Phú Thọ: Cao thủ săn loài "sát thủ" cá râu dài da trơn tuột, ngạnh sắc nhọn trên Đà giang

Hội Hùng |

Nhờ nắm bắt "kỹ nghệ" nghề săn cá ngạnh, nhiều người sống cạnh sông Đà đoạn chạy qua địa phận tỉnh Phú Thọ có thể kiếm được cả triệu đồng mỗi ngày.

Chọn thời gian, địa điểm, phương thức săn cá ngạnh được người dân hết sức chú trọng

Chọn thời gian, địa điểm, phương thức săn cá ngạnh được người dân hết sức chú trọng

Trời nhập nhoạng tối, nhìn "nhọ" mặt người, cũng là lúc ông Dương Tiến Dũng, một người nhiều năm làm chài lưới trên sông Đà đoạn chảy qua xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, lại chuẩn bị ngư cụ cho một đêm săn cá ngạnh.

Theo ông Dũng, không phải lúc nào cũng có thể săn được cá ngạnh. Muốn săn được cá ngạnh, mọi người phải chọn đúng mùa, đúng thời gian và cách thức đánh bắt.

"Thường thì vào tháng 3 đến tháng 6, khi nước sông Đà đột ngột rút, cá ngạnh mới ra khỏi hang nhiều. Đi săn cá phải vào lúc rạng đông, phương pháp bắt cá này thường bằng lưới, rọ hoặc câu. Nếu câu, mọi người dùng mồi giun, mối.

Nếu đánh rọ thì mồi lại phải là tép dầu phơi khô. Mưa càng to thì săn cá ngạnh càng được nhiều", ông Dũng chia sẻ.

Sau nhiều năm làm nghề chài lưới, đặc biệt là săn cá ngạnh, ông Dũng nhận thấy rằng, trên dòng sông Đà, đoạn qua ghềnh Bợ (xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy), ghềnh Con Tượng (khu cầu Trung Hà) và khu lồng bè xã Xuân Lộc... là nhiều cá ngạnh nhất.

"Vào thời điểm tháng 2 (Âm lịch), khi những cơn mưa rào đầu tiên xuất hiện, cũng là lúc cá ngạnh ra khỏi hang để ăn rêu, ăn mối, ăn giun. Với những ngày đầu mùa như thế, việc người dân đánh một đêm được 25 – 30kg cá ngạnh là chuyện không hiếm ", ông Dũng cho biết thêm.

Với giá bán 450.000 – 500.000 đồng/kg, những người làm chài lưới có thể kiếm được cả chục triệu đồng vào những ngày đầu mùa. Còn những ngày bình thường, những người làm chài lưới cũng có thể săn được một vài kilogram cá ngạnh, kiếm 1 triệu hoặc vài triệu đồng.

Phú Thọ: Cao thủ săn loài sát thủ cá râu dài da trơn tuột, ngạnh sắc nhọn trên Đà giang - Ảnh 1.

Hiện nay cá ngạnh sông Đà mà người dân bắt được, to lắm cũng chỉ đạt trọng lượng 5 - 7 lạng

Ông Nguyễn Trọng Luyện (trú tại khu 5, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) là một người có nhiều năm sống nhờ sông nước.

"Trước đây cá ngạnh nhiều, một đêm người dân đánh được vài chục kilogram là bình thường. Không những thế, người dân thường xuyên bắt được những con cá ngạnh có trọng lượng từ 2 – 2,5kg.

Bây giờ, cá ngạnh ít, đêm nào được nhiều cũng chỉ 5 – 7kg, cá ngạnh thường chỉ 5 – 6 lạng, hiếm hoi lắm mới bắt được con xấp xỉ 1kg", ông Luyện kể.

Cũng theo ông Luyện, người làm nghề săn cá ngạnh trên sông Đà thường chọn thời điểm chiều tối đặt lưới, sau 4 – 5 tiếng thì rút lưới. Sau khi thu hoạch cá ngạnh, người dân lại tiếp tục buông lưới, đến khi rạng đông thì tiến hành thu lưới tiếp.

Phú Thọ: Cao thủ săn loài sát thủ cá râu dài da trơn tuột, ngạnh sắc nhọn trên Đà giang - Ảnh 2.

Khâu sơ chế cá ngạnh khá đơn giản...

Nghề săn cá ngạnh trên sông Đà đòi hỏi những người phải có kinh nghiệm, nắm bắt được luồng cá, thời điểm cá đi ăn theo đàn và cách buông lưới.

Chính những đòi hỏi khắt khe như thế, nên dù sông Đà rất nhiều thủy sản quý, có giá trị cao… nhưng chỉ có vài chục người theo nghề đánh cá và săn cá ngạnh trên sông Đà đoạn chảy qua huyện Thanh Thủy, tập trung ở một số xã như Tân Phương, Xuân Lộc, Thạch Đồng, Hồng Đà...

Để người dân biết cách phân biệt cá ngạnh sông và cá ngạnh nuôi, ông Dũng chia sẻ, cá ngạnh sông có nhiều cỡ, con to, nhỏ khác nhau và đặc biệt, thịt có màu vàng không lẫn với những loại khác.

Phú Thọ: Cao thủ săn loài sát thủ cá râu dài da trơn tuột, ngạnh sắc nhọn trên Đà giang - Ảnh 4.

... Và có thể chế biến được thành nhiều món ngon.

Cá ngạnh có thể chế biến theo nhiều cách như lẩu, nướng, om cà pháo, nấu măng, kho xổi, nấu canh mồng tơi… Đặc biệt, nếu nấu cá ngạnh om mẻ cùng với con vờ vờ, có thể nói là món ăn "cực phẩm". Đây là món ăn không phải ai cũng được thưởng thức, và nếu được thưởng thức sẽ không bao giờ quên.

Dù nghề săn cá ngạnh hiện giờ vẫn cho thu nhập cao, nhưng những người làm nghề này vẫn canh cánh những nỗi lo lắng vì loại cá này ngày càng ít.

Theo nhận định của người dân, lý do của việc cá ngạnh nói riêng và các loại thủy sản nói chung ngày càng ít trên sông Đà là do môi trường bị tác động nhiều.

Ngoài ra, có nhiều người ý thức kém đã dùng kích điện để bắt cá, khiến trứng cá, cá con hoặc cá trúng điện bị chết, phát triển kém.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại