Phong trào #KuToo: Đôi chân rớm máu vì giày cao gót và lời kêu cứu của phụ nữ Nhật Bản chốn công sở

DIỆP LỤC |

Phong trào #KuToo đang lan nhanh ở Nhật Bản khi càng có nhiều người phụ nữ chốn công sở phản đối việc đi giày cao gót mọi lúc mọi nơi.

Tháng 1/2019, cô Yumi Ishikawa, 32 tuổi, đã phải đứng hàng giờ trên đôi giày cao gót màu đen khi làm công việc bán thời gian tại một nhà tang lễ ở Tokyo, Nhật Bản. 

Hệ quả là cô đã phải chịu những cơn đau ở chân, nhất là bàn chân, từ việc đi giày cao gót.

Khi Ishikawa nhìn thấy các đồng nghiệp nam của mình được đi trên những đôi giày thấp, bằng phẳng, cô ước rằng giá như phụ nữ được phép đi những đôi giày bệt như vậy, công việc sẽ trở nên dễ chịu hơn. 

Cô đã đăng tải dòng suy nghĩ ấy lên tài khoản Twitter của mình.

Dòng chia sẻ của cô Ishikawa ngay lập tức đã lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, nhận được hơn 68.000 lượt thích và phong trào #KuToo đã ra đời kể từ đó.

Phong trào #KuToo: Đôi chân rớm máu vì giày cao gót và lời kêu cứu của phụ nữ Nhật Bản chốn công sở - Ảnh 1.

Bài đăng của cô Ishikawa đã hình thành nên phong trào #KuToo.

Phong trào #KuToo: Đôi chân rớm máu vì giày cao gót và lời kêu cứu của phụ nữ Nhật Bản chốn công sở - Ảnh 2.

Cô Ishikawa muốn phụ nữ công sở được giải thoát khỏi đôi giày cao gót.

Phong trào #KuToo lấy cảm hứng từ phong trào phản đối quấy rối phụ nữ trên toàn cầu #MeToo. Nó bắt nguồn từ hai từ trong tiếng Nhật là "kutsu" (giày) và "kutsuu" (nỗi đau).

Phong trào #KuToo đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ đông đảo của người dùng mạng. "Đây là sự phân biệt đối xử về giới tính. 

Nó bắt nguồn từ quan điểm cho rằng bề ngoài quan trọng đối với phụ nữ tại nơi làm việc hơn là đàn ông", cô Ishikawa phát biểu với hãng tin Associated Press.

Theo đó, tại Nhật Bản, việc đi giày cao gót gần như là một quy định bắt buộc với những người phụ nữ đi xin việc làm và muốn làm việc lâu dài tại nhiều công ty. 

Theo báo chí Nhật Bản, một cuộc khảo sát cho thấy 70% phụ nữ làm việc ở Tokyo đi giày cao gót ít nhất 1 lần một tuần. Tuy nhiên, kỳ vọng của xã hội rằng phụ nữ nên đi giày cao gót thường xuyên hơn đang lan rộng trên cả nước.

Phong trào #KuToo: Đôi chân rớm máu vì giày cao gót và lời kêu cứu của phụ nữ Nhật Bản chốn công sở - Ảnh 3.

Phòng trào #Kutoo nhận được sự ủng hộ của đông đảo phái đẹp Nhật Bản.

Trong năm 2017, khách sạn Hilton Osaka được cho là đã giảm giá cho khách hàng nữ dựa trên chiều cao của giày cao gót mà họ đi: giày cao hơn 5cm được giảm giá tối thiểu 10%; trong khi giày cao 15cm thì người đi giày sẽ được miễn phí 40% đồ uống.

Kaori, một nhân viên văn phòng, 30 tuổi cho biết mặc dù cô làm việc cho một tập đoàn du lịch Nhật Bản thoải mái hơn một chút, nhưng quy định về trang phục của công ty vẫn yêu cầu phụ nữ đi "giày cao gót".

"Nhân viên tại các cửa hàng bán lẻ và các vị trí tiếp xúc với khách hàng được yêu cầu mặc đồng phục hoặc trang phục công sở, bao gồm cả giày cao gót", Kaori cho biết.

Ở Nhật Bản có luật cấm phân biệt giới tính trong các giai đoạn làm việc nhất định như tuyển dụng, thăng chức, đào tạo và gia hạn hợp đồng, nhưng không đề cập tới quy định về trang phục.

Phong trào #KuToo: Đôi chân rớm máu vì giày cao gót và lời kêu cứu của phụ nữ Nhật Bản chốn công sở - Ảnh 4.

Cô Ishikawa kêu gọi chính phủ cần thay đổi luật liên quan đến vấn đề đi giày cao gót.

Phong trào #KuToo: Đôi chân rớm máu vì giày cao gót và lời kêu cứu của phụ nữ Nhật Bản chốn công sở - Ảnh 5.

Ishikawa cho rằng khi từ bỏ đôi giày cao gót, mọi thứ đều trở nên dễ dàng hơn.

Vào ngày 4/6 vừa qua, khoảng 19.000 người đã ký tên vào đơn kiến nghị lên Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, kêu gọi chính phủ cấm các công ty ép phụ nữ phải đi giày cao gót đi làm. 

Việc trình đơn kiến nghị trùng với thời điểm các công ty ở Nhật Bản bắt đầu tuyển dụng cử nhân vào làm việc.

"Tôi hy vọng chiến dịch này sẽ thay đổi tiêu chuẩn xã hội để việc phụ nữ đi giày bệt như đàn ông không bị xem là tồi tệ", cô Ishikawa nói.

Trước làn sóng mạnh mẽ của phong trào #KuToo, Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Takumi Nemoto cho hay ông không ủng hộ phong trào này và khẳng định việc phụ nữ đi giày cao gót đến công sở là "cần thiết".

"Việc đi giày cao gót đã được xã hội chấp nhận như một điều cần thiết và phù hợp về mặt nghề nghiệp", ông Takumi Nemoto nói tại một ủy ban quốc hội hôm 5/6.

Phong trào #KuToo: Đôi chân rớm máu vì giày cao gót và lời kêu cứu của phụ nữ Nhật Bản chốn công sở - Ảnh 6.

Ông Takumi Nemoto coi việc đi giày cao gót là cần thiết.

Cô Ishikawa cho hay, chiến dịch của cô nhận được nhiều sự chú ý của truyền thông quốc tế hơn là trong nước. 

Cô khẳng định vấn đề quan trọng nhất ở đây đó chính là sức khỏe. 

Phụ nữ đi giày cao gót nhiều sẽ ảnh hưởng đến đôi chân, ảnh hưởng đến cột sống và dễ mắc các bệnh về viêm khớp.

Là người khởi xướng phong trào #KuToo, cô Yumi đã trở thành mục tiêu quấy rối của một bộ phận người dùng mạng chủ yếu là đến từ đàn ông.

Mặc dù vậy, người phụ nữ này cho hay cô sẽ chiến đấu đến cùng. 

"Chúng tôi muốn một điều luật mới, vì tôi tin đây là một vấn đề cấp bách", Ishikawa nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại