Ủy ban châu Âu khẳng định Liên minh châu Âu (EU) hoàn toàn tôn trọng và thực hiện Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA), đồng thời tuyên bố đã thông qua các biện pháp nhằm bảo vệ các lợi ích của châu Âu trong quan hệ với Iran.
Bất chấp việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 21/5/2018 đưa ra 12 đòi hỏi mới được coi là "khắc nghiệt" nhất trong lịch sử nhằm siết chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt Iran, các nước châu Âu vẫn cho rằng không có gì có thể thay thế được Thỏa thuận JCPOA.
Sau khi Washington rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, nhiều người cho rằng châu Âu sẽ phải làm theo Mỹ và không thể có một quyết định độc lập về việc duy trì Thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, châu Âu đã không tuân theo chiếc gậy chỉ huy của Washington và tuyên bố những biện pháp nhằm bảo vệ lợi ích của mình trong quan hệ hợp tác với Iran trước thanh kiếm trừng phạt của Mỹ.
Ngày 19/5/2018, Cao ủy châu Âu về năng lượng Miguel Arias Cañete đã đến Tehran để thông báo cho các nhà lãnh đạo Iran về các biện pháp của EU nhằm bảo vệ quan hệ kinh tế, thương mại với Iran.
Ông Cañete là quan chức phương Tây đầu tiên thăm Iran sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015 giữa Iran với các nước P5+1 và mới đây áp đặt lại lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran.
Các biện pháp trừng phạt này cũng nhằm vào các công ty nước ngoài có quan hệ làm ăn với Iran. Ông Cañete đã gặp Phó Tổng thống Iran kiêm Chủ tịch Ủy ban năng lượng hạt nhân Iran Ali Akbar Salehi, Bộ trưởng Môi trường Isa Kalantari, Bộ trưởng Dầu mỏ Bijan Zangeneh, Bộ trưởng Ngoại giao Mohamad Javad Zarif bàn phối hợp hành động nhằm duy trì các mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Iran trong bối cảnh Mỹ thắt chặt các biện pháp trừng phạt Iran.
Ông Cañete cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp dụng đạo luật 1996 cho phép EU can thiệp trợ giúp nhằm bảo vệ các công ty châu Âu bị thiệt hai do bất kỳ lệnh cấm vận nào của Mỹ. Ông cũng nhấn mạnh rằng, việc Washington rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ không ảnh hưởng đến các mối quan hệ kinh tế giữa Liên minh EU và Tehran.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 21/5/2018 đưa ra 12 đòi hỏi mới được coi là "khắc nghiệt" nhất trong lịch sử nhằm siết chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt Iran. Ảnh: EPA
Mỹ-EU chia rẽ vì JCPOA
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Mỹ cũng đã từng đưa ra đạo luật Torricelli (1992) và Helms - Burton (1996) cấm vận Cuba. Các đạo luật này cũng thắt chặt cấm vận, trừng phạt các công ty nước ngoài làm ăn với Cuba, nhưng châu Âu đã không tuân thủ. Năm 1996, khi Mỹ cố gắng trừng phạt các công ty nước ngoài quan hệ với Cuba, EU đã buộc Washington phải chùn bước bằng cách đe dọa các biện pháp trừng phạt trả đũa.
Ủy ban châu Âu đã thông qua gói biện pháp đầu tiên để Iran và các nước châu Âu có thể tiếp tục trao đổi thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu dầu mỏ và hơi đốt. Các biện pháp này nhằm giải quyết một số khúc mắc trong giao dịch ngân hàng, duy trì vận tải hàng không và hàng hải.
Ngân hàng Đầu tư châu Âu sẽ đơn giản hóa các thủ tục cấp vốn cho các dự án của châu Âu ở Iran, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường quan hệ đối tác kinh tế toàn diện, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng giữa châu Âu và Iran.
Ủy ban châu Âu cũng khuyến cáo các nước trong Liên minh EU thiết lập cơ chế giao dịch thanh toán trực tiếp với Ngân hàng Trung ương Iran mà không cần đến ngân hàng trung gian nước ngoài.
Mặt khác Liên minh châu Âu và Iran đã thỏa thuận dùng đồng tiền euro để thanh toán cho các hợp đồng nhập dầu Iran. Iran và Trung Quốc cũng thỏa thuận dùng đồng tiền Nhân dân tệ của Trung Quốc để thành toán cho các hợp đồng thương mại và đầu tư. Đồng euro và đồng NDT sẽ trở nên mạnh hơn làm suy yếu đồng USD và Mỹ sẽ thua thiệt.
Kim ngạch thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Iran hiện nay khoảng 20 tỷ euro. Năm 2017, Iran nhập hàng hóa từ EU trị giá 10 tỷ euro, còn EU nhập hàng của Iran 10 tỷ euro, trong đó 9 tỷ euro là dầu mỏ.
Theo báo Financial Tribune, với trữ lượng dầu 157 tỷ thùng, đứng thứ tư thế giới, sản lượng 3,8 triệu thùng/ngày, trữ lượng hơi đốt 34 ngàn tỷ m3, Iran là một trong những nước cung cấp dầu và hơi đốt lớn nhất cho châu Âu. Hiện Iran đang cung cấp cho các nước thuộc Liên minh châu Âu nhập khoảng 800 ngàn thùng dầu thô/ngày và có thể đáp ứng nhu cầu hơi đốt của châu Âu trong thời gian 90 năm tới.
Thị trường châu Âu và Iran rất lớn, hai phía có thể bổ sung cho nhau để vượt qua sức ép của Mỹ. Tiếp theo việc Mỹ áp thuế 30% đôi với các mặt hàng sắt thép chuẩn châu Âu, các biện pháp trừng phạt các công ty châu Âu trong quan hệ hợp tác với Iran đang đẩy châu Âu thắt chặt quan hệ với Iran, Nga và Trung Quốc.
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 19/5/2018 đã đến thăm Nga và gặp Tổng thống Putin, Tổng thống Pháp Macron ngày 24/5/2018 cũng sẽ thăm Moscow để bàn với Tổng thống Putin về việc phối hợp hành động đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ và duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran.
Các nước châu Âu không chỉ có lợi ích về kinh tế mà còn có lợi ích to lớn về về an ninh trong quan hệ với Iran. Nếu châu Âu theo Mỹ, tình hình sẽ hết sức nguy hiểm. Thỏa thuận hạt nhân Iran đổ vỡ, Iran sẽ trở lại làm giàu Uranium, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả rập Xê út cũng sẽ phát triển chương trình hạt nhân của mình. Một cuộc chiến tranh bùng nổ, châu Âu ở sát khu vực Trung Đông sẽ chịu tác động trực tiếp và thiệt hại lớn.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Laudrian nói: "Lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran chỉ liên quan đến Mỹ, châu Âu không phải trả giá cho quyết định của Mỹ về Iran". Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Lamer nói: "Chúng tôi không cho phép Mỹ trở thành cảnh sát kinh tế thế giới".
Cam kết của Liên minh châu Âu giữ Thỏa thuận hạt nhân JCPOA và đưa ra một số biện pháp ban đầu nhằm duy trì quan hệ với Iran là rất quan trọng. Tuy nhiên, các biện pháp này mới chỉ thể hiện ý chính trị của châu Âu. Vẫn chưa thể nói chắc chắn rằng châu Âu sẽ thực hiện được cam kết chừng nào họ chưa đưa ra được các đảm bảo cần thiết, biến lời nói thành hành động cụ thể nhằm thực hiện Thỏa thuận JCPOA.
Việc công ty dầu khí Total rút khỏi Iran đang đi ngược lại các tuyên bố của Pháp làm cho Iran nghi ngờ về khả năng của châu Âu có thể đứng vững trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.