Những ngày này, tầm 16h, khi thủy triều rút, phụ nữ ở xã đảo Tam Hải lại mang rổ ra bãi đá Bàn Than để mò nghêu.
Mùa hè nên trời vẫn còn nắng gắt, bà Đỗ Thị Niên (trú thôn Thuận An) ngồi dưới nước, tay mò mẫm trong cát, hốc đá để bắt nghêu, sò. |
Dụng cụ lao động rất đơn giản, chỉ có đôi tất chân để tránh bị đá, vật sắt nhọn đâm vào, trên đầu đội mũ tránh ánh nắng trực tiếp làm lóa mắt. |
Dù đã tuổi cao, sức yếu nhưng vì miếng cơm, manh áo, bà vẫn miệt mài làm công việc này. "Mò nghêu giúp những người già như tôi có thêm thu nhập, mỗi buổi có thể bắt được khoảng 4kg, bán được khoảng 150.000 đồng. Đây là số tiền không nhiều nhưng cũng trang trải được chi tiêu hàng ngày…", bà Niên bộc bạch. |
Cạnh bà Niên, bà Nguyễn Thị Tuyết (thôn Thuận An) cũng đang dầm mình cần mẫn mò từng con nghêu. Công việc của bà bắt đầu từ khi thủy triều rút và kết thúc khi chập tối. Trung bình, mỗi buổi bà mò được hơn 3kg, bán được hơn 100.000 đồng. |
Bà Tuyết cho hay, mùa nghêu thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 8. Nghêu, sò thường nằm lẫn trong lớp bùn cát. Do ngâm mình nhiều giờ trong nước, đôi lúc tay tê buốt, mất cảm giác. |
"Cuối ngày, đôi bàn tay trắng bệch, da ''siu'' lại, nhăn nheo; chưa kể nhiều lúc còn bị vỏ hàu, mảnh chai, đá sắc nhọn cứa chảy máu. Bàn tay bị thương lại ngâm trong nước biển nên rất đau rát…", bà Tuyết kể. |
Nghề cũng cần phải chịu khó vì làm việc dưới trời nắng nên rất dễ bị say nắng, do ngâm mình nhiều giờ liền trong nước nên bệnh ngoài da là khó tránh khỏi. |
Ngoài mò bằng tay, một số người còn dùng thanh sắt dài được uốn cong phần đầu để cào bới những lớp đá dày và to. Tuy nhiên, dù bắt nghêu bằng cách nào cũng phải dùng sức của đôi tay để cào bới, mò nghêu dưới dưới lớp bùn, đá. |
“Tối về tay đau và lưng mỏi lắm, nhưng đổi lại kiếm cũng được hơn 100.000 đồng đi chợ", bà Niên chia sẻ. |