Phụ huynh Hà Nội buồn phiền vì con mới lớp 3 đã có tật xấu khó bỏ, thái độ bất cần của con càng gây sốc hơn

Trang Vũ |

Phụ huynh này tỏ rõ sự bất lực trước thái độ của con.

Tuổi tiểu học là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Ở độ tuổi này, các em đã dần hình thành những cá tính và quan điểm riêng. Đó có thể là một dấu hiệu tích cực với phụ huynh cho thấy con của họ đang dần trưởng thành, nhưng kéo theo đó cũng là rất nhiều nỗi lo con sẽ nảy sinh những tính cách xấu và trở nên khó dạy bảo hơn.

Mới đây, một người mẹ Hà Nội đã chia sẻ câu chuyện của con mình lên một hội nhóm phụ huynh. Theo đó, con gái mới lên lớp 3 của người mẹ này là một cô bé rất thảo tính, luôn thích chia sẻ đồ ăn và đồ chơi với các bạn.

Tuy nhiên, qua nói chuyện và để ý, nữ phụ huynh lại cảm nhận thấy đó có thể là do con muốn thu hút sự chú ý của bạn bè, con cho rằng khi mời đồ ăn thì các bạn sẽ vây quanh và chơi cùng. Vậy nên đã xảy ra chuyện để có tiền mua đồ thì con đã nhiều lần có hành động lấy trộm tiền của bố mẹ, ông bà. Dù bố mẹ có phát hiện ra, cũng như dùng đủ mọi cách từ tâm sự, giảng giải, dạy con hiểu về sự vất vả để kiếm và sử dụng tiền, nhưng con vẫn không chịu thay đổi.

Cụ thể là sự việc mới xảy ra gần đây, con đã ăn trộm 500.000 đồng của bố mẹ để mang đưa cho bạn. Con nói rằng là bạn đưa cho con 20.000 đồng, nhưng lại đòi trả lại 500.000 đồng nên con mới lấy tiền của bố mẹ để trả. Người mẹ thấy thế cũng đã nói chuyện thẳng thắn, hỏi con tại sao lại làm như vậy và cũng đã đánh con. Thế nhưng, con lại tỏ ra bất cần, cho rằng việc mình lấy trộm là bình thường và nói rằng ghét mẹ, khiến phụ huynh thấy rất bất lực.

Phụ huynh Hà Nội buồn phiền vì con mới lớp 3 đã có tật xấu khó bỏ, thái độ bất cần của con càng gây sốc hơn- Ảnh 1.

Hành động của con khiến người mẹ này vô cùng buồn phiền (Ảnh minh họa)

Nữ phụ huynh cũng nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề khi hành động lấy trộm tiền của con không chỉ dừng lại ở 1, 2 lần và nặng nề hơn là suy nghĩ bất cần của con. Người mẹ cho rằng có thể do cách dạy con của gia đình chưa phù hợp nên mới khiến con có suy nghĩ không đúng và dễ sai lệch.

Bên dưới phần bình luận, netizen cũng thể hiện thái độ đồng cảm và đưa ra giải pháp hỗ trợ người mẹ:

- Giống hệt thằng bé nhà mình cũng lớp 3, rất hay mang bánh kẹo thậm chí là đồ chơi cho các bạn, bút, thước kẻ, tẩy cũng rất hay cho bạn. Thực ra các cái nhỏ nhỏ đấy mình không quá để ý, chỉ nói nghiêm là con phải giữ đồ của mình không cho ai hết chỉ cho mượn thôi. Chỉ đến lúc cô giáo gọi điện cho mình bảo cháu cho bạn nào đấy 100.000 đồng (tiền bà cho hôm đi chơi vườn thú nhưng quên trong túi), phụ huynh bạn đấy còn liên lạc với mình xin trả lại mình mới tá hỏa. Mình biết thằng bé thích ăn rong biển, bắt nó phải dọn dẹp bàn học, phụ bà rửa bát, tự tắm, cầm chổi quét xong nhà sạch thì mới cho 30.000 đồng đi mua túi rong biển và bảo: "Con biết kiếm được chừng này tiền nhọc như thế nào chưa? Từ sau không được tự tiện dùng tiền hay cho ai tiền". Từ đấy nó mới hết cho bạn đồ đạc các thứ.

- Hình như bạn nào tầm tuổi này cũng có hành động đó. Kiểu bạn muốn mua đồ hoặc muốn thể hiện với bạn bè nhưng lại chưa hiểu giá trị của đồng tiền ấy.

- Cất kỹ tiền đi, đừng để lung tung, con nhìn thấy sẽ lấy tiêu thôi. Vì con nghĩ bố mẹ tiêu được mình cũng tiêu được. Dần dần thành quen, không thấy thì sẽ tìm để lấy.

- Mỗi bé một tính, bạn tự lắng nghe và cảm nhận bé để có cách xử lý thôi. Về phía tôi, tôi tạo định nghĩa cho bé về hành vi trộm cắp và hình phạt tương xứng. Bé nhà tôi được ăn vài con lươn to mọng vào mông. Ngay sau đó thì bố mẹ tâm sự với bé, phân tích, giảng giải. Vài ngày sau đó vẫn nhắc lại và hỏi bé xem bé nhận thức như thế nào. Chúc bạn thành công.

- Nếu con thực sự muốn thu hút các bạn đến thì bố mẹ có thể lựa chọn như các quyển truyện, sách hay và mới mua cho con rồi bảo con rủ các bạn cùng đọc hoặc chịu khó cho con đến nhà các bạn chơi và ngược lại, trẻ con đừng đả động đến chuyện tiền gì cả, cùng phụ huynh khác hỗ trợ các bạn khác chơi cùng con.

Phụ huynh Hà Nội buồn phiền vì con mới lớp 3 đã có tật xấu khó bỏ, thái độ bất cần của con càng gây sốc hơn- Ảnh 2.

Biểu hiện của con khiến vị phụ huynh này lo lắng (Ảnh minh họa)

Phụ huynh nên làm gì khi phát hiện ra con ăn trộm tiền?

1. Tìm hiểu nguyên nhân

Khi phát hiện con mình lấy trộm tiền, điều quan trọng nhất là các bậc phụ huynh cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân. Thay vì vội vàng la mắng, hãy cố gắng tạo một không gian an toàn, nơi con cảm thấy thoải mái để chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc thật của mình. Hãy lắng nghe con một cách chân thành, không phán xét, để hiểu rõ hơn về động cơ khiến con hành động như vậy. Có thể con đang muốn sở hữu một món đồ nào đó, cảm thấy thiếu thốn tình cảm hoặc gặp khó khăn trong việc giao tiếp với bạn bè. Việc tìm ra nguyên nhân gốc rễ sẽ giúp phụ huynh đưa ra những giải pháp phù hợp và hiệu quả hơn.

2. Giải thích cho con hiểu

Cha mẹ cần giải thích cho con biết rằng lấy trộm tiền là một hành động sai trái. Tiền bạc mà bố mẹ kiếm được là kết quả của những giờ làm việc vất vả. Và cho con biết khi con lấy trộm tiền, đó không chỉ là một việc làm xấu mà còn là hành động làm tổn thương lòng tin của bố mẹ. Bố mẹ sẽ cảm thấy rất buồn về điều đó. Nếu con muốn có một món đồ chơi mới, con nên nói với bố mẹ để cùng nhau tìm cách mua nó. Dặn con luôn nhớ rằng, sự trung thực là điều quan trọng nhất. Khi con nói thật, bố mẹ sẽ luôn yêu thương và tin tưởng con hơn.

3. Chỉ cho trẻ thấy hậu quả của việc ăn trộm tiền và đưa ra hình phạt phù hợp

Bố mẹ hãy chỉ cho con thấy hậu quả của việc ăn trộm sẽ như thế nào để biết sợ mà không dám tái phạm. Ngoài ra, bố mẹ có thể đưa ra những hình phạt phù hợp để giúp con nhớ mãi bài học này. Ví dụ, con có thể giúp bố mẹ làm những việc nhà như rửa bát, lau nhà để hiểu được giá trị của đồng tiền và công sức của bố mẹ.

Phụ huynh Hà Nội buồn phiền vì con mới lớp 3 đã có tật xấu khó bỏ, thái độ bất cần của con càng gây sốc hơn- Ảnh 3.

Cha mẹ cần hành động quyết liệt nếu con có hành vi ăn trộm. (Ảnh minh họa)

4. Giáo dục trẻ hình thành cái nhìn đúng đắn về tiền

Khi con mắc lỗi, đây chính là cơ hội quý giá để cha mẹ hướng dẫn con về những giá trị sống đúng đắn. Thay vì chỉ tập trung vào việc khiển trách, hãy cùng con trò chuyện để con hiểu rõ hơn về ý nghĩa của tiền bạc và tầm quan trọng của việc học tập. Chúng ta nên giúp con nhận ra rằng, tiền bạc chỉ là một phần của cuộc sống, và kiến thức mới là hành trang quý giá nhất để con có thể tự tin bước vào tương lai.

Khi trẻ thiếu hiểu biết và làm những điều sai trái, cha mẹ cần dùng tình thương và lòng bao dung để giáo dục con mình.

5. Nhờ tới sự giúp đỡ của các chuyên gia

Khi các biện pháp giáo dục tại gia không mang lại kết quả như mong đợi và con có thái độ chống đối, cha mẹ nên tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý. Các chuyên gia sẽ giúp xác định nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và đưa ra những phương pháp can thiệp phù hợp. Điều này đảm bảo rằng con sẽ được hỗ trợ một cách tốt nhất và khắc phục vấn đề hiệu quả hơn.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại