10. Đức: Mạnh vì gạo, bạo vì tiền
Không có gì phải nghi ngờ về vai trò của phụ nữ tại một quốc gia mà người lãnh đạo uy tín nhất chính là một phụ nữ: Bà Angela Merkel – người được tin tưởng giữ ghế Thủ tướng Đức từ năm 2005 tới nay. Thêm vào đó, Đức cũng là một trong những nền kinh tế mạnh nhất thế giới.
9. New Zealand: Quốc gia đầu tiên công nhận quyền bầu cử của nữ giới
Năm 1893, New Zealand trở thành 1 trong những quốc gia tự trị đầu tiên trên thế giới, trong đó tất cả phụ nữ đều có quyền hợp pháp để bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử quốc hội.
Năm 2018 là năm lịch sử với New Zealand khi quốc gia này kỷ niệm 125 năm ngày bầu cử đầu tiên của phụ nữ.
8. Australia: Đất nước cởi mở về giới tính
Australia không chỉ đạt tiến bộ quan trọng khi hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính vào năm 2017, mà còn ghi điểm nhờ tuổi thọ trung bình cao ở cả nam giới và phụ nữ.
7. Thụy Sỹ: Quốc gia hoàn hảo số 1 thế giới
Thụy Sỹ xếp vị trí số 1 trong bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất thế giới của Báo Tin tức Mỹ và thế giới. Họ vượt qua rất nhiều cường quốc về uy tín, môi trường, nhân quyền, giáo dục, y tế cộng đồng và ổn định kinh tế.
6. Canada: Quốc gia coi trọng đầu tư cho nữ giới
Kế hoạch chi tiêu ngân sách liên bang năm 2018 của Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau, với tên gọi “Bình đẳng + tăng trưởng, một tầng lớp trung lưu mạnh mẽ”, đặt mục tiêu trao quyền cho phụ nữ và đầu tư vào họ như thành phần thiết yếu trong lực lượng lao động của nước này.
5. Phần Lan
Phần lớn các nước Bắc Âu là những nhà vô địch về quyền phụ nữ , Phần Lan cũng không phải là ngoại lệ. Quốc gia này đứng thứ 3 trong số 144 nước thuộc Báo cáo về khoảng cách giới tính toàn cầu năm 2017.
Chính sách nghỉ phép của các bậc cha mẹ Phần Lan rất cởi mở để hỗ trợ phụ nữ chăm sóc con cái, theo đó người cha cũng được nghỉ phép tương tự người mẹ.
Ngoài ra, họ có đạo luật Bình đẳng giữa nam giới và nữ giới nhằm đảm bảo sự bình đẳng giữa hai giới trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
4. Hà Lan: Nơi phụ nữ thư thái cân bằng công việc và đời sống riêng tư.
Hà Lan từ lâu đã là quốc gia tiên phong về bình đẳng giới. Ngay từ năm 1978, Hà Lan đã ban hành Chính sách giải phóng phụ nữ, quy định việc nghỉ phép, chăm sóc y tế, quyền lợi, giáo dục và tiền lương bình đẳng giữa nam giới và nữ giới.
Những bà mẹ trẻ ở Hà Lan được hưởng quyền lợi đặc biệt, đó là mỗi người lại có một y tá chăm sóc trong kỳ thai sản riêng, chi phí được hỗ trợ hoặc chi trả ít nhất một phần bởi bảo hiểm.
Một điểm đặc biệt là đa số phụ nữ Hà Lan kiếm tiền thông qua các công việc bán thời gian. Sự hạnh phúc hay hài lòng của phụ nữ Hà Lan không gắn với việc họ hơn thua với nam giới ở nơi công sở, mà là sự cân bằng giữa công việc và đời sống của phụ nữ.
3. Na Uy: Thiên đường cho bình đẳng giới
Na Uy xếp hàng thứ 2 trong số 144 quốc gia thuộc Báo cáo Khoảng cách Giới tính Toàn cầu năm 2017. Nước này được mệnh danh là “Thiên đường cho bình đẳng giới”. Tại Na Uy, phụ nữ có thể nhận nguyên lương 35 tuần hoặc 80% lương trong 45 tuần khi nghỉ thai sản.
2. Thụy Điển: Nữ giới nắm giữ một nửa chính trường
Kể từ khi bắt đầu xếp hạng, Thụy Điển chưa bao giờ rời top 5 quốc gia hàng đầu trong bảng Báo cáo Khoảng cách Giới tính Toàn cầu. Gần 2/3 số văn bằng đại học ở Thụy Điển được trao cho nữ giới.
Các chính sách nghỉ phép của cha mẹ có con nhỏ rất linh hoạt. Phụ nữ được miễn phí hoặc nhận phụ cấp cho chăm sóc trước khi sinh, cả bố và mẹ có số ngày nghỉ chăm số con lên đến 480 ngày.
Thụy Điển cũng là nước ủng hộ việc nữ giới nắm quyền lãnh đạo – một nửa số Bộ trưởng là phụ nữ, và vào năm 2014, phụ nữ chiếm đến 43,6% trong giới nghị sĩ.
1. Đan Mạch: Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới
Đan Mạch là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới theo khảo sát của Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc năm 2016.
Không chỉ thế, Viện nghiên cứu của Mỹ Gallup đã thực hiện cuộc khảo sát trên 147 quốc gia với cả nam và nữ giới để tìm hiểu sự chênh lệch về hạnh phúc, thu nhập, địa vị và sức khỏe và kết quả cho thấy trong suốt 40 năm liền, Đan Mạch luôn được bình chọn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Sự hạnh phúc này đến từ nhiều tiêu chuẩn khác nhau, trong đó có quyền lợi của phụ nữ và bình đẳng giới tính.
Tại nước này, tỉ lệ phụ nữ hài lòng với cuộc sống đạt 0,9/1 điểm. Đan Mạch sở hữu một hệ thống phúc lợi xã hội cũng như chăm sóc sức khỏe hàng đầu, đồng thời là quốc gia sở hữu chỉ số cân bằng giới cao nhất thế giới: 40% đại biểu Quốc hội Đan Mạch là nữ.
Đặc biệt, phụ nữ Đan Mạch nói riêng và người dân nước này nói chung không quá coi trọng giá trị vật chất, cũng bởi đời sống tinh thần của họ luôn đủ đầy.