Theo chia sẻ của một số phụ huynh Trường tiểu học Trần Thị Bưởi trên Dân Trí, 9 giờ tối ngày 2/11, họ nhận thông tin có một xe tải nhỏ đến trường và lúc đó hiệu trưởng vẫn đang ở trường.
Lo ngại có thể thực phẩm tại trường được chuyển đi, hàng chục phụ huynh đã tập trung đến trường trong đêm. Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, công an phường cũng có mặt.
Hàng chục huynh Trường tiểu học Trần Thị Bưởi, Q.9 tập trung đến trường đêm 2/11 mong được niêm phong thực phẩm, gia vị, nước chấm tại bếp ăn.
Anh N.K, một phụ huynh có mặt tại đây cho biết, phụ huynh đề nghị được vào trường để niêm phong số gia vị, nước chấm, thực phẩm tại bếp ăn, tuyệt đối không sử dụng nữa và gửi đến cơ quan chức năng để kiểm nghiệm.
Tuy nhiên, sau nhiều lần trao đổi, chờ đợi, thương lượng đến gần 12 giờ đêm, mong muốn vào trường để niêm phong thực phẩm sẵn có tại bếp của phụ huynh không được chấp nhận.
Lúc đó, cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hương cũng từ trường đi xe máy ra. Nhiều phụ huynh đã giữ hiệu trưởng lại, nêu đề nghị cô cho vào trường niêm yết thực phẩm nhưng không được. Sau đó, cô đã đi xe ra về.
Thực phẩm phụ huynh kiểm tra không đảm bảo chất lượng trong sáng 2/11.
Trước đó, sáng 2/11, tại trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (quận 9, TPHCM), khi giám sát giao nhận thực phẩm, một phụ huynh còn thấy nhiều củ cà rốt và cải thảo bị bầm dập, héo. Người này tỏ ra bất ngờ khi giò chả được mua với giá 65.000 đồng một kg, thấp hơn nhiều so với thị trường. Nhiều người nghi vấn chất lượng, nguồn gốc thực phẩm tại bếp ăn của trường.
Có con học lớp 2 đang đóng tiền ăn trưa tại trường, chị N.H chia sẻ trên Lao Động, phải trả 30.000 đồng cho hai bữa trưa và xế của con nhưng thức ăn rất ít. Một hình ảnh được chụp lại cho thấy học sinh chỉ ăn trứng chiên, canh và tráng miệng bằng chuối.
"Nếu ăn như thế này con tôi sẽ không có sức để học, không thể phát triển được" - chị H. buồn bã nói.
Bữa trưa gồm trứng và canh ở trường Tiểu học Trần Thị Bưởi, được phụ huynh chụp khi giám sát bữa ăn.
Từ đầu năm học, phụ huynh thống nhất mỗi tháng một em đóng 200.000 đồng tiền phục vụ bán trú, 30.000 đồng tiền vệ sinh bán trú và suất ăn/ngày là 30.000 đồng bao gồm cả bữa xế (bánh flan, hũ sữa chua...). Cho rằng với mức phí này bữa ăn sẽ "nhỉnh" hơn so với các trường khác ở địa bàn Q.9, nhưng tận mắt thấy bữa ăn, thấy nguồn thực phẩm mang vào trường, không ít phụ huynh đặt ra câu hỏi về chất lượng bữa ăn.
Trước những ý kiến chất vấn của phụ huynh, bà Nguyễn Thị Thu Hương - hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Thị Bưởi - nói trên Tuổi Trẻ: "Không phải ngày nào trường cũng kiểm tra, cũng phải đến trường lúc 5 giờ sáng mà đi đột xuất để xem xe chuyên chở có hợp vệ sinh, có rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, trường cũng yêu cầu bếp ăn không sử dụng hàng đông đá, chỉ sử dụng hàng tươi. Trường cũng làm với lương tâm của người làm giáo dục, kiểm tra bằng mắt. Cuối tuần họp với bảo mẫu và bếp ăn một lần".
Thực đơn của học sinh bán trú Trường tiểu học Trần Thị Bưởi. Ảnh: Lao Động.
Bà Hương lý giải, giá giò rẻ bởi ngoài thành phần thịt heo còn có thịt gà và một số thực phẩm khác. Nhà cung ứng sản xuất dây chuyền với số lượng lớn, có thương hiệu và chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn. Việc một số rau củ bị dập, hư hại do vận chuyển, được bếp trả lại nhà cung cấp, chứ không phải mang vào chế biến bữa ăn cho học sinh, nhưng hình ảnh được chia sẻ khiến phụ huynh hiểu lầm.
Cùng với đó, là người đứng đầu nhà trường, bà Hương nhận trách nhiệm và gửi lời xin lỗi tới phụ huynh vì chưa làm tròn trách nhiệm với những yêu cầu phụ huynh tin tưởng và giao phó.
Bắt đầu từ ngày 3/11, nhà trường sẽ tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ nguồn thực phẩm đầu vào để phụ huynh yên tâm.