Phụ huynh xách dao vào trường, học sinh đánh nhau: Làm gì để trường học an toàn?

TS NGUYỄN KIM DUNG (viện trưởng Viện khoa học giáo dục Nam Việt) MỸ DUNG ghi |

Không thể để phụ huynh tự tiện xách dao vào trường dọa hiệu trưởng, không thể có cảnh giáo viên bị bẻ tay ngay trước mặt học sinh..., nhưng cũng không thể đóng khung ngôi trường trong chiếc hộp kín mít.

Trường học cần được xây dựng thế nào để đáp ứng mục đích dạy học, bảo vệ học sinh, giáo viên mà vẫn thân thiện, tích cực?

So sánh các sự việc mất an toàn trong trường học ở Việt Nam và một số nước trên thế giới, chúng ta thấy rõ ràng có sự khác biệt.

Chẳng hạn, ở Mỹ, Thái Lan, Úc việc mất an toàn đến từ các tác nhân bên ngoài, hầu như rất ít liên quan đến nội dung, hoạt động của nhà trường. Đó là những vụ xả súng vào trường học mà người xả súng có vấn đề về tâm thần, hoảng loạn, hoặc căng thẳng, thù ghét xã hội…

Còn các vụ việc mất an toàn trong nhà trường Việt Nam phần lớn lại có nguyên nhân từ các tác nhân gắn với nhà trường. Cụ thể và chủ yếu nhất vẫn xuất phát từ mối quan hệ giữa thầy cô, nhà trường với học sinh, phụ huynh.

Như trường hợp của phụ huynh xách dao vào tận trường để "hỏi tội" hiệu trưởng do xuất phát từ cảm giác bị coi thường, bị xúc phạm khi thầy hiệu trưởng "bêu tên" hai người con của họ trước bàn dân thiên hạ. Nguyên nhân đến từ sự tương tác thiếu tế nhị giữa nhà trường với học sinh, phụ huynh.

So sánh đó cho chúng ta thấy rằng về cơ bản phải giải quyết vấn đề an toàn trường học của chúng ta khác hơn so với việc may cho các trường cái áo giáp kiểu như các nước trước làn sóng bạo lực từ xã hội tấn công vào trường học.

Vì thế, vấn đề của chúng ta không phải chỉ là làm cho đội ngũ bảo vệ các trường học phổ thông ở Việt Nam trở nên chuyên nghiệp hơn, nhà trường có cổng cao và dày hơn.

Nếu chỉ dừng ở đó thì sự an toàn trong các nhà trường vẫn âm ỉ những cơn sóng bạo lực, có thể thành những hiện tượng đáng báo động. Thế nên, việc nâng cao an toàn trường học cần được xem xét giải quyết từ mối quan hệ giữa nhà trường, học sinh, phụ huynh.

Về cơ bản, mối quan hệ giữa nhà trường phổ thông và cha mẹ học sinh ở Việt Nam chủ yếu là mối quan hệ hình thức, chưa đi vào chiều sâu chất lượng, chưa có tính cá nhân.

Mỗi năm, trường phổ thông thường họp phụ huynh được hai, ba lần. Những lần đó chỉ giải quyết các vấn đề được cho là căn bản của nhà trường như: đóng học phí, tiền trường, lấy ý kiến xây dựng, mua sắm, vài vấn đề chung của hầu hết các phụ huynh như việc học sinh ăn uống, nghỉ ngơi, học môn nào…

Còn lại các vấn đề khác hầu hết các trường phổ thông sẽ giải quyết thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh. Nhưng đội ngũ ban đại diện này họ làm việc tình nguyện, không thể là kênh để thông tin thông suốt các vấn đề của mỗi cá nhân học sinh đến với nhà trường.

Vì thế, nếu có mâu thuẫn giữa học sinh và giáo viên, nhà trường thì mâu thuẫn đó không ngay lập tức được giải quyết mà sẽ đẩy đến cao trào và dẫn đến việc phụ huynh tham gia vào mâu thuẫn. Hai bên không hiểu nhau, không có quá trình kết nối nên dễ dẫn đến những sự việc đau lòng.

Thêm một vấn đề nữa trong việc giải quyết mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh ở các trường học Việt Nam là chúng ta thiếu các hồ sơ để cá nhân hóa việc dạy học. Ở nhiều nước phương Tây, học sinh được quản lý theo hồ sơ cá nhân.

Dựa vào đó cha mẹ sẽ biết học sinh học ở trường như thế nào, có những vấn đề gì xảy ra (cả về thể chất, tinh thần, hoạt động học tập…). Tại Việt Nam, các sổ liên lạc là một kênh thông tin nhưng hầu hết thông tin này chỉ mang tính hình thức và mỗi kỳ cha mẹ học sinh được phát một lần nên kênh này không giúp cha mẹ học sinh kiểm soát được việc học tập, vui chơi, ăn uống của con mình như thế nào ở trường.

Những điều này dẫn đến việc nhiều phụ huynh một ngày đẹp trời bỗng thấy con mình "hư" khi tham gia vào sự vụ nào đó và khi thông tin với mọi người họ đều té ngửa với câu nói quen thuộc "con tôi ở nhà ngoan lắm".

Trường học tại Việt Nam muốn an toàn hơn, cần phải đào tạo được những người lãnh đạo và giáo viên biết lắng nghe, giải quyết bài toán quản lý trường học với phương châm: giải quyết thấu đáo các vấn đề cá nhân của học sinh, phụ huynh.

Trong thời đại 4.0 như hiện nay, việc kết nối giữa nhà trường, phụ huynh cần đi vào thực chất, không né tránh các vấn đề. Có nhiều cách để tạo nên một ngôi trường an toàn cũng như có nhiều cách để kết nối thực chất với phụ huynh.

Điều đặc biệt quan trọng là người quản lý phải biết rằng bên cạnh các vấn đề giải quyết được bằng tập thể còn tồn tại những vấn đề chỉ có thể giải quyết bằng cách riêng tư, cá nhân.

Một trong những vấn đề mà người quản lý nhà trường cần phải xây dựng đó là cách ứng xử với phụ huynh, học sinh thuộc nhóm yếu thế để hài hòa lợi ích, để đừng đẩy họ đến những hành động bột phát mang lại sự mất an toàn cho trường học.

Cốt lõi của sự an toàn trong nhà trường vẫn là nằm ở cách quản lý chuyên nghiệp, thấu tình đạt lý, biết lắng nghe và giàu kết nối với tập thể và cá nhân phụ huynh, học sinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại