Phụ nữ Nhật Bản đau đáu lo sợ nghèo khó khi về hưu

HÀ LINH |

Phụ nữ Nhật Bản phải đối mặt với nhiều hạn chế và thử thách khiến họ phải đối mặt với khả năng sống nghèo khổ khi về hưu.

Phụ nữ Nhật Bản đau đáu lo sợ nghèo khó khi về hưu - Ảnh 1.

Phụ nữ Nhật Bản ngày càng lo ngại về cuộc sống về hưu của họ. Ảnh: Reuters

Chính phủ Nhật Bản đã ban hành một trong những luật về nghỉ thai sản "hào phóng" nhất trên thế giới và gần đây còn hình thành hạng mục “người lao động toàn thời gian giới hạn” hướng tới những người phụ nữ muốn cân bằng giữa gia đình và công việc.

Nhưng ngay cả với những lợi thế này, phụ nữ Nhật Bản dù có độc thân hay đã lập gia đình, làm việc nửa thời gian hoặc toàn thời gian cũng đều phải đối mặt với tương lai khó khăn về tài chính. 

Các nhân tố tác động bao gồm dân số già hóa, tỷ lệ sinh giảm khiến phụ nữ Nhật Bản không đặt nhiều hy vọng vào một cuộc sống nghỉ hưu an dưỡng.

Giáo sư Seiichi Inagaki tại Đại học Phúc lợi và Sức khỏe Quốc tế đánh giá tỷ lệ phụ nữ lớn tuổi Nhật Bản sống ở mức nghèo khổ sẽ tăng gấp đôi trong 40 năm tới, lên 25%. Đối với những phụ nữ lớn tuổi độc thân, con số này có thể đạt tới 50%.

Tỷ lệ sinh sản tại Nhật Bản đang ở mức thấp trong khi dân số già hóa và kết quả là dân số ở độ tuổi lao động của nước này đến năm 2055 sẽ giảm 40%. 

Chính phủ Nhật Bản đã xử lý bằng việc nâng độ tuổi về hưu. Nhưng hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho biết, theo tính toán, nhiều phụ nữ Nhật Bản sẽ rất khó khăn về tài chính ở thời điểm 20 năm trước khi họ qua đời.

Chênh lệch tiền lương do giới tính đang tồn tại ở Nhật Bản. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), phụ nữ Nhật Bản thu nhập chỉ bằng 73% so với nam giới. 

Khủng hoảng nhân khẩu học của Nhật Bản còn khiến tình hình tồi tệ hơn: những cặp đôi cao tuổi cần thêm 185.000 USD để sinh sống do hệ thống lương hưu nhiều thiếu hụt.

Giáo sư Takashi Oshio tại Viện nghiên cứu kinh tế ở Đại học Hitotsubashi cho biết đầu tư hưu trí và chương trình trợ cấp hưu trí tư nhân ngày càng nâng tầm tại Nhật Bản. 

Giáo sư Machiko Osawa tại Đại học Nữ giới Nhật Bản đánh giá những ngày “hoàn toàn phụ thuộc vào lương hưu nhà nước” đã kết thúc.

Một số công dân Nhật Bản đã chuyển tiền khỏi các tài khoản ngân hàng lãi suất thấp sang tài khoản tiết kiệm về hưu. Nhưng điều này đòi hỏi phải có tiết kiệm và phụ nữ Nhật Bản dường như không giữ lại được khoản nào bên người.

Theo dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản, mức chi phí sinh sống bình quân của một gia đình Nhật Bản hơn 2 thành viên là 287.315 yen (khoảng 61 triệu đồng)/tháng. 

Có 15,7% gia đình Nhật Bản sống dưới mức nghèo khổ của nước này là khoảng 937 USD/tháng (khoảng 21,5 triệu đồng).

Việc thiếu ổn định việc làm, cơ hội thăng tiến và lợi ích khiến phụ nữ Nhật Bản thường yếu thế về tài chính, đặc biệt là đối với những người không có bạn đời để cùng chia sẻ chi phí.

Phụ nữ Nhật Bản đau đáu lo sợ nghèo khó khi về hưu - Ảnh 2.

Tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản không kết hôn ngày càng tăng. Ảnh: Reuters

Vẫn tồn tại những chướng ngại khác với phụ nữ Nhật Bản. Mặc dù kể từ khi ông Shinzo Abe nắm giữ chức Thủ tướng và có thêm 3,5 triệu phụ nữ Nhật Bản gia nhập lực lượng lao động nhưng 2/3 trong số này chỉ đảm nhận công việc bán thời gian.

Thủ tướng Abe từng cho biết một trong những mục tiêu của ông là khuyến khích phụ nữ tiếp tục làm việc sau khi sinh con nhưng theo một nghiên cứu gần đây của chính phủ Nhật Bản, gần 40% phụ nữ làm việc toàn thời gian đã chuyển sang công việc bán thời gian sau khi sinh con.

Machiko Nakajima là một trường hợp điển hình, cô đã nghỉ việc toàn thời gian tại một công ty du lịch ở độ tuổi 31 khi mang thai. 

Nakajima chia sẻ không còn muốn làm việc khi phải bận chăm sóc con cái. Thay vào đó, cô Nakajima dành một thập niên để nuôi dạy 2 con nhỏ sau đó mới quay trở lại làm việc.

Hiện nay, ở độ tuổi 46, cô Nakajima làm lễ tân nửa thời gian tại một trung tâm tennis ở Tokyo. Nakajima cho biết cô lo lắng về tương lai, đặc biệt là với hệ thống lương hưu hiện tại. 

Nakajima nói: “Thật không dễ dàng gì để tiết kiệm cho về hưu với tư cách là nhân viên làm việc nửa thời gian”.

Nhà nghiên cứu Yanfei Zhou tại Viện Đào tạo và Chính sách Lao động Nhật Bản cho biết mức chênh lệch về thu nhập trong cả cuộc đời giữa phụ nữ làm việc toàn thời gian và những người chuyển sang làm việc bán thời gian ở độ tuổi 40 là 200 triệu yen.

Bà Yanfei Zhou đánh giá: "Việc tiết kiệm cho việc về hưu với tư cách lao động bán thời gian là không hề dễ dàng". 

Những bà mẹ đơn thân thường phải kiếm được ít nhất 3 triệu yen mỗi năm để trang trải cuộc sống và đây không phải là điều dễ dàng khi làm việc bán thời gian.

Tại Nhật Bản, lương hưu chính phủ chi trả chiếm 61% đối với thu nhập của người cao tuổi. Hệ thống lương hưu chủ yếu được lực lượng lao động trong độ tuổi từ 20-59 đóng góp.

Mặc dù các góa phụ có thể được nhận một phần lương hưu của bạn đời đã mất nhưng số người Nhật Bản không kết hôn đang gia tăng, gấp 3 lần kể từ năm 1980. 

Khảo sát gần đây nhất cho thấy tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản không kết hôn là 14% trong khi nam giới là 23%.

Nhưng giáo sư Machiko Osawa tại Đại học Phụ nữ Nhật Bản cũng nhấn mạnh cần thay đổi an sinh xã hội, nên xoay quanh cá nhân thay vì hộ gia đình. 

Bà Machiko Osawa nói: "Hôn nhân không tồn tại mãi mãi. Phụ nữ thường phụ thuộc vào bạn đời về mặt tài chính nhưng nay nam giới phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp và nhiều công việc của họ lại không hề tăng lương".

Mặc dù ngày càng có nhiều công ty tạo điều kiện để phụ nữ có giờ làm linh hoạt hơn sau khi nghỉ thai sản nhưng nhiều lao động nữ phàn nàn rằng họ không có nhiều cơ hội để phát triển công việc.

Khảo sát của chính phủ Nhật Bản trong năm 2019 cho kết quả 28,4% phụ nữ đánh giá họ được đối xử công bằng tại nơi làm việc, trong khi đó vào năm 2016 con số này chỉ là 0,2%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại