị gián đoạn, xu hướng toàn cầu hóa bị đẩy lùi, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương trở nên tràn lan tại một số quốc gia, và các rủi ro địa chính trị gia tăng", ông Tập cho biết.

Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định rằng nước này cần đứng về phía lẽ phải, bảo vệ một thế giới cởi mở và đem lại lợi ích cho tất cả, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang trên đà gia tăng trên toàn cầu.

"Chúng ta cần duy trì chủ nghĩa đa phương và dân chủ hóa trong các mối quan hệ quốc tế, theo đuổi sự phát triển với thái độ cởi mở, hợp tác và đem lại lợi ích cho tất cả mọi người" - Ông Tập đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự ổn định của các chuỗi cung ứng toàn cầu, không nêu đích danh bất cứ quốc gia hay nhà lãnh đạo nào khi nói những điều này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump - trước thềm cuộc bầu cử tháng 11 - cùng các quan chức trong chính quyền của ông đã nhiều lần đổ lỗi cho Trung Quốc vì dịch bệnh COVID-19. Trong khi đó, tiểu bang Missouri cùng một số doanh nghiệp và cá nhân ở Mỹ đã và đang tìm cách yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại vì COVID-19 thông qua hành động pháp lý.

Phục hồi kinh tế TQ hậu COVID-19: Ông Tập lạc quan nhưng cũng không quên cảnh báo về những áp lực đáng sợ - Ảnh 6.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại