Phóng viên CNN kể lại chuyến đi "kín rèm" tới bãi thử hạt nhân Punggye-ri, Triều Tiên

Tất Đạt |

"Mặc dù đang buổi chiều nhưng tất cả rèm cuốn phủ kín khắp cửa sổ hành lang và các phòng. Khi tôi mở để xem cảnh bên ngoài, những giám sát viên yêu cầu chúng tôi đóng lại."

Ngày 24/5 lịch sử kết thúc theo một cách không thể nào kì lạ hơn.

Khi chúng tôi đang trên đường trở về sau khi chứng kiến lễ phá hủy bãi thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri, một cuộc điện thoại từ các đồng nghiệp ở CNN cho biết tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh hủy cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Chúng tôi thông báo tin này cho những người Triều Tiên đi cùng. Họ bất ngờ và thất vọng tột độ.

Từ góc độ của người dân Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã bày tỏ thiện chí qua việc phá hủy bãi thử nghiệm hạt nhân. Vậy mà đổi lại, Washington đột ngột hủy cuộc gặp mặt lịch sử mà Triều Tiên đã chờ đợi trong hàng thập kỉ qua.

Khởi đầu không chắc chắn

Thậm chí sau khi chúng tôi tới Wonsan vào hôm 22/5, mọi thứ vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn và không ai biết liệu chuyến đi tới Punggye-ri có được thực hiện hay không. Bình Nhưỡng và Washington liên tục khẩu chiến, và cuộc gặp mặt tại Singapore có khả năng đổ bể.

May mắn thay, mọi thứ bắt đầu khả quan hơn sau đó. Một nhóm các phóng viên người Hàn Quốc bị từ chối vào Triều Tiên nhận được thị thực nhập cảnh vào phút chót. Họ bay từ Bắc Kinh tới Wonsan và cùng ở trong những khách sạn sang trọng mà phía Triều Tiên sắp xếp.

Cuối cùng, chiều muộn ngày 23/5, chúng tôi được nhắn chuẩn bị sẵn sàng hành lí. Chiếc xe buýt đưa chúng tôi tới ga tàu ít phút sau đó.

Phóng viên CNN kể lại chuyến đi kín rèm tới bãi thử hạt nhân Punggye-ri, Triều Tiên - Ảnh 1.

Ảnh: CNN/Will Ripley

Tàu chở đoàn phóng viên có 10 toa, và được sắp xếp đặc biệt cho chuyến đi này. Chúng tôi chỉ được phép đi lại tự do trong 2 toa có buồng ngủ và toa có nhà bếp. Không ai biết những toa còn lại có người hay không.

Toa buồng ngủ thuộc loại đời cũ nhưng ấm cúng và sạch sẽ. Tuy nhiên, có một chi tiết rất lạ: Mặc dù đang buổi chiều nhưng tất cả rèm cuốn phủ kín khắp cửa sổ hành lang và các phòng. Khi tôi mở để xem cảnh bên ngoài, những giám sát viên yêu cầu chúng tôi đóng lại. Tức là, không ai được phép quay phim hay nhìn khung cảnh bên ngoài trong suốt 12 tiếng đồng hồ trên tàu.

Phóng viên CNN kể lại chuyến đi kín rèm tới bãi thử hạt nhân Punggye-ri, Triều Tiên - Ảnh 2.
Phóng viên CNN kể lại chuyến đi kín rèm tới bãi thử hạt nhân Punggye-ri, Triều Tiên - Ảnh 3.

Bên trong tàu Triều Tiên. Ảnh: CNN/Will Ripley

Trong số hàng trăm phóng viên nộp đơn tham gia hành trình, Triều Tiên chỉ chấp nhận một nhóm nhỏ, khoảng hơn 20 người, đại diện cho hai hãng truyền thông từ mỗi nước Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Hàn Quốc.

Không một phóng viên báo giấy hay radio nào được chấp nhận - Bình Nhưỡng chỉ muốn đưa tin thuần hình ảnh.

Sau bữa tối thịnh soạn với 10 món ăn được chế biến công phu, chúng tôi nghỉ ngơi trong các phòng. Giữa đêm, tàu dừng lại vài lần và các binh lính Triều Tiên đi tuần tra dọc hành lang.

Cuối cùng, vào sáng ngày 24/5, rèm cuốn được kéo lên và chúng tôi có thể nhìn ngắm, ghi lại hình ảnh đất nước này. Khi gần tới trạm cuối, các binh sĩ Triều Tiên yêu cầu chúng tôi ngừng quay phim chụp ảnh, rời tàu và lên xe buýt đi tới bãi thử nghiệm.

Phóng viên CNN kể lại chuyến đi kín rèm tới bãi thử hạt nhân Punggye-ri, Triều Tiên - Ảnh 4.
Phóng viên CNN kể lại chuyến đi kín rèm tới bãi thử hạt nhân Punggye-ri, Triều Tiên - Ảnh 5.

Bữa tối trên tàu. Ảnh: CNN/Will Ripley

Con đường tới Punggye-ri

Trong suốt 90 phút đi dọc con đường đất tới các ngọn núi, chúng tôi đi qua vài ngôi làng nhỏ.

Chúng tôi chắc chắn ở đó có người sinh sống, bởi các cánh đồng đã được thu hoạch và những căn nhà đều nhìn khá mới. Nhưng chúng tôi không gặp bất kì ai. Không động vật, không trẻ nhỏ, không phương tiện đi lại, và tất cả những ngôi nhà chúng tôi đi qua đều kéo rèm kín.

Đoàn phóng viên chỉ gặp những người lính canh gác trên đường tới bãi thử hạt nhân.

Bãi Punggye-ri nhìn giống như một khu cắm trại, với những cabin lớn nằm rải rác giữa cánh rừng rậm. Chúng tôi được nhắc nhở tuyệt đối không được phép cố tình đi vào những cabin này, bởi tất cả đều được cài thuốc nổ sẵn.

Sau màn giới thiệu ngắn từ Phó Giám đốc Viện Vũ khí Hạt nhân Triều Tiên trước tấm bản đồ bãi thử hạt nhân, chúng tôi được phép tự kiểm tra các hầm thử nghiệm.

Phóng viên CNN kể lại chuyến đi kín rèm tới bãi thử hạt nhân Punggye-ri, Triều Tiên - Ảnh 6.

Phó Giám đốc Viện Vũ khí Hạt nhân Triều Tiên giới thiệu về bãi thử. Ảnh: CNN

Hầm cũ nhất đã sập vài năm trước, nhưng ba hầm còn lại vẫn hoạt động bình thường. Các quan chức Triều Tiên đi cùng cho chúng tôi biết hai hầm chưa bao giờ được sử dụng, và có thể được dùng cho những cuộc thử nghiệm hạt nhân trong tương lai.

Thật khó để đánh giá - không chuyên gia hay nhà nghiên cứu nào được phép đi cùng trong chuyến đi, mà chỉ có các phóng viên - tuy nhiên có thể thấy rằng các hầm đều trong tình trạng ổn định.

Nhìn bên trong, chúng tôi thấy hàng loạt dây dẫn và thuốc nổ được giăng kín, chuẩn bị sẵn sàng cho việc phá hủy.

Phóng viên CNN kể lại chuyến đi kín rèm tới bãi thử hạt nhân Punggye-ri, Triều Tiên - Ảnh 7.

Dây dẫn và thuốc nổ được cài kín hầm. Ảnh: CNN

Vụ nổ và sự thất vọng

Cuối cùng, giờ G đã tới. Chúng tôi đeo những chiếc mũ bảo hiểm màu vàng và bắt đầu đi lên đài quan sát để xem vụ nổ đầu tiên. Một vài bác sĩ quân y đi theo để đề phòng chúng tôi bị bong gân hoặc bị thương do mảnh đá văng trúng.

Một tiếng nổ rung trời vang lên. Hầm số 2 sập xuống, thế chỗ cho đất đá, bụi và khói. Chúng tôi cảm tưởng như mặt đất dưới chân đang rung chuyển khi những công trình gần căn hầm cũng bị phá hủy.

Khi khói tan, các binh sĩ Triều Tiên dẫn chúng tôi tới kiểm tra. Không còn gì sót lại trong các công trình này ngoài các mảnh gỗ. Không thể thấy bất kì trang thiết bị nào, có thể phía Triều Tiên đã dọn đi từ trước.

Sau bữa trưa ngoài trời với sandwich thịt muối, chúng tôi leo lên đài quan sát khác để xem vụ nổ hầm số 3 và số 4.

Triều Tiên phá dỡ bãi thử hạt nhân

Cuối cùng, vị Phó Giám đốc đọc một bản thông báo khác, cho biết cuộc tháo dỡ đã diễn ra thành công và tất cả các cơ sở vật chất đều được phá hủy hoàn toàn.

Một vài người Triều Tiên đi cùng đoàn tỏ ra không hài lòng. Đối với họ, công sức nghiên cứu hàng chục năm đã bị phá hủy.

Tuy nhiên, những người khác lại lạc quan hơn, cho rằng đây là một bước tiến tích cực, xóa tan đi những nghi ngại trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Kim và ông Trump.

Phóng viên CNN kể lại chuyến đi kín rèm tới bãi thử hạt nhân Punggye-ri, Triều Tiên - Ảnh 9.

Các phóng viên chụp lại cảnh sau vụ nổ. Ảnh: CNN

Bức thư của ông Trump gửi cho nhà lãnh đạo Triều Tiên vài giờ sau đó đã phá vỡ bầu không khí phấn khởi của người Triều Tiên. Trong động thái mới, một quan chức Triều Tiên nói nước này "sẵn sàng đối thoại trực tiếp bất kì lúc nào và bất kì địa điểm nào."

"Tôi muốn khẳng định rằng quyết định rút lui khỏi thượng đỉnh Mỹ - Triều của ông Trump không đáp ứng mong ước của những người đang theo đuổi hòa bình và ổn định trên bán đảo liên Triều cũng như trên thế giới," vị quan chức nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại