Tờ Daily Monitor của Uganda hôm 23/11 có bài viết bình luận về thực trạng các cô gái châu Phi phải vật lộn mưu sinh để nuôi dạy những đứa trẻ có cha là công nhân Trung Quốc đã bỏ về nước.
Theo đó, tờ Daily Monitor nhấn mạnh, không thể phủ nhận mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi đang ngày càng được tăng cường khi hai bên chứng kiến hàng loạt siêu dự án hạ tầng mọc lên ở châu Phi - từ đường sá, cầu cống, đập thủy điện cho đến trung tâm thương mại.
Tuy nhiên, đằng sau sự tăng trưởng nóng là những nỗi đau khó chia sẻ của phụ nữ và trẻ em châu Phi.
Những bà mẹ đơn thân và đứa trẻ không cha
Người phụ nữ bế cháu ngoại có cha là công nhân Trung Quốc ở Uganda đã "bỏ của chạy lấy người"
Ở quận Oyam, miền bắc Uganda, các nhà chức trách thống kê có ít nhất 20 phụ nữ phải vật lộn mưu sinh để nuôi những đứa trẻ có cha là người Trung Quốc đã "bỏ của chạy lấy người".
Jacqueline Adero, 20 tuổi, là một trong số bà mẹ đơn thân như vậy. Adero cho biết một người đàn ông Trung Quốc xưng tên Yahang chính là cha của đứa con 18 tháng tuổi mà Adero đang phải chật vật nuôi một mình.
Yahang là nhân viên làm việc cho công ty xây dựng Sinohydro Corporation đang thi công đập thủy điện Karuma ở Uganda. Sinohydro là một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trúng hàng loạt gói thầu xây dựng công trình cơ sở hạ tầng trên khắp châu Phi.
Adero kể lại rằng vào năm 2015, cô đến Karuma để tìm việc làm và bắt đầu có mối quan hệ tình cảm với Yahang - người hứa hẹn sẽ đưa cô về Trung Quốc để tổ chức đám cưới.
Tuy nhiên, hy vọng của cô sớm bị dập tắt khi một ngày nọ cô phát hiện người tình Trung Quốc đã bỏ về nước một mình và bỏ lại cô cùng cái thai 5 tháng.
Đang mang bầu và không còn sức lao động, Adero đành trở về quê trong nỗi thất vọng cùng cực.
"Tôi không thể ngờ anh ta bỏ về Trung Quốc vĩnh viễn trong khi tôi đang mang thai đứa con 5 tháng trong bụng" - cô gái 20 tuổi nhớ lại.
Bà Sophia Kolo, mẹ của Adero, cho biết gia đình rất nỗ lực để tìm hiểu "tác giả" cái thai mà cô đang mang nhưng đều thất bại. "Chúng tôi hỏi nhưng con bé không tiết lộ. Ngày nó sinh ra một bé gái Trung Quốc, chúng tôi vô cùng sốc", bà Kolo nhớ lại.
Ngoài ra, bà Kolo cho biết đứa cháu lai của bà rất khó nuôi vì nó dị ứng với hầu hết thức ăn địa phương. "Nó chỉ ăn bánh quy và uống nước ngọt. Khi chúng tôi cho nó ăn các món địa phương, nó bị dị ứng khắp người", bà Kolo chia sẻ.
Đấu tranh
Ông Patrick Okello, trưởng làng Mwa Otiratok, cho biết họ sẽ gửi đơn khiếu nại lên ban lãnh đạo công ty Sinohydro để yêu cầu giải quyết hậu quả mà những công nhân Trung Quốc của công ty này gây ra.
"Theo nền văn hóa của chúng tôi người đàn ông sẽ phải cưới cô gái hoặc bồi thường cho những tổn thất và thời gian mang nặng đẻ đau. Do đó, chúng tôi sẽ yêu cầu công ty phải đưa ra những người đã bỏ rơi các cô gái và những đứa con của họ", ông Okello nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Richard Nam - lãnh đạo Quỹ Văn hóa Lango - cho biết sẽ đàm phán với ban lãnh đạo Sinohydro để tìm cách hỗ trợ các cô gái.
"Họ (công nhân Trung Quốc) nên giúp đỡ những cô gái nghèo khổ nuôi dạy những đứa trẻ này. Chúng tôi sẽ đàm phán với họ và nếu thất bại chúng tôi sẽ sử dụng đến các biện pháp pháp luật", ông Richard Nam khẳng định.
Tuy nhiên, trong khi chờ các biện pháp giải quyết được công ty Sinohydro đưa ra thì những đứa trẻ mang thân phận con lai vẫn cần đến bánh quy và nước ngọt.