Phụ nữ nên học bằng lái xe ô tô B1 hay B2?
Theo Thầy giáo dạy lái xe ô tô Nguyễn Thanh Tâm tại Hà Nội: "Phụ nữ khi thi bằng lái xe ô tô, nên học hệ B1 sẽ nhanh và thi dễ hơn bằng B2 số sàn, tuy nhiên hạng B1 chỉ phục vụ lái xe gia đình số tự động chứ không kinh doanh lái xe dịch vụ được."
Nếu không có nhu cầu lái xe dịch vụ, phụ nữ chỉ cần học bằng lái ô tô hạng B1 (Ảnh minh họa)
Hiện nay, bằng lái xe hạng B lại chia ra làm hai loại là B1 và B2, đều cho phép sử dụng ôtô chở người dưới 9 chỗ ngồi và xe tải dưới 3.500 kg. Công dân đủ 18 tuổi trở lên, có sức khỏe tốt đủ điều kiện theo quy định đều có thể học và thi 2 loại bằng này.
- Bằng lái xe hạng B1 số tự động cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển ôtô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi; ô tô tải, kể cả ôtô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg hoặc ô tô dùng cho người khuyết tật.
- Bằng lái xe hạng B1 (hay còn gọi là bằng B1 số sàn) được cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi, ô tô tải, kể cả ôtô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg, máy kéo kéo một rơ-moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.
- Bằng lái xe hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển ôtô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1.
Ảnh minh họa.
Về thời hạn, các loại bằng B1 được sử dụng đến khi lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam. Trong khi đó, bằng B2 chỉ được dùng trong thời gian 10 năm kể từ ngày cấp. Quá thời hạn sử dụng, lái xe cần gia hạn hoặc thi lại để được cấp bằng mới.
Thầy Tâm cũng đưa ra cân nhắc cho chị em, với nhu cầu phần lớn sử dụng xe gia đình, bằng lái B1 thích hợp với chị em phụ nữ hơn bằng B2. Do vậy, nếu không có nhu cầu lái xe dịch vụ, phụ nữ chỉ cần học bằng lái ô tô hạng B1 là được. Thời gian học ngắn hơn nhưng hạn sử dụng lâu hơn cũng là ưu điểm của bằng B1. Tuy nhiên, nếu chị em có ý định hành nghề dịch vụ vận tải thì bằng lái B2 là phương án bắt buộc.
Bí quyết để chị em chắc tay lái
Ngoài những kiến thức được học trong các khóa huấn luyện lái xe ô tô, chị em phụ nữ cũng cần bỏ túi cho mình một số bí quyết để lái xe an toàn, chuyên nghiệp.
Ghi nhớ những bí quyết để lái xe an toàn trên mọi nẻo đường (Ảnh minh họa)
1. Hiểu về luật trước khi cầm vô lăng
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, những người tham gia giao thông không nắm vững luật lệ là một trong các nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông ngày càng tăng. Vì vậy, trước khi "làm chủ tốc độ" trên đường, chúng ta cần trang bị cho mình kiến thức vững chắc về luật giao thông đường bộ để an toan cho mình và tránh gây tai nạn cho người khác.
2. Đừng quên điều chỉnh lại ghế ngồi trước khi xuất phát
Việc đầu tiên của tài xế lái xe ô tô dù mới hay đã có kinh nghiệm phải làm là điều chỉnh ghế ngồi sao cho phù hợp, an toàn và thoải mái. Lưu ý, không nên ngồi xa hay quá gần vô-lăng. Ngồi đúng tư thế sẽ giúp cho tài xế quan sát tốt, bớt mệt mỏi và tránh được những va chạm gây tổn thương nặng cho cơ thể khi có sự cố bất ngờ xảy ra.
3. Điều chỉnh gương chiếu hậu để quan sát tốt nhất
Gương chiếu hậu là phía trong hay ngoài xe là trang bị cực kỳ quan trọng khi lái xe, nó sẽ giúp chị em có tầm quan sát tốt nhất, bao quát nhất khi điều chỉnh đúng. Tất cả phương tiện đang di chuyển phía sau, bên hông xe, sẽ được nhìn rõ như một. Vì vậy, chị em đừng bỏ qua lưu ý quan trọng này.
4. Thử chân ga, phanh ga nhiều lần
Đây là việc sẽ giúp người lái xe điều phối được lực đạp bàn chân khi tác động lên các chân này, đảm bảo độ an toàn khi gặp sự cố trên đường.
Ảnh minh họa.
5. Không nên áp sát xe về phía trước và lùi quá gần với các vật cản phía sau
Đối với phụ nữ cũng như các tài xế mới biết lái thì việc canh ước lượng khoảng cách đầu xe, đuôi xe so với các phương tiện khác cũng như các vật thể là điều vô cùng khó khăn cho nên khi chạy trên đường cũng như lùi xe thì tài xế nên có khoảng cách hoặc đỗ xa một chút để tránh những va chạm không đáng có xảy ra.
6. Tuyệt đối không một tay dùng điện thoại, một tay lái xe ô tô
Cho dù bạn là người nhiều kinh nghiệm đi chăng nữa thì việc sử dụng điện thoại khi đang lái xe là hành động vô cùng nguy hiểm. Điều này sẽ rất dễ dẫn đến tai nạn, va chạm với các phương tiện giao thông khác hoặc các vật chướng ngại trên đường đi.
7. Không đạp thốc ga và phanh gấp
Đối với các tài xế là nữ giới thì việc cảm nhận chân côn, phanh và ga chưa được hoàn toàn chính xác và có thể điều khiển theo ý muốn. Vì vậy, bạn nên đi chậm, bình tĩnh để làm quen và cảm nhận chân côn, ga, phanh. Không đạp thốc ga khi cầm lái vì có thể bạn không làm chủ được sức mạnh của xe khi tăng tốc khiến xe lao đi mất kiểm soát.
8. Sử dụng giày đế thấp khi lái xe và chọn lót trải sàn xe đúng cách
Nên dự bị trên xe một đôi giày đế thấp để sử dụng chúng khi ngồi vào ghế lái xe sẽ giúp bạn an toàn hơn là giày cao gót.
Chọn thảm lót sàn xe loại tốt sẽ giúp công việc vệ sinh xe dễ dàng và nhanh chóng hơn, bên cạnh đó còn tạo bề mặt có ma sát tốt giúp chân điều khiển chân ga, phanh, côn dễ dàng.
Ảnh minh họa.
9. Quan sát đi đúng làn đường, đúng tốc độ
Để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông trên đường, chị em cần tập trung vào việc quan sát tình hình giao thông trước mắt và hai bên hông xe. Nếu cần làm việc riêng thì nên xi nhan xin đường và dừng xe sát lề đường nơi khu vực có biển báo cho phép dừng, đỗ xe, về số và kéo phanh tay.
10. Bảo dưỡng định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất
Lái xe an toàn không chỉ đơn thuần là có khả năng lái xe tốt mà còn phụ thuộc vào yếu tố bảo trì, bảo dưỡng. Sau thời gian sử dụng, các chi tiết trên xe sẽ bị hao mòn dần, chất lượng dầu nhớt xuống cấp, gioăng và ống cao su thoái hóa… Kèm theo đó là tính năng và độ an toàn của xe giảm xuống.Việc bảo dưỡng, bảo trì là công việc rất cần thiết để phục hồi và duy trì các tính năng của xe để đảm bảo tính an toàn nhất có thể khi bạn tham gia giao thông.