Trần Văn Hà (Lạng Sơn)
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận như: ăn nhiều muối, nhiều đường, ăn nhiều chất đạm, chất mỡ; ăn ít rau quả, ít vận động, trầm cảm, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, thực phẩm chứa hóa chất...
Ngoài ra, một số thuốc điều trị bệnh có thể gây tổn thương thận, đặc biệt là khi dùng dài ngày, liều không thích hợp sẽ gây độc cho thận. Một số rối loạn chuyển hóa, bệnh lý về niệu thận như: sỏi thận, trướng nước thận, viêm bể thận... nếu không điều trị tốt, các bệnh này sẽ ảnh hưởng chức năng thận, dần dần gây biến chứng suy thận mạn.
Có thể nhận biết triệu chứng của suy thận cấp qua số lượng nước tiểu thải ra trong ngày. Nếu bệnh nhân không có nước tiểu hoặc nước tiểu đi được có lượng dưới 100ml trong vòng 24 giờ là dấu hiệu cho biết bị suy thận cấp. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các dấu hiệu khác như phù, sưng mặt, sưng mi mắt do ứ nước trong cơ thể.
Trong khi đó, triệu chứng của bệnh suy thận mạn lại kín đáo hơn. Bệnh nhân thường chỉ có triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, không muốn ăn, thiếu máu (thận còn có chức năng tiết ra kích thích tố để sinh hồng cầu). Nếu không để ý, bệnh nhân sẽ không đi khám bệnh và bỏ qua các triệu chứng này.
Chính vì vậy, để phòng bệnh, bác cần đến cơ sở để được khám và điều trị dứt điểm bệnh sỏi thận. Không hút thuốc lá bởi thuốc lá là một yếu tố gây ra tiểu đạm làm tổn thương thận. Nên ăn ít muối, ít chất béo, ăn nhiều cá, rau quả...
Uống đủ nước, từ 2-3 lít/ngày tùy mức vận động, thời tiết. Thể dục đều đặn. Cẩn trọng khi dùng thuốc. Cần khám sức khỏe định kỳ, 6 tháng hoặc 1 năm/lần. Khi khám thận, cần chú ý kiểm tra huyết áp, nước tiểu (đạm, hồng cầu, bạch cầu), xét nghiệm máu...