Điểm trường Mầm non ở xã Yên Hồ nằm bên lưng chừng đồi. Mới sáng sớm đã thấy từng tốp đàn ông, phụ nữ kéo đến ngồi đợi ở sân trường. Chúng tôi tỏ ý ngạc nhiên thì cô giáo trẻ Hoàng Thị Huế (quê ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) cho hay: "Chuẩn bị bước vào năm học mới, mấy ngày nay phụ huynh đến dựng tạm cho các cô mái nhà để ở và dạy học".
Đang dùng búa đóng đinh vào những chiếc ghế gỗ bị hỏng ở sân trường, phụ huynh Vi Văn Thỉu (SN 1987) cho biết: "Gia đình tôi có 2 con, cháu đầu học lớp 1 và cháu thứ 2 đang theo học ở trường mầm non này. Gia đình không có tiền nên góp ngày công, vật liệu giúp nhà trường. Ở trường thiếu thốn nhiều thứ, trong khi các cô đều từ xa lên đây công tác nên phụ huynh sẵn sàng giúp sửa chữa đồ đạc, vật dụng".
Hơn 13 năm cắm bản, cô Hoàng Thị Huế cho biết, điểm trường này có gần 100 học sinh nhưng không đủ ghế gỗ cho các em ngồi học hàng ngày, số ghế bị hư hỏng khá nhiều
Những âm thanh cưa, đục vang lên nhộn nhịp ở sân trường khiến chúng tôi vừa mủi lòng vừa cảm thấy hạnh phúc. Là một trong những giáo viên cắm bản từ năm 2009, cô Hoàng Thị Huế bộc bạch, hơn 13 năm cắm bản, điểm trường này có gần 100 học sinh nhưng không đủ ghế gỗ cho các em ngồi học hàng ngày.
"Lớp học của các cháu bây giờ từng là nhà ở của công nhân thủy điện Bản Vẽ chuyển giao. 14 năm qua, năm nào phụ huynh cũng lên rừng chặt tre, nứa, lá cọ về đan lợp nhà", cô Huế chia sẻ.
Anh Vi Văn Thỉu đang sửa chữa những chiếc ghế cho các em học sinh chuẩn bị dùng trong năm học mới
Theo lãnh đạo trường Mầm non xã Yên Na (huyện Tương Dương), hiện toàn trường có 269 học sinh ở 4 điểm trường, hơn 50% học sinh thuộc gia đình hộ nghèo hoặc cận nghèo. Ở các điểm trường Xốp Pu và Yên Sơn (xã Yên Na), đa phần học sinh là người dân tộc người Khơ Mú, đời sống kinh tế của đồng bào còn rất khó khăn.
Thương giáo viên và các em nhỏ, dịp đầu năm học, phụ huynh lên rừng chặt tre, nứa và lá cọ để tự nguyện lớp mái nhà cho trường.
Dẫn chúng tôi vào phòng học có hàng chục chiếc ghế bị hư hỏng chất đống, cô Lộc Thị Hân, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Yên Na, chia sẻ: "Thương giáo viên và các em nhỏ, dịp đầu năm học, các phụ huynh lên rừng chặt tre, nứa và lá cọ để tự nguyện lớp mái nhà cho trường. Ở các bản, phụ huynh đều nghèo khó nhưng rất nhiệt tình giúp đỡ cô trò để có không gian che chắn những ngày mưa. Để có mái che kiên cố là việc chưa thể làm vào lúc này đối với địa phương".
Những tấm phên lợp nhà được phụ huynh chặt từ trên rừng về đan làm mái nhà che mưa nắng cho cô trò trước thềm năm học mới
Cuộc sống còn nhiều khó khăn là vậy nhưng tình người vẫn luôn lan tỏa trong ở nơi này. Tại các điểm trường, giáo viên cắm bản luôn được bà con xem như người thân ruột thịt. Có miếng ăn ngon họ cũng không bao giờ quên các thầy cô giáo… Dường như đó là nguồn động viên mạnh mẽ giúp cô, trò vượt qua mọi khó khăn để chinh phục con chữ, với ước mong về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tạo xương cho mái che trước sân trường