Tự cổ chí kim, con người chẳng có ai tránh khỏi sinh - lão - bệnh - tử. Sau khi qua đời, người đã khuất thường được an táng theo những cách chôn cất quen thuộc như: thiên táng, địa táng, thủy táng, phong táng, hỏa táng, mai táng...
Tuy nhiên, người Trung Quốc xưa còn có một kiểu an táng khá rùng rợn là Ngõa Quán táng.
Tang lễ này không phải chờ đến khi người ta qua đời rồi tiến hành chôn cất, mà phải "đưa xuống mồ" ngay khi người đó vẫn còn đang sống. Đây được coi là phong tục tang lễ tàn khốc nhất của Trung Quốc.
Theo truyền thuyết, từ thời Tần đã có luật lệ gọi là "lục thập hoa giáp", hay còn gọi là "hoa giáp táng", quy định rằng nếu trong gia đình có người già 60 tuổi thì phải đưa lên núi và để họ "tự sinh tự diệt".
Dù chưa có ai chứng thực, nhưng cho đến nay sắc lệnh này chỉ còn thấy được ghi chép trong sách tạp lục hoặc được lưu truyền trong dân gian.
Trong cuốn Tuế Hoa Kỷ Lệ do Hàn Ngạc ghi chép lại những phong tục cũ của thời nhà Đường có đề cập rằng, tại một số vùng ở Vân Nam, phong tục Ngõa Quán táng rất phổ biến.
Những ngôi mộ được đào dưới lòng đất, xung quanh xây bằng gạch xanh, trên đỉnh chừa một lối ra vào, trông giống như một cái chum đất nên được đặt tên như vậy.
Khi cha mẹ đủ 60 tuổi, con cái sẽ cõng họ đến một ngọn núi gần nhà, đào một cái hố tương tự như cái chum rồi đặt cha mẹ vào đó.
Con cái sẽ đến đưa cơm cho cha mẹ một lần mỗi ngày, và mỗi lần như vậy lại đưa kèm thêm một viên gạch.
Ngày này qua ngày khác, những viên gạch được xây lên càng cao, cho đến khi ngôi mộ bị bít lại để cha mẹ già chết ngạt trong đó.
Mỗi bữa cơm kèm theo một viên gạch
Những người con có hiếu sẽ ở lại trò chuyện với cha mẹ già trong lúc giao bữa ăn đến, kể chuyện xảy ra trong ngày cho họ nghe, vài ngày sau mới đưa thêm một viên gạch.
Còn kẻ bất hiếu chỉ đến đưa cơm cho có và luôn muốn thời gian trôi qua càng nhanh càng tốt.
Vào thời đó, có một câu nói rằng người già sống quá lâu sẽ làm mất đi phước lành và may mắn của con cháu, thậm chí làm tổn thương con cháu (họ sống càng khỏe mạnh thì con cháu càng đoản mệnh).
Bởi quan niệm này mà có một số người già chấp nhận "hy sinh" sớm để "tích phúc" cho con cháu.
Trong cuốn Duyệt Thế Biên từ triều đại nhà Thanh biên soạn lại có nhắc đến việc Tống Nhân Tông hạ chỉ bãi bỏ tục lệ man rợ này.
Tương truyền vào thời nhà Tống, một con quái vật xuất hiện gần dinh phủ Khai Phong, thường ra tay hãm hại người dân vào lúc nửa đêm, khiến người dân không thể chịu nổi.
Tống Nhân Tông muốn thu phục con quái vật nên đã giao sự việc này cho Bao Chửng xử lý.
Ông tìm kiếm hơn nửa tháng, cuối cùng cũng phát hiện ra một bà lão hiểu biết đang bị "chôn" trong mộ.
Dưới sự hướng dẫn của bà lão, Bao Chửng đã thu phục được con yêu quái.
Sau chuyện đó, ông đã dâng sớ lên Hoàng đế Tống Nhân Tông với nội dung: Mặc dù người già không còn sức lao động, nhưng kinh nghiệm sống của họ là cả một tài sản quý giá, đồng thời hy vọng Hoàng đế có thể bãi bỏ tập tục Ngõa Quán táng.
Nguồn gốc
Năng suất của xã hội cổ đại tương đối thấp, việc ghét bỏ già cũ và bệnh tật có lẽ không phải là điều lạ.
Nhưng dù thế nào đi nữa, việc chôn sống cha mẹ ruột của mình vẫn là một chuyện trái với đạo đức của con người, đồng thời cũng đi ngược lại giá trị "kính già, yêu trẻ" của người dân Trung Quốc.
Có 2 phiên bản về nguồn gốc của tục Ngõa Quán táng như sau:
1. Du nhập từ Nhật Bản
Tác gia Hàn Ngạc (tác giả cuốn Tuế Hoa Kỷ Lệ) tin rằng phong tục này được du nhập từ Nhật Bản.
Vào thời nhà Đường, một số lượng lớn sứ thần Nhật Bản từ nhà Đường đã đến Trung Quốc, đây là sự thật được sử sách ghi lại, thêm vào đó, Nhật Bản lúc bấy giờ còn lạc hậu hơn Trung Quốc rất nhiều nên họ có phong tục này.
Cảnh phim Bài Ca Núi Narayama (1983)
Tác phẩm Bài Ca Núi Narayama của Nhật Bản cũng kể một câu chuyện tương tự như vậy. Đây là truyện ngắn đầu tay của nhà văn Shichiro Fukazawa, mang chủ đề về cuộc đấu tranh sinh tồn của con người trước cái đói.
Dựa trên tác phẩm văn học đó, 2 bộ phim có thể được xem là kiệt tác lớn của điện ảnh Nhật Bản ra đời, lần đầu vào năm 1958 được đạo diễn bởi Keisuke Kinoshita, bản remake năm 1983 do Shohei Imamura viết kịch bản và đạo diễn.
Bộ phim sản xuất năm 1983 được phát hành tại Nhật Bản vào ngày 29/4/1983.
Không gian phim được tái dựng trên nền ca kịch truyền thống kabuki của Nhật với chủ đề là cuộc sống quá đỗi khó khăn ở một làng miền núi đói kém quanh năm.
Ở đó, dân làng tuân theo tục lệ đem những người già trên 70 tuổi sang phía bên kia sườn núi và bỏ mặc họ đến chết. Cũng có những diễn giải khác cho rằng việc người già được con cháu bế lên núi là để cúng thần núi.
2. Du mục
Trong số các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Trung Quốc thời cổ đại thì người Hung Nô có phong tục này.
Vì không chịu sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Nguyên, họ sống nhờ cỏ cây sông nước, trời đất bao la nên họ không có nghĩa địa và nơi ở cố định.
Khi một người đến 60 tuổi, gia đình của họ sẽ "quăng" người đó vào nơi hoang dã để nuôi sói. Cho đến sau khi hội nhập dân tộc, tập tục này dần bị mai một.
Ý kiến trái chiều về sự tồn tại của phong tục tàn nhẫn
Trong xã hội cổ đại, đạo hiếu là một trong những chuẩn mực cơ bản.
Việc vứt bỏ cha mẹ già và chối bỏ trách nhiệm, không chăm sóc người già rõ ràng là không phù hợp với đạo đức xã hội và tinh thần Nho giáo thời bấy giờ.
Vì vậy, nhiều người trong giới sử học không đồng tình với sự tồn tại của Ngõa Quán táng.
Trong đó, nhà sử học Cố Hiệt Cương phản đối vì 3 lý do: Thứ nhất, thời xưa làm việc năng suất thấp, điều kiện y tế và vệ sinh kém, người bình thường khó có thể sống đến 60 tuổi.
Thứ hai, từ bỏ cha mẹ không phù hợp với tư tưởng chính thống của Nho giáo đề cao lòng "nhân ái" lúc bấy giờ.
Thứ ba, xét từ các tư liệu sách cổ hiện có, chỉ có thể tìm thấy Ngõa Quán táng trong một số bộ sử không chính thống và sách tạp lục.
Ngoài ra, ở sách sử chính quy lại không hề có ghi chép nào về phong tục này.
Đi ngược lại những quan điểm trên, theo tác gia nổi tiếng Hồ Thích, phong tục này vốn đã có từ thời Tần Thủy Hoàng.
Do năng suất lao động thời đó không cao, nhiều người thậm chí còn không đủ ăn, trong khi đó những người lớn tuổi lại mất khả năng sản xuất nên được coi là thành phần ăn bám.
Chính vì vậy, để tiết kiệm lương thực, tục Ngõa Quán táng đã ra đời.
Ngoài ra, từ năm 2000, một số lượng lớn "tử hầm" cổ đại đã được phát hiện ở lưu vực sông Hán cắt giữa Tứ Xuyên, Sơn Tây, Hồ Bắc, Hà Nam.
Những "ngôi nhà cổ trong hang" được phát hiện này có hình dạng theo quy củ, có dấu vết thủ công do chính tay con người tạo nên, miệng hang được cắt vuông vắn, bên trong hang bằng phẳng, có thể chứa một người nằm hoặc ngồi xổm và rất giống với "ngôi mộ Ngõa Quán" được ghi lại trong dã sử.
Trong những nơi đã phát hiện ra di tích ngôi mộ kỳ lạ này phải kể đến Hồ Bắc.
Tại thôn Đại Vương phát hiện 4 ngôi mộ cổ thời Bắc Tống đã được các chuyên gia khảo cổ ở Hình Đài, Hồ Bắc xác định sơ bộ và tiến hành khai quật.
Theo hình dáng của ngôi mộ cổ, một số người phân tích rằng đây chính là ngôi mộ "lục thập hoa giáp" từng xuất hiện trong lịch sử. Những ngôi mộ này đã cho thấy một phong tục chôn cất cổ xưa.
Trước thời nhà Đường, một số nơi ở miền Bắc Trung Quốc có phong tục xây cất lăng mộ theo kiểu này.
Ngôi mộ có dạng hình tròn và phần trên hở ra một lỗ, có thể nhìn thấy những chạm khắc gỗ và gạch tinh xảo xung quanh tường mộ, thậm chí còn có xương cốt của chủ nhân ở dưới đáy mộ.
Qua cách bài trí của ngôi mộ có thể thấy người được đặt nằm trên một nền đá lót gạch chỉn chu, xung quanh có vài chiếc bát nằm rải rác và không có quan tài trong đó.
Các nhà khảo cổ học không tìm thấy văn bia hay đồ vật nào có thể chứng minh danh tính của chủ nhân ngôi mộ và tuổi cụ thể trên khu vực ngôi mộ cổ.
Theo truyền thuyết liên quan, phong tục cổ xưa này không chỉ có ở Trung Quốc mà còn xuất hiện tại phía Bắc Triều Tiên, Nhật Bản, và người ta gọi đó là "Hàn táng".
Ghi chép từ đời Đường cho hay xưa kia có nước Nam Chiếu ở Vân Nam, thời bấy giờ có phong tục phổ biến: Khi con người ta đến 60 tuổi, con cháu phải xây mộ cho cha mẹ.
Trước tiên phải đào mộ, sau mới dùng gạch đắp dần lên thành một ngôi mộ. Toàn bộ lăng mộ được xây kín đến tận đỉnh mộ, chỉ chừa một lối nhỏ ra vào. Ngôi mộ này có hình dáng như một cái chum đất.
Khi mộ được sửa sang xong thì con cái cõng bố mẹ đến đây rồi để bố mẹ vào trong, hàng ngày sẽ đưa đồ ăn cho họ, mỗi lần sẽ mang thêm một viên gạch để xây mộ cho đến khi cổng vào kín hẳn.
Cuối cùng, người già sẽ chết bên trong vì đói và thiếu không khí.
Loại hủ tục này có mặt ở nhiều vùng miền trên khắp Trung Quốc.
Dù thế nào đi nữa, "kính già, yêu trẻ" là đạo đức truyền thống của người Trung Quốc cũng như người dân ở nhiều nước trên khắp thế giới suốt nhiều đời nay. Phận làm con thì phải biết báo đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ.
Hủ tục Ngõa Quán táng có thật sự xuất hiện ở xã hội xưa cũ hay chỉ là truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian vẫn còn là một dấu hỏi lớn.