Đây là câu chuỵện có thật 100% xảy ra vài năm trước. Khi phu nhân của vị tổng giám đốc ngân hàng nọ nhận được trát đòi nợ bằng văn bản từ một nhà băng khác, mở ra đọc thì không tin vào mắt mình: 2.000 đồng.
Một lãnh đạo ngân hàng cổ phần cho biết, mọi việc hoàn toàn theo đúng quy trình, không hề có sự sai sót cả về số tiền lẫn người nhận trát đòi nợ. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ đòi số tiền 2.000 đồng với một trát đòi nợ bằng văn bản có chữ ký đóng dấu đỏ chót của nhà băng giống như một trò cười bắt nguồn từ việc tự động hoá mà không tính đến các trường hợp cần loại trừ.
Theo đó, hệ thống sẽ tự động in ra các trát đòi nợ với các khoản vay còn tồn đọng của khách hàng, rồi văn bản được ký, đóng dấu và gửi đi. Không ai quan tâm đến số tiền 2.000 đồng thậm chí còn nhỏ hơn cả tiền gửi trát đòi nợ bởi số lượng khách hàng cá nhân quá nhiều, người ký có thể cũng không đọc số liệu trên chính văn bản mình ký. "Giờ ngân hàng nào cũng có cả triệu khách hàng cá nhân, hệ thống thì vận hành tự động, nếu không có các quy tắc kiểm soát kỹ thì việc xảy ra trát đòi nợ 2.000 đồng cũng… bình thường. Quan trọng là sau khi phát hiện thì phải sửa, không để sự việc trở thành phản cảm", ông này cho biết.
Trong khi đó, Tổng giám đốc một nhà băng cổ phần tại Hà Nội bình luận về vụ tiêu thẻ tín dụng hơn 8 triệu bị đòi gần 9 tỷ đồng: "Nguyên nhân có thể có phần giống với vụ trát đòi nợ bằng văn bản số tiền 2.000 đồng". Theo ông này, trong cả 2 trường hợp, số tiền mà ngân hàng đòi nợ khách hàng gần như chắc chắn không thể sai theo đúng với hợp đồng. Với việc vay qua thẻ tín dụng có lãi suất khoảng 3-4%/tháng, kèm theo lãi suất quá hạn 150% tính lãi nhập gốc liên tục thì số tiền vay hơn 8 triệu đồng được "sinh sôi nảy nở" theo cấp số nhân. Sau 11 năm, số tiền gốc và lãi vọt lên gần 9 tỷ là chính xác. Sự giống nhau giữa 2 vụ việc là ngân hàng không đòi sai số tiền và đều do hệ thống đưa ra.
Tuy nhiên, vị tổng giám đốc này cho biết: "Thông thường, ngân hàng có quy trình được thiết tốt sẽ không để việc tính lãi cho khoản vay 8 triệu đồng lên đến 8 tỷ đồng. Nếu khoản nợ vay tín chấp mà không trả kéo dài khoảng hơn 12 tháng (có thể dài hơn tuỳ từng tổ chức tín dụng) thì ngân hàng sẽ dừng tính lãi, trích dự phòng và xoá nợ xấu. Hầu hết ngân hàng không tiếp tục tính lãi nhập gốc, cả lãi quá hạn liên tục 11 năm như vậy dù về nguyên tắc việc này không sai bởi không ai trả được nợ kiểu thế cả, chỉ làm trò cười thôi".
Còn điểm khác nhau giữa trát đòi nợ 2.000 đồng và đòi nợ gần 9 tỷ đồng từ khoản tiêu dùng hơn 8 triệu đồng sau 11 năm là ngân hàng đòi nợ 2.000 đồng đã không tính lãi mẹ đẻ lãi con từ một khoản tồn đọng nào đó. Còn điểm giống nhau thú vị ở cả 2 vụ việc là cả 2 ngân hàng đều không nhìn ra điểm tức cười của vụ đòi nợ: một cái là không cần thiết, một cái là không khả thi.
Vị tổng giám đốc này cho biết, thông thường, nhà băng sẽ bán các khoản nợ xấu cho công ty AMC và họ sẽ đòi nợ không phải theo kiểu đòi bằng được toàn bộ lãi và gốc đối với tất cả các khoản nợ. Với khoản nợ đặc biệt như vụ tiêu dùng hơn 8 triệu, phải trả gần 9 tỷ đồng này thì đơn giản chỉ là việc đòi được ở mức độ nào đó chứ không phải toàn bộ số tiền. Đây là không tính đến yếu tố phát sinh về pháp lý liên quan đến việc người tiêu số tiền đó bằng thẻ tín dụng. "Đòi gần 9 tỷ là để doạ nhau thôi, chứ ai lại làm thế thật. Nhưng lẽ ra không nên để vụ việc như vậy ầm ĩ, nhất là trong lúc này", ông này nhận xét.
(* Tên nhân vật đã được thay đổi)