Phú Quý là một trong những danh hài gạo cội nổi tiếng ở Việt Nam. Trải qua hơn 40 năm làm nghề, với nhiều tiền tài và hào quang, nghệ sĩ tài hoa này vẫn luôn đem tiếng cười đến cho mọi người.
Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau sự nổi tiếng của Phú Quý là cả một tuổi thơ cực nhọc. Đời tư của ông cũng không hề suôn sẻ.
Tại tập 16 chương trình Sau ánh hào quang tuần tới (lên sóng 15/1). Danh hài Phú Quý sẽ chia sẻ toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của mình.
Tuổi thơ gian khó và bỏ học theo nghề diễn vì quá đam mê
Tôi sinh ra là con út trong một gia đình nghèo ở miền Đông Nam bộ. Cha tôi làm nghề chài lưới, còn mẹ tảo tần nuôi 10 đứa con.
Từ bé, tôi đã phải phụ giúp gia đình buôn gánh bán bưng để kiếm sống.
Ngày ấy, nhà tôi ở gần đoàn hát, nên tôi hằng ngày phải bán trái cây, bưng cháo phục vụ các nghệ sĩ. Tới khi rạp hạ màn, tôi mới lẻn vào sân khấu để được nhìn ngắm hào quang từ các thần tượng của mình.
Lâu dần, tôi bị ánh đèn và âm nhạc mê hoặc. Thế là, tôi lấy hết can đảm hét lên với mẹ: "Má ơi, con muốn đi hát quá" và bỏ học, rời gia đình đi theo đoàn hát khi mới chỉ 13 tuổi.
Từ đó, tôi rong ruổi khắp mọi nơi và hát cùng các đàn anh đàn chị của mình. Nhưng hát được vài tháng, tôi lại trốn đoàn về nhà vì nhớ mẹ cha.
Năm 14 tuổi, tôi may mắn trúng 5000 đồng vé số và cùng gia đình mua lại một ngôi trường bỏ hoang để xây sửa thành ngôi nhà khang trang.
Làm nhân viên bến xe nhưng vẫn thắng 3 huy chương vàng hội diễn
Vòng xoáy của cuộc đời theo năm tháng đã vùi lấp niềm đam mê của tôi. Khi lớn lên, tôi trở thành một nhân viên tại bến xe miền Tây. Hàng ngày, tôi vẫn thường giúp đỡ các nghệ sĩ có vé xe sớm để đi diễn ở các tỉnh xa.
Thấy tôi nhiệt tình, nhiều nghệ sĩ cũng ngỏ ý hỗ trợ. Nhưng giai đoạn đó, cơ hội để trở lại sân khấu vẫn còn khá mịt mờ với tôi.
Trong một lần tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng, tôi bất ngờ được chọn trình diễn và thắng lớn với 3 huy chương vàng, dù vẫn đang chỉ là một nhân viên bình thường.
Thấy hình ảnh mình xuất hiện trên Tivi trắng đen thời đó, tôi sung sướng lắm.
Được đích thân NSND Kim Cương cho người tìm tận nơi mời diễn
Năm 1980, "Kỳ nữ" Kim Cương đã cho người xuống tận bến xe miền Tây để mời tôi đến nhà riêng của mình. Tại đây, tôi đã lần đầu được gặp thần tượng của mình và được chính thần tượng mời diễn cùng trong vở Dưới hai màu áo.
Lúc đó, cầm kịch bản dày cộp trong tay, tôi muốn ngất đi vì không tin vào những gì mình đang chứng kiến.
Dù rất sung sướng, nhưng tôi vẫn sợ hãi và tứa mồ hôi xin trả lại kịch bản cho nghệ sĩ Kim Cương.
Tới khi ấy, nghệ sĩ Kim Cương mới lên tiếng: "Đây là cơ hội để thay đổi cuộc đời. Nếu em không nắm bắt thì chị có thể tìm diễn viên khác".
Vì thế, tôi đã đột ngột thay đổi quyết định và xin kỳ nữ Kim Cương cho được thủ vai này. Không thể ngờ, tôi là một nhân viên bến xe, mà lại được NSND Kim Cương mời diễn.
Một tuần sau, tôi chính thức trở thành "ông Công" - người cha của cô bái bán hột vịt lộn do NSND Kim Cương thủ diễn.
Tôi chỉ nhớ rằng, sau khi buổi diễn kết thúc, cả đoàn chạy ra ôm tôi và chúc mừng:"Em đã thành công rồi".