Tiếp nối loạt bài "Phỏng vấn độc quyền sao quốc tế", chúng tôi xin gửi tới quý độc giả tuyến bài phỏng vấn nghệ sĩ Âu Dương Phấn Cường, người vào vai Giả Bảo Ngọc trong bộ phim truyền hình kinh điển, gắn liền với nhiều thế hệ khán giả Việt - "Hồng Lâu Mộng 1987".
Đây là tuyến bài được phỏng vấn trực tiếp tại trường quay của Báo Trí Thức Trẻ với “Giả Bảo Ngọc” Âu Dương Phấn Cường.
Đã hơn 30 năm kể từ ngày Giả Bảo Ngọc gây thương nhớ trên màn ảnh nhỏ, Âu Dương Phấn Cường nay đã không còn là chàng công tử "mặt hoa da phấn" năm nào, mà trở thành người đàn ông tuổi 56 với mái tóc ngả bạc và gương mặt nhuốm màu thời gian.
Ông cũng không còn theo đuổi nghiệp diễn từ lâu. Sau thành công của Hồng Lâu Mộng, ông chuyển sang làm đạo diễn và gặt hái khá nhiều thành công với vai trò này.
Tuy vậy khi nhắc đến Hồng Lâu Mộng, Âu Dương Phấn Cường ngập tràn xúc cảm như thể mới hôm qua thôi ông vẫn còn đang đóng phim. Tâm sự cùng chúng tôi, ông ví "Hồng Lâu Mộng" với ông cũng giống như một giấc mộng - giấc mộng đưa ông đến với ánh hào quang tỏa sáng suốt hơn 30 năm qua.
Phỏng vấn độc quyền: "Giả Bảo Ngọc" dốc lòng về nỗi oan bị mắng chửi vì không dự tang lễ Lâm Đại Ngọc
Thưa nghệ sĩ Âu Dương Phấn Cường, đã 30 năm trôi qua kể từ ngày "Hồng Lâu Mộng" lên sóng, nhưng vai diễn Giả Bảo Ngọc của ông vẫn lưu dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Để thể hiện xuất sắc một công tử nhà quyền quý như vậy, phải chăng ở ngoài đời ông cũng xuất thân từ gia đình giàu có?
Không phải vậy, tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Tuổi thơ của tôi trôi qua trong thiếu thốn. Hồi nhỏ tôi hiếm khi được mặc quần áo mới. Những bộ đồ "mới" mà tôi được mặc đều là đồ cắt sửa lại từ quần áo đi làm của cha tôi.
Còn nhớ vào năm tôi sinh nhật 5 tuổi, nhà không có trứng gà. Mẹ tôi phải chạy sang hàng xóm vay một quả trứng đem về luộc lên cho tôi ăn.
Thời ấy chúng tôi cũng chẳng có muối để ăn. Thậm chí, chảo đã đun nóng lên rồi mà dầu bỗng nhiên hết, vậy là lại chạy sang hàng xóm vay ít dầu, mai rồi trả. Khi ăn cơm, bọn trẻ con ngó xem đứa kia có gì trong bát, rồi chia cho nhau đồ ăn. Những chuyện như thế giờ này làm gì còn nữa.
Vì thế, cuộc sống thực của tôi hoàn toàn trái ngược với cuộc sống vương giả giàu có của Giả Bảo Ngọc.
Tuy tôi sinh ra trong thời nghèo khó như vậy, nhưng thứ tuyệt vời nhất mà sự nghèo khó ấy mang tới là tình người nồng ấm. Tình cảm giữa con người với con người thời đó rất ấm áp.
Đến bây giờ, tôi và những người hàng xóm cũ vẫn hay gặp gỡ, trò chuyện, cùng nhau nhớ về quãng thời gian khó khăn nhưng vô cùng đẹp đẽ và thuần phác ấy.
Được biết nghệ sĩ đã phẫu thuật cằm để có được gương mặt giống với hình tượng Giả Bảo Ngọc nhất. Thời đó kỹ thuật thẩm mỹ chưa phát triển như bây giờ, tại sao ông lại sẵn sàng "xả thân" vì vai diễn như vậy?
Thực sự khi ấy tôi chỉ muốn diễn thật tốt vai Giả Bảo Ngọc. Một diễn viên muốn hóa thân vào vai diễn thì tạo hình bên ngoài cũng hỗ trợ rất nhiều. Khi cảm thấy bản thân giống nhân vật bạn sẽ tự tin hơn, còn ngược lại thì sẽ rất khó diễn.
Vì muốn tạo hình của mình gần với Giả Bảo Ngọc nhất, nên tôi đã đồng ý với lời góp ý của đoàn phim đi phẫu thuật thẩm mỹ. Đây cũng là sự lựa chọn của tôi, bởi lúc đó tôi có thể không cần làm như vậy.
Thời ấy, tôi là nam diễn viên đầu tiên phẫu thuật thẩm mỹ sau khi Trung Quốc cải cách mở cửa. Phẫu thuật thẩm mỹ ngày xưa không giống bây giờ đâu. Hồi ấy vì vai diễn nên tôi mới phẫu thuật, chứ không như bây giờ người ta đi dao kéo để cho mình đẹp hơn.
Hiện tại chiếc cằm phẫu thẩm mỹ có để lại di chứng gì cho ông không?
Kỹ thuật thời đó không tốt như bây giờ. Người ta dùng một chiếc ống rất thô và dài cùng một mũi kim rất to để cấy silicone vào cằm tôi. Sau khi cấy xong, trong vòng 20 tiếng, tôi không được ăn, không được uống bất cứ thứ gì để cho silicone đặc lại.
Hiện tại thì chỗ cằm phẫu thuật không để lại bất tiện gì lớn. Nếu không bị đánh đấm vào cằm thì tôi sẽ không đau, nhưng nếu bị đấm vào thì tôi cũng đau đấy.
Thực ra tôi cũng từng nghĩ đến việc lấy miếng silicone đó ra rồi, nhưng hỏi bác sĩ thì thấy rất phiền hà.
Người ta sẽ phải phẫu thuật cắt một vết dài dưới cằm tôi, sau đó lật phần da đó lên phía trên. Miếng silicone đã đặc lại rồi, rất cứng, gắn liền một khối với da thịt, nên phải dùng một chiếc búa nhỏ đập vụn nó ra.
Sau khi đập vụn rồi thì lấy một lưỡi dao khoét ra từng tí một. Nghe thôi đã thấy kinh khủng rồi nên tôi không lấy nó ra nữa.
Thành công của "Hồng Lâu Mộng" đã giúp nghệ sĩ và "Lâm Đại Ngọc" Trần Hiểu Húc trở thành cặp đôi kinh điển trên màn ảnh nhỏ. Trong 3 năm đóng phim cùng nhau, giữa hai người hẳn có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ?
Hiểu Húc là một cô gái rất thông minh. Cô ấy làm thơ rất hay, là một nữ thi sĩ trẻ tài năng. Tôi từng nói đùa với Hiểu Húc rằng: "Thật phí khi em không làm nhà thơ nổi tiếng, mà lại đi kinh doanh".
Bài thơ đầu tay của Hiểu Húc tên là "Tơ liễu". Hiện nay trên mạng có rất nhiều người hâm mộ thơ cô ấy. Họ đều yêu thích và học thuộc bài thơ này.
Trong đoàn phim, tôi và Hiểu Húc đều là những người trẻ yêu văn thơ. Chúng tôi thường bàn luận về văn chương, cùng yêu mến những nhà thơ, nhà văn Trung Quốc nổi tiếng nhất thời bấy giờ như Cố Thành, Thư Đình, Bắc Đảo…
Chúng tôi cũng thường chia sẻ với nhau những tâm tình và cảm nhận về thơ ca, và cùng hâm mộ một nữ tác giả Đài Loan có tên Tam Mao. Có thể nói, trong 3 năm đóng phim cùng nhau, các câu chuyện giữa chúng tôi đa phần là về những điều thú vị trong văn chương.
Trần Hiểu Húc xinh đẹp và tài năng, được đánh giá là "Lâm Đại Ngọc bước ra từ trang sách". Nhưng dường như số phận của Lâm Đại Ngọc đã vận vào chính cuộc đời cô ấy, để rồi cuối cùng Hiểu Húc cũng phải chịu kiếp "hồng nhan bạc phận". Khi Hiểu Húc xuất gia rồi lâm bệnh nặng qua đời, nghệ sĩ có liên lạc với cô ấy không?
Tôi không liên lạc được với cô ấy. Khi Hiểu Húc xuất gia, tôi cũng không hề biết. Chỉ đến khi báo chí liên tục gọi điện thoại cho tôi, thì tôi mới biết. Tôi còn không tin chuyện cô ấy xuất gia nữa kia mà. Vì trong cảm nhận của tôi, Hiểu Húc là một cô gái rất yêu đời.
Khi đó, tôi đã gọi điện thoại cho Đặng Tiệp ( diễn viên đóng vai Phượng Ớt - PV). Chị ấy nói với tôi rằng: "Bọn chị cũng đang đi xác minh". Đặng Tiệp còn bảo chị ấy đang tìm hỏi biên kịch Chu Linh của Hồng Lâu Mộng xem chuyện này có thật không.
Sau đó khoảng 1 tiếng thì Đặng Tiệp gọi điện lại cho tôi, báo rằng Hiểu Húc thực sự xuất gia rồi. Chuyện này chỉ có 2 người trong đoàn phim Hồng Lâu Mộng biết mà thôi. Một là Cơ Ngọc, diễn viên đóng vai Diệu Ngọc, cũng là bạn rất thân của Hiểu Húc, hai là biên kịch Chu Linh.
Đặng Tiệp nói với tôi: "Chị gọi điện thoại rồi nhưng Hiểu Húc tắt máy, hay cậu thử nghĩ cách nào gọi điện cho cô ấy đi". Vậy là tôi cũng thử gọi cho Hiểu Húc nhưng điện thoại vẫn tắt.
Tôi đành gửi cho Hiểu Húc một tin nhắn, ôm hi vọng rằng cô ấy sẽ đọc nó. Tôi nhắn rằng: "Tiểu Húc à, sự lựa chọn trong đời em mọi người không có quyền can thiệp, nhưng mong em hãy suy nghĩ thật kỹ". Nhưng rồi tôi cũng không nhận được hồi âm.
Cuối cùng, khi tôi nghe được tin về Hiểu Húc thì cô ấy đã sắp ra đi rồi.
Vậy sau đó nghệ sĩ có đến dự tang lễ của Hiểu Húc không ?
Tôi không đến được vì tang lễ tổ chức ở Thâm Quyến. Cũng vì chuyện này mà khi ấy tôi bị chỉ trích thậm tệ. Nhiều người chất vấn tôi tại sao không đến dự tang lễ của Hiểu Húc
Nhưng tôi không giải thích, bởi tôi nghĩ mình đâu thể giải thích được hết cho tất cả mọi người. Nỗi nhớ thương dành cho người bạn ấy tôi giữ ở trong lòng, chẳng cần phải đi khắp nơi để kể lể, giải thích làm gì.
Hơn nữa thời điểm đó rất đặc biệt, khi ấy tôi đang phải quay phim ở thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, bản thân còn là đạo diễn nữa. Tôi biết tin Hiểu Húc qua đời cũng là từ báo chí, nên gọi điện hỏi Đặng Tiệp và được chị ấy xác nhận.
Trong vòng 3 ngày hôm đó, ngày nào tôi cũng bị báo chí gọi đến 300 cuộc điện thoại, hỏi cùng 1 câu hỏi.
Tôi đang quay phim mà, lại là đạo diễn nữa, làm sao có thể nhận từng cuộc điện thoại để giải thích đây. Vậy nên tôi đành tắt máy. Nhưng cũng vì tắt máy mà tôi bị mọi người hiểu lầm.
Đến lễ an táng của Hiểu Húc, chị Đặng Tiệp có gọi điện cho tôi từ Thâm Quyến. Tôi tính toán thời gian thì thấy mình không thể đến kịp vì từ Lâm Nghi đến Thâm Quyến không có đường bay thẳng, tôi phải sang Tế Nam, rồi từ đó mới đi được Thâm Quyến.
Nếu đi như vậy thì không thể xin phép đoàn phim cho nghỉ được, bởi tôi mà đi là công việc của cả đoàn bị đình trệ hết, rồi phía nhà đầu tư sẽ tính toán số tiền bị tổn thất. Vì thế, tôi đã không đi.
Nhưng sau đó khoảng 2 tháng, trong lễ tưởng niệm Hiểu Húc tổ chức tại Đại Quan Viên, tôi đã đến dự. Tôi xin đoàn phim cho nghỉ phép một ngày để bay tới đó từ sáng sớm rồi trở về đoàn phim ngay sau khi lễ tưởng niệm kết thúc, cả đi và về chỉ trong đúng 1 ngày.
*CÒN TIẾP PHẦN 2...