"Ngày nào cũng ở trong nhà"
Sau hơn một tháng thực hiện lệnh phong thành, từ ngày 23/1, toàn bộ Vũ Hán được đặt trong tình trạng nội bất xuất ngoại bất nhập, đến ngày 10/2, Vũ Hán tiếp tục thắt chặt kiểm soát dịch bệnh bằng cách phong tỏa quản lý tất cả các khu dân cư trong thành phố.
Theo đó, người dân Vũ Hán sẽ hoạt động chủ yếu trong phạm vi khu dân cư đang sống, nếu muốn ra vào sẽ phải xuất trình giấy tờ và nêu lý do, mọi trường hợp di chuyển sẽ được kiểm soát chặt chẽ.
Chia sẻ với Trí Thức Trẻ, cô Lưu Tuyết Doanh - sống tại quận Hán Khẩu, Vũ Hán cho biết, kể từ khi thành phố thực hiện lệnh phong tỏa, cô và người thân đã ở trong nhà suốt thời gian này.
"Tôi và bố mẹ ở trong nhà suốt, muốn mua đồ thì lên mạng, chẳng được chọn đâu, có gì ăn nấy thôi. Sau đó, có người chuyển hàng hóa đến cổng khu chung cư, chúng tôi lại lần lượt đi lấy. Bây giờ đi xa nhất chính là từ nhà ra cổng chung cư, còn lại không được đi ra ngoài", cô nói.
"Hệ thống giao thông của thành phố cũng bị tê liệt, xe tư nhân không được phép đi lại. Về cơ bản, chính phủ đang nỗ lực điều trị cho các bệnh nhân", cô cho biết thêm.
Cô Lưu cho biết, hiện nay, gia đình cô vẫn đủ nhu yếu phẩm dự trữ, điều kiện ăn uống và sinh hoạt bình thường, mọi thứ đều tương đối trật tự.
Trong khi đó, Chu Đình, người gốc An Huy, đã lập gia đình và đang sinh sống ở Vũ Hán chia sẻ, gia đình cô gặp khó khăn trong việc mua thực phẩm.
"Chung cư tôi có mười mấy trường hợp nhiễm bệnh nên chỉ có thể cố gắng ở trong nhà không ra ngoài. Đi siêu thị phải xếp hàng rất lâu nên chúng tôi thường mua thực phẩm dự trữ cho cả tuần. Tất cả đều đóng cửa, siêu thị chỉ có rau, thịt cá hầu như không có, nếu có thì cũng rất ít. Trong thời điểm quan trọng này, khó khăn là điều dễ hiểu, cần cố gắng vượt qua, hy vọng dịch bệnh sẽ chấm dứt", cô nói.
Vương Duy, người Thiên Môn (Hồ Bắc), thành phố láng giềng của Vũ Hán, chia sẻ cô cũng không đi ra ngoài vào thời điểm này.
"Không được ra ngoài, cấm đường, cấm thôn, cấm thành, ngoài việc không thể ra ngoài và khan hiếm thực phẩm thì mọi thứ khác đều ổn", cô nói. "May nhà có vườn trồng rau nên vẫn còn thực phẩm".
Chia sẻ với chúng tôi, một công dân Thổ Nhỹ Kỳ (giấu tên), đang sống và làm việc tại quận Hồng Sơn, Vũ Hán cho biết, các biện pháp kiểm dịch tại chung cư anh sống được thiết lập rất tốt, vật tư được sắp xếp, cung cấp một cách có tổ chức.
"Mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát và chúng tôi cảm thấy an toàn", anh nói.
Anh cho biết: "Hiện tại mỗi khu phố đều thiết lập một phòng khám y tế, nếu cơ thể có bất cứ tình trạng nào khác thường, người dân trước tiên sẽ đến đó kiểm tra. Sau đó, dựa theo tình trạng sức khỏe, họ sẽ được chuyển đến bệnh viện. Theo như tôi biết, chính phủ Trung Quốc triển khai khoảng 6.000 chiếc taxi, phục vụ di chuyển miễn phí cho người bệnh. Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan virus corona và giảm tình trạng quá tải đối với xe dịch vụ của bệnh viện".
Hiện tượng tranh giành thực phẩm đã được khắc phục
Dù không sống ở tâm dịch Vũ Hán nhưng Trương Khiết Ngọc, hiện đang sống và làm việc tại Thâm Quyến cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, người dân Thâm Quyến cũng hạn chế ra khỏi nhà.
"Chúng tôi đều không dám ra khỏi nhà. Thông thường chúng tôi đều mua hàng qua app (ứng dụng) điện tử, khi hàng hóa được đưa đến cổng chung cư thì chúng tôi xuống lấy", cô nói.
Cô chia sẻ, có một thời gian, Thâm Quyến đã xảy ra hiện tượng tranh giành thực phẩm nhưng hiện nay tình trạng này đã được khắc phục. "Hy vọng dịch bệnh sớm chấm dứt", cô bày tỏ.
Trở về An Huy từ Vũ Hán trước khi lệnh phong tỏa được thực hiện, Vương Hội Chân kể lại: "Vì Vũ Hán là vùng dịch nên khi tôi từ Vũ Hán về nhà, đã tự cách ly 14 ngày, trong suốt thời gian đó tôi chỉ ở trong nhà, không dám ra bên ngoài. Chúng tôi được yêu cầu, mỗi ngày phải báo cáo kết quả kiểm tra thân nhiệt hai lần cho cơ quan y tế địa phương. Những người từ Vũ Hán về đều phải được cách ly. Toàn quốc đều như vậy".
Vương Hội Chân cho biết, điều này vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, vừa tránh gây thêm rắc rối cho xã hội.
Cô chia sẻ thêm: "Sau khi rời Vũ Hán vào ngày 21/1, từ ngày 22/1 đến 5/2, tôi chờ mong mãi cuối cùng thì cũng đủ 14 ngày cách ly. Tôi nghĩ rằng mặc dù tình hình trong thị trấn rất căng thẳng, không thích hợp để ra ngoài nhưng dù sao thì cũng có thể đứng ở cửa hít hà một hơi.
Tuy nhiên, [cơ sở y tế địa phương cho biết] tôi cần cách ly thêm 5 ngày nữa vì họ phải dựa vào kết quả điều tra triệt để từ mùng 2 Tết.
Tâm trạng có chút hụt hẫng, hơi phiền phức vì mỗi này lại phải thông báo kết quả thân nhiệt hai lần nhưng so với những người đang bị mắc kẹt ở Vũ Hán thì tôi hạnh phúc hơn rất nhiều".
5 ngày sau đó, khi hết thời gian cách ly, cô Vương cuối cùng cũng được ra ngoài. Cô hồ hởi đăng bức ảnh chụp trước nhà lên tài khoản mạng xã hội cá nhân và bày tỏ: "Sau 20 ngày, cuối cùng tôi cũng được ra ngoài rồi. Trời cao, mây xanh, gió nhẹ, sắc xuân tràn ngập trong lòng, dự cảm dịch bệnh sắp kết thúc rồi".
Giống như Vương Hội Chân, cô Lý Quân - đang làm việc tại một trung tâm giáo dục ở Vũ Hán, trở về Hà Nam, phía Bắc tỉnh Hồ Bắc - ăn tết trước khi Vũ Hán bị phong tỏa.
Cô cho biết, Hà Nam rất tích cực trong phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. "Tôi sống ở thành phố, tất cả các khu chung cư đều thắt chặt kiểm soát việc ra vào của cư dân. Nếu không phải trường hợp đặc biệt thì không cho phép ra ngoài. Ra ngoài thì nhất định phải xuất trình chứng minh thư và nêu rõ lý do".
"Tôi trở về quê nhà từ Vũ Hán, đối với những người trở về từ Vũ Hán như tôi, thời gian đầu sẽ có người gọi điện liên lạc với chúng tôi. Chúng tôi cần cách ly tại nhà cho đến khi kết thúc thời gian ủ bệnh. Mỗi ngày sẽ có người gọi hỏi chúng tôi về tình hình sức khỏe", cô chia sẻ.
Lý Quân cho biết thêm, tâm lý của người dân xung quanh cô tương đối tích cực. "Một số người còn đi tản bộ hoặc tập thể dục trong khu chung cư hôm thời tiết đẹp nhưng hầu hết thời gian họ ở nhà và không đi ra ngoài".
Sống tại Hồ Nam - phía Nam Hồ Bắc, Lý Nhược Thần cho hay, cô thậm chí không hề bước chân ra khỏi cửa trong gần một tháng.
"Tôi ở trong nhà suốt. Ngày 20/2 vừa qua, sau 26 ngày không xuống dưới nhà, cuối cùng mẹ tôi cũng đồng ý cho tôi ra ngoài, xuống dưới cửa hàng tạp hóa mua chút đồ ăn vặt", Lý Nhược Thần nói.
Cô kể thêm, hôm 24/1 vừa qua (tức 30 Tết), bố cô tới nhà hàng địa phương để hủy ba bàn tiệc đã đặt cho ngày mùng 1. Nhân viên nhà hàng thể hiện sự thông cảm và trả lại 800 NTD tiền đặt cọc. "Bố tôi ban đầu còn nghĩ phải tìm cách thuyết phục họ đấy. Lúc bố tôi đến, họ đang phun độc khử trùng", cô nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, dù phải đối mặt với sự lây lan của dịch bệnh nhưng tất cả đều thể hiện tinh thần lạc quan, tích cực và hy vọng dịch bệnh sớm được dập tắt.
Cập nhật tình hình dịch COVID-19 tại đây.