Phụ nữ Trung Quốc nghĩ gì về chuyện ‘không chồng mà chửa’?

Minh Thu |

Vấn đề sinh đẻ đã cởi mở hơn ở Trung Quốc, nhưng đa phần phụ nữ chưa kết hôn vẫn phản đối chuyện 'không chồng mà chửa'.

Kết quả một cuộc nghiên cứu mới đây về quan điểm của những phụ nữ Trung Quốc chưa kết hôn liên quan tới chuyện sinh con cho thấy, 86% nghĩ rằng sinh con là quyền lợi của phụ nữ chứ không còn là nghĩa vụ và điều họ có thể làm là chọn sinh hoặc không sinh con.

Trong bối cảnh kinh tế ngừng phát triển, phụ nữ đang đóng vai trò ngày càng lớn đối với sự phát triển của xã hội Trung Quốc. Báo cáo đăng trên nền tảng mai mối trực tuyến mqiuu.com hôm 22/3 cũng nhấn mạnh tự do sinh đẻ hiện là quyền của phụ nữ.

Phụ nữ Trung Quốc nghĩ gì về chuyện ‘không chồng mà chửa’? - Ảnh 1.

Dù tư tưởng sinh con đã cởi mở, nhưng đa phần phụ nữ Trung Quốc không đồng tình với chuyện "không chồng mà chửa". (Ảnh minh họa)

Chỉ có 32% phụ nữ chưa kết hôn tham gia cuộc điều tra đồng tình với quan điểm đứa trẻ tạo nên một cuộc hôn nhân thành công và hoàn hảo. Điều này trái với quan niệm truyền thống đứa trẻ không chỉ là kết tinh của tình yêu mà còn là biểu tượng của một cuộc hôn nhân trọn vẹn. Hai quan điểm này cho thấy lối suy nghĩ về hôn nhân và tình yêu đã có sự thay đổi qua các thế hệ phụ nữ Trung Quốc. Nói cách khác, giờ đây phụ nữ xem hạnh phúc chính là tiêu chí quan trọng để đánh giá một cuộc hôn nhân.

Nghiên cứu của mqiuu.com cũng cho thấy dù chính quyền Trung Quốc đã cho thi hành nhiều sáng kiến trong những năm gần đây để tăng tỷ lệ sinh đẻ như kéo dài thời gian nghỉ thai sản và bảo hiểm, nhưng tỷ lệ sinh ở đất nước tỷ dân vẫn không được cải thiện mà thậm chí còn duy trì xu hướng giảm theo năm. Điều này được thể hiện ở con số chỉ 25% nam giới độc thân và chưa tới 20% phụ nữ chưa kết hôn nhận định những chính sách khuyến sinh sẽ tác động tới kế hoạch sinh con của họ.

Điều đáng nói, 60% phụ nữ chưa kết hôn ở Trung Quốc nhấn mạnh họ chắc chắn sẽ không chấp nhận chuyện “không chồng mà chửa”.

Trên thực tế, quan niệm sinh đẻ trong xã hội Trung Quốc ngày càng cởi mở. Ngay cả trong kỳ họp của Quốc hội Trung Quốc vào đầu năm nay, một số đại biểu đã đề xuất ý kiến cho phép phụ nữ ngoài 30 tuổi nhưng chưa kết hôn được sinh một con, và hưởng các quyền lợi thai sản như phụ nữ đã lấy chồng. Nhưng 60% phụ nữ chưa kết hôn tham gia cuộc điều tra khẳng định họ không chấp nhận sinh con khi chưa lấy chồng.

Chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu, ông He Yafu, một chuyên gia dân số cho biết quan niệm phản đối chuyện “không chồng mà chửa” đã ăn sâu vào tư tưởng Nho giáo và vẫn tồn tại ở các nước Đông Á trong đó có Trung Quốc.

Theo nghiên cứu, nhóm chưa kết hôn tỏ ra vô cùng thận trọng để tránh mang thai ngoài ý muốn. Bởi 90% trong số này sử dụng các biện pháp ngừa có thai.

Cũng theo kết quả nghiên cứu, tỷ lệ sẵn sàng sinh con ở mức thấp trong nhóm chưa kết hôn là do tác động từ các yếu tố như sợ sinh con, chi phí cao cho quá trình sinh và nuôi con, cùng những lo lắng về cuộc hôn nhân trong tương lai, bên cạnh những lý do truyền thống như giá cả bất động sản, chi phí y tế, giáo dục, căng thẳng công việc và thu nhập.

Nghiên cứu còn cho thấy gần 50% phụ nữ chưa kết hôn và 30% phụ nữ đã ly hôn không sẵn sàng từ bỏ công việc để ở nhà nội trợ và chăm con. Bởi theo họ, vai trò và vị thế của phụ nữ trong xã hội ngày càng lớn và quan niệm về phân công lao động trong gia đình cũng đã thay đổi.

Theo thông tin mới đây trên trang web yicai.com, số lượng cặp đôi đăng ký kết hôn trong năm 2021 tại Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm. Điều này ảnh hưởng lớn tới tỷ lệ sinh đẻ, dù số lượng cặp vợ chồng ly hôn trong năm ngoái đã giảm nhờ tác động tạm thời của chính sách “30 ngày hạ hỏa”.

Cụ thể, Trung Quốc có tổng cộng 7,63 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn vào năm 2021, con số thấp kỷ lục trong vòng 36 năm kể từ năm 1986, thời điểm Bộ Dân chính Trung Quốc bắt đầu thống kế số lượng.

Số lượng cặp đôi đăng ký kết hôn trên toàn lãnh thổ Trung Quốc sụt giảm mạnh trong vòng 3 năm qua với con số chưa tới 10 triệu cặp vào năm 2019, gần 9 triệu cặp năm 2020 và dưới 8 triệu cặp năm 2021.

Tính tổng thể, số lượng cặp đôi kết hôn vào năm 2021 chỉ bằng 56,6% so với năm 2013, thời điểm các cặp đôi tiến tới hôn nhân đạt kỷ lục.

Theo ông He, tình trạng kết hôn sụt giảm tại Trung Quốc xảy ra trong 8 năm liên tiếp là do số lượng người trẻ giảm, đàn ông nhiều hơn phụ nữ trong độ tuổi kết hôn và quyết định trì hoãn kết hôn.

Ngoài ra, học thức của phụ nữ Trung Quốc ngày càng cao cùng sự phát triển kinh tế, dẫn tới tư tưởng sẵn sàng kết hôn của phụ nữ thấp hơn nhiều so với nam giới.

Số liệu từ Bộ Dân chính Trung Quốc còn cho thấy tổng cộng 2,14 triệu cặp vợ chồng ở nước này đăng ký ly hôn vào năm 2021, tương đương 57,3% trong tổng số 3,73 triệu cặp ly hôn vào năm 2020.

Chuyên gia He nhận định số lượng vụ ly hôn sụt giảm xuất phát từ tác động tạm thời của chính sách “30 ngày hạ hỏa”.

Trước đó, chính phủ Trung Quốc đã cho triển khai chính sách "30 ngày hòa giải" từ tháng 1/2021 với yêu cầu các cặp đôi muốn ly hôn phải chờ 30 ngày cho tới khi quá trình giải quyết ly hôn được hoàn tất là nhằm cải thiện sự ổn định của xã hội, cũng như để các cặp đôi có thêm thời gian suy nghĩ chín chắn. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng bộ luật đã vi phạm quyền tự do hôn nhân của người dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại