Bốn năm trước, những suy nghĩ của tôi về người cao tuổi đã hoàn toàn thay đổi khi một bà cụ 80 tuổi đến gặp tôi để tìm kiếm những lời khuyên.
Người chồng đã mất vài năm trước đó nhưng nỗi đau của bà không đến từ sự mất mát này. Thay vào đó, khổ tâm của bà khi đó là mình đã trót phải lòng một người đàn ông khác đã có gia đình và không nhận được sự đáp trả.
Khi bà cụ lắng mình và tâm sự câu chuyện của mình với tôi, tôi đã rất hoang mang khi nhận ra rằng những người đã qua độ tuổi 80 vẫn còn có được trải nghiệm tình yêu như những năm tháng tuổi trẻ.
Một trong những điểm tuyệt vời và kỳ lạ khi làm mục sư là tôi trở thành một người bạn tâm tình và cố vấn cho mọi người trong mọi giai đoạn của cuộc đời, mặc dù trong thực tế, tôi chủ yếu gặp gỡ với những người gấp đôi, thậm chí gấp ba tuổi mình.
Tôi làm mục sư từ năm 2015. Khi đó, tôi - một người phụ nữ Mỹ gốc Hàn ở độ tuổi 30 - nghĩ rằng mình sẽ không thể kết nối với những người từ các thế hệ khác nhau cũng như không cùng chung quốc tịch.
Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với góa phụ trên và những người khác, tôi hiểu rằng những suy nghĩ trước đó của tôi không còn đúng đắn.
Cho đến gần đây, tôi thường liên tưởng đến những khát khao sâu sắc và tham vọng cao với nhiệt huyết và lý tưởng của tuổi trẻ.
Tôi cho rằng khi chúng ta già đi, chúng ta trở nên kiên nhẫn và thận trọng hơn nhưng cũng có thể ngược lại hoàn toàn: Bị vỡ mộng bởi hoàn cảnh thực tại và sức khỏe ngày một yếu.
Một cái nhìn sâu sắc mới đã khiến tôi tò mò về cuộc sống nội tâm của người già. Tôi cần biết: Cuộc sống của những cụ già 90 tuổi như thế nào? Liệu họ còn muốn cống hiến cho công việc hay không?
Liệu họ có còn khát khao về tình yêu, tình dục hay những mối quan hệ thân thiết không? Những nỗi sợ hãi, hy vọng và tâm tư lớn nhất của họ về việc ngày một già đi là gì? Hay họ hối tiếc điều gì nhất trong cuộc sống?
Dù không phải là nhà nghiên cứu, nhà xã hội học hay nhà tâm lý học, nhưng tôi quyết tâm tìm ra câu trả lời.
Với một cây bút và tờ giấy trong tay, tôi đã gặp và phỏng vấn những người lớn tuổi nhất mà tôi biết, tất cả đều trong độ tuổi từ 90 đến 99.
Điều khiến những cụ già 90 tuổi tiếc nuối nhất
Tôi mở đầu mỗi cuộc trò chuyện với việc đặt câu hỏi: "Liệu ông/bà có hối tiếc gì trong suốt cuộc đời mình không?". Và thông thường, phản ứng của họ luôn chứa đầy sự tự trách bản thân cùng một nỗi buồn sâu sắc.
Tất cả họ đều bày tỏ một phản ứng chung là: "Giá mà tôi đã làm điều đó theo cách khác", "Nếu mà có thể thấy được những điều đang đến này, thì tôi đã làm điều gì đó khác để ngăn chặn nó."
Tôi đã ngạc nhiên khi nhận ra rằng những hối tiếc lớn nhất của họ ít liên quan đến sự nghiệp , những cơ hội bị bỏ lỡ hay những điều họ không đạt được trong quá khứ. Thay vào đó, nỗi đau của họ đến từ những thất bại trong các mối quan hệ.
1. Họ hối hận vì đã không gần gũi với con cái hơn.
2. Họ hối hận vì đã không giúp con mình đi đúng đường trong cuộc sống.
3. Họ hối hận vì đã không cố gắng hơn trong chuyện tình cảm như cởi mở hơn và yêu mến hơn những người xung quanh.
4. Họ hối hận vì đã không lắng nghe tốt hơn và ước rằng lẽ ra nên đồng cảm và quan tâm đến mọi người xung quanh hơn.
5. Họ hối hận vì đã không dành đủ thời gian cho những người mình yêu thương.
Những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời
Khi được hỏi về những kỷ niệm hạnh phúc nhất trong cuộc đời, mọi người thường liên tưởng đến khoảng thời gian người bạn đời của mình còn sống hoặc khi con cái họ còn nhỏ và sống cùng họ dưới một mái nhà.
Thật ngạc nhiên vì những câu trả lời của họ dường như mâu thuẫn với lý thuyết về "cuộc sống hình chữ U".
Trong đó, lý thuyết này thể hiện rằng niềm hạnh phúc của chúng ta thường giảm xuống ở độ tuổi 30 và chạm đáy vào giữa những năm 40. Sau đó, ở tuổi 50, nó tăng trở lại và tiếp tục tăng sau nhiều năm.
Những người tôi đã phỏng vấn trả lời rằng khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong đời là từ cuối những năm 20 đến giữa những năm 40.
Đó là khi họ đang nuôi nấng những đứa con bé nhỏ và cố gắng tìm ra mình là ai trong cuộc đời - giai đoạn mà hiện tại tôi đang trải qua.
Là một bà mẹ trẻ và luôn bận rộn với công việc, tôi thường xuyên mơ mộng về những năm tháng nghỉ hưu an nhàn sau này.
Nhưng sau cuộc trò chuyện với những cụ già, tôi nghĩ rằng có thể một ngày nào đó khi nhìn lại khoảng thời gian bận rộn này, tôi nhận ra những ngày làm việc tất bật đến mức có ít thời gian chăm sóc bản thân là khoảng thời gian tôi sống hết mình nhất trong cuộc đời.
Làm thế nào để có một cuộc sống hạnh phúc và không hối tiếc
Bài học mà tôi ngộ ra đó là bây giờ chính là lúc để bạn điên loạn, mở rộng trong tình yêu, tò mò và khám phá.
Tuy nhiên, điều này thoạt nghe có vẻ không thực tế. Nuôi dạy con cái là việc thật khó khăn, hôn nhân trải qua nhiều áp lực, công việc ngập đầu và thời gian rảnh rỗi rất hạn chế.
nếu chúng ta không trân trọn những khoảnh khắc quý giá này, thì chắc chắn chúng ta sẽ hối tiếc về sau.
Theo nhưng cụ già được phỏng vấn, bí quyết để có cuộc sống hạnh phúc và không hối tiếc là tận hưởng từng giây phút bên cạnh những người bạn yêu thương.
Chẳng hạn, khi tôi hỏi một ông cụ là ông có ước đạt được nhiều thành tựu hơn không, ông trả lời "Không, tôi chỉ ước là tôi yêu nhiều hơn thôi."
Bây giờ đây, mỗi khi nghĩ về quá khứ lý tưởng hay tương lai lý tưởng mà mình mong muốn, tôi thường tự vấn rằng: "Sau khi mọi thứ đi qua, điều gì và người nào khiến mình nhớ nhất trong giai đoạn này?"
Và sau đó, đột nhiên, những hỗn loạn trong cuộc sống của tôi trở thành một cuộc phiêu lưu kỳ diệu tràn đầy cảm xúc và tình yêu.
Dù tò mò về cuộc sống của người già như thế nào nhưng tôi phải thú nhận rằng động lực thực sự đằng sau nghiên cứu của tôi là nỗi sợ hãi mạnh mẽ về việc ngày một già đi.
Tôi muốn "nhìn trộm" về tương lai và xem cuộc sống của tôi sẽ như thế nào trong một vài thập kỷ tới. Tôi nghĩ có lẽ những kiến thức này sẽ làm dịu nỗi lo lắng của mình.
Thật đúng, nghiên cứu đã tác động không nhỏ đến nhận thức của tôi. Những suy nghĩ trước đây của tôi về tuổi già hóa ra hoàn toàn sai lầm.
Mặc dù có những hối tiếc, nhưng những người lớn tuổi mà tôi gặp vẫn vô tư cười, yêu điên cuồng và quyết liệt theo đuổi hạnh phúc.
Bài viết bên trên là của Lydia Sohn - một nhà văn kiêm mục sư tại nhà thờ United Methodist của St. Mark.
Chuyên môn của cô liên quan đến tâm linh chiêm niệm, thần học tiến bộ và giúp mọi người sống đúng với bản thân và đích thực mà họ hướng đến. Cô tốt nghiệp khoa Thần học của Đại học Yale và hiện đang sống ở California, Mỹ.