PV Mỹ tiết lộ hành trình "công du" Triều Tiên: Hộ chiếu đặc biệt, 4 ngày chỉ tắm 1 lần

Thi Anh |

"Hãy đăng ký hộ chiếu ngay đi, anh sẽ sớm lên đường tới đất nước mà hộ chiếu Mỹ thông thường không có hiệu lực đâu".

Hành trình tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ Pompeo được phóng viên AP Matthew Lee kể lại trong bài viết đăng tải trên AP. Dưới đây là phần lược dịch bài viết.

Hộ chiếu đặc biệt

Mọi chuyện bắt đầu với mấy lời "rỉ tai" từ các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ: Hãy đăng ký hộ chiếu ngay đi, anh sẽ sớm lên đường tới đất nước mà hộ chiếu Mỹ thông thường không có hiệu lực đâu.

Chỉ dẫn mơ hồ ấy khiến chúng tôi không còn hoài nghi nhiều về địa điểm bí ẩn sắp tới của mình: Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới thăm thủ đô Bình Nhưỡng một cách hoàn toàn bí mật khi ông vẫn còn là người đứng đầu CIA hồi đầu tháng 4 để tạo cơ sở cho một cuộc gặp chưa từng có tiền lệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Giờ đây, Washington lại xôn xao với những lời đồn đại rằng có thể ông sẽ sớm quay lại đó để hoàn thành những chi tiết cuối cùng cho cuộc gặp thượng đỉnh và đưa 3 công dân Mỹ trở về sau hơn 1 năm bị triều Tiên giam giữ vì những hành động được cho là chống lại nhà nước Triều Tiên.

Lần này hóa ra lại là chuyến đi thứ hai của tôi tới quốc gia bị cô lập. Cách đây 18 năm, tôi đã tháp tùng Madeleine Albright trong chuyến thăm lịch sử của bà tới Triều Tiên, chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ đang tại vị tới Triều Tiên - sự kiện công khai kéo dài 2 ngày với khoảng 80 phóng viên đi theo đưa tin.

PV Mỹ tiết lộ hành trình công du Triều Tiên: Hộ chiếu đặc biệt, 4 ngày chỉ tắm 1 lần - Ảnh 1.

Bà Madeleine Albright gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-in lăm 2000. Ảnh: AP

Nhưng lần này hoàn toàn khác: Một nhiệm vụ bí mật, không bị chú ý với chỉ hai phóng viên Mỹ tháp tùng với vai trò nhân chứng độc lập.

Kể từ cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier hồi năm ngoái, công dân Mỹ đã bị cấm tới Triều Tiên nếu không có hộ chiếu đặc biệt.

Một giờ sau khi chuyển hộ chiếu của mình, Carol Morello của Washington Post và tôi đã có ngay hộ chiếu mới và một bức thư đặc biệt.

Trong thư của tôi viết:

"Thưa ông Lee,

Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua yêu cầu ngày 4/5/2018, cấp quyền đặc biệt cho phép đi lại tới Triều Tiên. Dựa trên thông tin được cung cấp, chúng tôi xác định việc phê chuẩn này phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ".

"Lợi ích quốc gia Mỹ". Hmm, tôi nghĩ, trước đây mình đã làm gì mà giờ lại đủ điều kiện nhỉ?

Carol và tôi, chuyên đưa tin về Bộ Ngoại giao, được yêu cầu sắp xếp đồ đạc và chờ sẵn, không biết giờ khởi hành, chứ chưa nói tới ngày tháng. Chúng tôi phải cam kết giữ bí mật và được khuyến nghị rằng chỉ cần rò rỉ bất cứ thông tin nào về việc ông Pompeo quay lại Bình Nhưỡng thì hai chỗ ngồi dành cho báo chí trên chuyên cơ cũng sẽ bị bỏ trống.

Đồn đoán về chuyến đi rộ lên suốt dịp cuối tuần bởi các nhà ngoại giao phương Tây nhận được thông tin rằng ông Pompeo sắp rời khỏi Mỹ để thực hiện một chuyến đi liên quan tới Triều Tiên. Các nhà ngoại giao muốn gặp ông Pompeo để bàn thảo quyết định của chính quyền Mỹ về thỏa thuận hạt nhân Iran - mà ông Trump chuẩn bị rút khỏi.

4 ngày tắm duy nhất 1 lần

Thứ Bảy và Chủ nhật qua đi mà không có thêm tin tức gì.

Thế rồi, chiều thứ Hai, chúng tôi nhận được tin rằng chúng tôi sẽ khởi hành từ trụ sở của Bộ Ngoại giao ở Foggy Bottom vào 7h45 phút tối hôm đó. Chúng tôi sẽ bay qua đêm, dừng tiếp nhiên liệu ở Alaska và Nhật Bản rồi bay tiếp tới Triều Tiên.

Chúng tôi rời khỏi bãi đỗ xe ngầm của Bộ Ngoại giao trong một chiếc xe van kèm đoàn hộ tống cùng với phát ngôn viên Heather Nauert, một phiên dịch viên và các cố vấn khác của ông Pompeo để tới căn cứ Andrews ở ngoại ô Washington.

Khi đến căn cứ Andrews, chúng tôi đợi ông Pompeo và không lâu sau đó, chiếc máy bay C-32 của Không lực Mỹ, một chiếc Boeing 757 được cải biến với dòng chữ "Hợp chủng quốc Hoa Kỳ" nổi bật trên thân máy bay và mã số 80001 ở đuôi, cất cánh. Điểm đến là Bình Nhưỡng, thủ đô của quốc gia bí ẩn nhất trái đất.

Vậy là bắt đầu hành trình 4 ngày mà không có lịch trình xác nhận ở Triều Tiên, không có gì đảm bảo cho việc thả người hay tiến triển cho hội nghị thượng đỉnh và gần như không được ngủ nghê gì.

Khi tôi tới Triều Tiên vào năm 2000 ở vị trí của phóng viên cho hãng thông tấn Pháp AFP, đi đưa tin về chuyến đi của Albright, tình hình rất khác. Ví dụ như không cần hộ chiếu đặc biệt nào cả.

Hàng chục phóng viên bay cùng Ngoại trưởng hoặc lên các chuyến bay từ Bắc Kinh tới Bình Nhưỡng để đưa tin. Có những chuyến thăm thủ đô Bình Nhưỡng được tổ chức cho báo chí và buổi biểu diễn hoành tráng ở sân vận động do lãnh đạo Triều Tiên lúc bấy giờ, Kim Jong-il, chủ trì.

Động lực giữa Washington và Bình Nhưỡng, dù vẫn là đối thủ lâu năm, đã thay đổi, theo những hướng khó lường. Ông Trump và ông Kim Jong-un đã đe dọa và xúc phạm lẫn nhau trong suốt năm 2017 khi Triều Tiên tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo, làm nảy sinh lo ngại bùng phát chiến tranh.

Thế rồi năm nay, những phát ngôn dịu đi rõ rệt và ông Kim đưa ra một đề nghị bất thường - gặp gỡ ông Trump - lời mời mà Tổng thống Mỹ đã chấp nhận một cách chóng vánh đến mức đáng ngạc nhiên.

Nếu không phải vì những sắp xếp bí mật liên quan tới chuyến đi của ông Pompeo thì chúng tôi sẽ không phải hãng đầu tiên đưa tin về sự kiện.

Khi máy bay của chúng tôi hạ cánh xuống căn cứ không quân Mỹ ở Yokota, Nhật Bản cho lần tiếp nhiên liệu thứ hai, ông Trump đã tuyên bố rằng quan chức hàng đầu của ông đang trên đường tới Bình Nhưỡng.

Thông tin được đưa ra giữa lúc ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông Trump sử dụng chuyến thăm của ông Pompeo để chống lại luồng chỉ trích rằng quyết định về Iran cho thấy ông không quan tâm tới việc đàm phán với các đối thủ.

Sau khi tắm nhanh, cũng là cơ hội tắm duy nhất trong suốt 4 ngày, chúng tôi rời Nhật Bản, bay thêm 2,5 tiếng về phía Bắc và tới sân bay Bình Nhưỡng vào rạng sáng thứ Tư.

Tất cả các phương thức liên lạc thông thường đều ngừng lại, các nhân viên mang theo "điện thoại rác" (điện thoại được mua ẩn danh, để dùng tạm, có thể bỏ đi bất cứ lúc nào - PV) để nhắn tin và một số ít điện thoại vệ tinh chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp.

Ông Pompeo được một đoàn gồm nhiều quan chức cấp cao của Triều Tiên đón tiếp và lên một chiếc xe limousine hãng Mercedes. Chúng tôi thì lên một chiếc xe van của Chevrolet. Người tài xế không rõ có nghe nói được tiếng Anh hay không nhưng không giao tiếp nên câu hỏi của chúng tôi về chiếc xe không được trả lời.

Bình Nhưỡng sau 2 thập kỷ

Bình Nhưỡng đã thay đổi rất nhiều trong 2 thập kỷ. Có thêm nhiều tòa nhà cao tầng, thêm nhiều xe cộ nhưng chắc chắn vẫn còn ít hơn rất nhiều so với nhiều thủ đô khác trên thế giới. Một điểm khác nữa là những nữ cảnh sát giao thông thông minh, những người điều khiển luồng xe ô tô với những hiệu lệnh chuẩn xác.

PV Mỹ tiết lộ hành trình công du Triều Tiên: Hộ chiếu đặc biệt, 4 ngày chỉ tắm 1 lần - Ảnh 3.

Biểu ngữ trên đường phố Bình Nhưỡng. Ảnh: AP

Sau một quãng đường qua những đài tưởng niệm, viện bảo tàng, văn phòng chính phủ và các tấm biển cổ động, chúng tôi tới khách sạn quốc tế Koryo, nơi lưu trú chủ yếu của khách quốc tế tới Bình Nhưỡng và cũng là địa điểm mà nhiều người trong số chúng tôi đã ở trong chuyến thăm của bà Albright năm 2000.

Khách sạn đã mở lại vào năm ngoái sau một thời gian tu sửa với sàn và tường cẩm thạch sáng bóng. Tuy nhiên, thang máy vẫn chậm như 18 năm trước.

Vì lịch trình không xác định của ông Pompeo nên sảnh khách sạn Koryo, cửa hàng sách, chợ xa xỉ phẩm, quán cafe và các nhà hàng truyền thống của Triều Tiên là nơi trú chân của tôi và Carol gần như 13 tiếng tiếp theo trong khi ông Pompeo gặp gỡ, dùng bữa trưa với các quan chức Triều Tiên và cuối cùng là tới đàm phán kín với ông Kim Jong-un - chỉ một tiếng sau khi nhận được thông tin về cuộc gặp. Chúng tôi uống không biết bao nhiêu cốc cafe để đợi tin.

PV Mỹ tiết lộ hành trình công du Triều Tiên: Hộ chiếu đặc biệt, 4 ngày chỉ tắm 1 lần - Ảnh 4.

Ông Pompeo dùng bữa với các quan chức Triều Tiên. Ảnh: AP

Hiệu sách giải khuây cho chúng tôi trong chốc lát. Ở đó có bán các luận thuyết của các cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Il Sung và Kim Jong-il về cuộc đời và chính trị. Ngoài ra còn có một cuốn sách gồm các giai thoại về ông Kim Jong-un với một chương viết về tầm quan trọng của cá heo được nuôi dưỡng tử tế.

Cô bán hàng cho biết, các tấm bưu thiếp thể hiện năng lực quân sự của Triều Tiên - mưa tên lửa rơi xuống khu vực địa lý trang trí Sao - Sọc và hình ảnh Tượng Nữ thần Tự do trong vòng kiềm tỏa - là những thứ bán chạy nhất. Đô-la Mỹ, Euro, Yên (Nhật) và Nhân dân tệ đều được chấp nhận, cô bán hàng nói.

PV Mỹ tiết lộ hành trình công du Triều Tiên: Hộ chiếu đặc biệt, 4 ngày chỉ tắm 1 lần - Ảnh 5.

Bưu thiếp mà phóng viên AP Matthew Lee đã mua từ Bình Nhưỡng. Ảnh: AP

Nhưng về cơ bản chúng tôi đã ngồi chờ vừa lâu vừa chán.

Koryo cũng đem lại một vài sự bất ngờ.

Cách đây 18 năm là sự xuất hiện của một nhân viên cứu trợ người Đức Norbert Vollertson. Anh này đã nhân cơ hội có sự hiện diện của phóng viên nước ngoài, lái xe đưa một trong số các phóng viên ra ngoài thị trấn để chỉ cho người phóng viên thấy điều kiện sống của người dân. Đây là hành động phạm pháp và anh ta sau này bị trục xuất.

Còn hôm 9/5 thì là cảnh nhân viên khách sạn đột ngột chăm chú say mê nhìn vào màn hình vô tuyến để xem kênh truyền hình nhà nước. Đó là một bản tin đặc biệt, đưa tin nóng về chuyến thăm hai ngày của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Đại Liên, Trung Quốc để gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Kim đã di chuyển bằng máy bay chứ không phải tàu hỏa: Chuyến đi nước ngoài đầu tiên bằng đường hàng không của một lãnh đạo Triều Tiên trong nhiều thập kỷ. Chuyến đi được xem là sự kiện lịch sử đáng chú ý mà các nhà phân tích cho rằng đây có thể là một chuyến đi thử nghiệm để chuẩn bị cho cuộc gặp sắp tới giữa ông Kim và ông Trump.

Hành trình trở về của các tù nhân Mỹ

Khi ông Pompeo quay trở về sau 90 phút gặp ông Kim, ông đã đáp kiểu "bắt chéo ngón tay" (dấu hiệu ám chỉ mong mọi việc suôn sẻ - PV) lúc được hỏi liệu các tù nhân Mỹ có được trả tự do hay không. Khoảng 10 phút sau, một phái viên của Triều Tiên tới, mang theo tin tốt lành: Họ sẽ được thả. Chúng tôi sẽ sớm lên đường trở về nhà.

Một nhóm nhỏ gồm các nhân viên y tế và quan chức được cử đi để nhận 3 người Mỹ bị giam giữ. Những người còn lại, gồm cả ông Pompeo lên đường tới sân bay để lên máy bay, thực hiện hành trình dài quay trở lại Washington.

Khi các tù nhân tới, chúng tôi thoáng thấy họ rời khỏi xe và bước lên cầu thang máy bay. Khác với Warmbier, họ đi lại được và có vẻ tinh thần rất tốt khi lên máy bay. Họ được đưa vào một khu ở giữa máy bay, rèm kéo kín.

Tới Nhật Bản, họ được chuyển sang một chuyên cơ khác của chính phủ, nhỏ hơn. Chúng tôi không gặp lại họ cho tới khi họ về tới căn cứ Andrews và bước ra khỏi máy bay cùng ông Trump. Chúng tôi theo dõi sự kiện trực tuyến trên điện thoại di động của mình từ một khoảng cách rất xa.

PV Mỹ tiết lộ hành trình công du Triều Tiên: Hộ chiếu đặc biệt, 4 ngày chỉ tắm 1 lần - Ảnh 6.

Ông Trump, ngoại trưởng Mỹ Pompeo và 3 tù nhân Mỹ được Triều Tiên trao trả. Ảnh: Reuters

Năm 2000, tôi đã viết một bài so sánh Bình Nhưỡng với phiên bản đời thực của "Truman Show", bộ phim giả tưởng năm 1998 về một người đàn ông sống trong bối cảnh do truyền hình tạo ra.

Đứng trên phi trường vào buổi sáng sớm hôm 10/5 và xem trực tiếp hình ảnh những người tù nhân trở về qua chiếc iPhones của mình khi ông Trump đón họ từ khoảng cách vài trăm mét, cảm giác đó đã quay trở lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại