Chỉ 2 ngày sau khi em trai qua đời, Sylvia Rivera đã trải qua cơn đau tim. Chị cảm thấy đau ngực vài giờ sau cái chết của người em, lúc chị còn đang trong bệnh viện cùng em. Tuy nhiên, chị đã phớt lờ, bỏ qua cơn đau ấy.
Sylvia nhớ lại đêm ngày 10/3 vừa qua. Khi đó, chị còn đang ở phòng chờ và trò chuyện với bác sĩ. Họ bảo rằng emh chị - Carlos Rivera Jr. - đã trút hơi thở cuối cùng. Tin dữ đã khiến chị ngồi sụp xuống sàn bệnh viện, gào thét trong đau đớn.
Vài giờ trước đó, anh Carlos (53 tuổi) đã đến quán bar Bronx yêu thích, cùng ăn mừng bữa tiệc về hưu của người bạn.
Cũng tại đây, anh than phiền về những âm thanh trong tai và chẳng lâu sau đó, anh té xuống đất, sùi bọt mép. Anh qua đời trước khi đến bệnh viện. Các bác sĩ nói rằng Carlos đã bị một cơn đau tim nặng và sau đó là xuất huyết não.
Carlos và Sylvia rất thân thiết với nhau. Họ có thể dành cả cuối tuần ở cùng nhau, đi mua sắm, và thỉnh thoảng còn đến thăm vài người họ hàng ở Pennsylvania. Không chỉ vậy, trong mọi vấn đề, hai chị em luôn tìm được tiếng nói chung.
Ngày Carlos qua đời, Sylvia (56 tuổi) đã chạy đến bên giường của em, ngồi bên cạnh em hàng giờ liền. Sau đó, chị đã về căn hộ của Carlos vào khoảng 3 giờ sáng và nằm ngủ trên chiếc giường của Carlos.
Sáng hôm sau, gia đình Sylvia mới đến bệnh viện để nói lời chào tạm biệt cuối cùng với Carlos.
Carlos làm việc rất nhiều. Anh có 2 công việc toàn thời gian. Mỗi sáng, lúc 7 giờ, Carlos sẽ đến Tòa án Hình sự Bronx - nơi anh đã làm gần 2 thập kỉ.
Hết giờ làm (5 giờ chiều), Carlos sẽ đến thẳng Delta Air Lines ở sân bay La Guardia, làm việc đến tối. 1 giờ sáng, Carlos mới trở về nhà, ngủ 4 tiếng và lại bắt đầu một ngày mới giống hệt như vậy.
Gia đình không hề biết Carlos có vấn đề về tim. Bệnh của anh được cho rằng gây ra bởi lịch làm việc căng thẳng, ăn thức ăn nhanh giữa 2 ca làm việc và khiến bệnh tình ngày càng phức tạp hơn.
Carlos qua đời, vì quá đau buồn, Sylvia không còn thời gian chú ý đến sức khỏe của bản thân và phớt lờ đi những cơn tức ngực.
Mãi cho đến khi chia sẻ với bạn và được người này thúc giục đi kiểm tra, Sylvia mới biết rằng mình đã bị lên cơn đau tim. Chị ở lại bệnh viện 1 tuần và xuất viện, nhưng rồi sau đó phải nhập viện 3 đến 4 lần nữa sau đó.
Sylvia Rivera (Ảnh: Internet)
Trong bức ảnh siêu âm, các bác sĩ phát hiện chất lỏng phía sau tim của Sylvia. Họ đã tiến hành phẫu thuật để thải chất lỏng ra, làm giảm áp lực lên tim cho Sylvia. Khi thức dậy, Sylvia đã hét lên tên em. “Điều đầu tiên tôi nhớ chính là em trai mình”, Sylvia phát biểu.
Trong vòng 9 tuần sau đó, Sylvia phải nằm nghỉ ngơi, không được làm việc. Đối với chị - người đã làm việc suốt 30 năm qua - thì việc không đi làm suốt 9 tuần là điều hết sức khó khăn. Thêm vào đó, tình hình tài chính cá nhân cũng là điều khiến Sylvia trăn trở.
Khi người bạn đời của Sylvia qua đời vào năm 2015, chị đã gặp khó khăn về tài chính. Không thể tự thuê nhà, Sylvia đã dọn về ở chung với em trai và khi có đủ điều kiện hơn, chị mới dọn ra một căn hộ gần đó.
Việc không được đi làm trong vòng 9 tuần khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Hàng tá tờ hóa đơn bủa vây và thậm chí còn có khả năng bị đuổi khỏi nhà.
Chị đã phải liên lạc với Trung tâm Cộng đồng Mosholu Montefiore nhờ sự giúp đỡ. Tháng 4 vừa qua, cơ quan này đã sử dụng 3.925 USD trong ngân sách để thanh toán tiền thuê nhà 900 USD cho Sylvia.
Ngày 23/6, chị Sylvia trở lại làm việc và lúc này đây, chị đã hết sức cẩn trọng trong chế độ ăn của mình.
Sylvia giảm lượng đường, thức ăn đông lạnh, học cách đọc thành phần dinh dưỡng dán trên bao bì thực phẩm và dùng nước ép trái cây tươi. Cách ăn uống lành mạnh này đã giúp Sylvia tránh khỏi 4 trong 5 toa thuốc được bác sĩ kê sau khi trải qua cơn đau tim.
Chị nói rằng, mình ước có thể có những lựa chọn lành mạnh này cùng với em trai của mình. Chị phát biểu: “Dù không có tiền, tôi biết rằng mình vẫn có gia đình. Vậy là đủ. Chúng tôi có thể cùng nhau vượt qua”.
(Nguồn: nytimes)