Nga tặng Bình Nhưỡng "quà hiếm": Tên lửa Triều Tiên khuấy đảo chiến trường Ukraine?

Hữu Hiển |

Các công tố viên ở Kharkiv (Ukraine) cho biết vào tháng 3 rằng, các lực lượng Nga đã bắn tên lửa do Triều Tiên chế tạo vào Ukraine khoảng 50 lần kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột.

Theo hãng tin Bloomberg, Tư lệnh Lục quân Mỹ ở Thái Bình Dương Charles Flynn trong chuyến thăm căn cứ quân sự Humphreys của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc vào ngày 6/4 nhận định, việc Nga sử dụng tên lửa của Triều Tiên trong cuộc chiến tại Ukraine đang mang lại cho Bình Nhưỡng cơ hội hiếm có để thử nghiệm các loại vũ khí của họ trong thực tế chiến đấu và có thể rút ra những bài học kinh nghiệm để có thể cải thiện hiệu suất của vũ khí.

Nga tặng Bình Nhưỡng

Tướng Charles Flynn - Tư lệnh Lục quân Mỹ ở Thái Bình Dương. Ảnh: Bloomberg

"Tôi không tin rằng trong ký ức gần đây của mình, quân đội Triều Tiên đã có một phòng thí nghiệm trên chiến trường giống như những gì người Nga đang cung cấp cho họ ở Ukraine", tướng Flynn nói.

Tướng Flynn nhận định, điều đó mang lại cho Triều Tiên cơ hội thu thập thông tin có giá trị về các vấn đề kỹ thuật, quy trình và bản thân các loại vũ khí mà "họ sẽ không thể làm được điều đó nếu không có xung đột" như cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Flynn cũng cho biết, Mỹ sẽ theo dõi chặt chẽ việc này, đồng thời Mỹ sẽ sớm triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết về thời gian hoặc địa điểm.

Theo Bloomberg, Mỹ, Hàn Quốc và các nước khác đã cáo buộc Triều Tiên gửi tới Nga các tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân mới nhất, dễ cất giấu, triển khai nhanh chóng và khó bắn hạ.

Theo các chuyên gia vũ khí, các hình ảnh do Mỹ cung cấp cho thấy đó là Hwasong-11 - một loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn có thể tấn công mục tiêu với độ chính xác cao. Chúng có tầm bắn từ 380 đến 800 km và làm phong phú kho vũ khí mà quân đội Nga có thể sử dụng ở Ukraine.

Trang tin NK News (Mỹ) đưa tin, các công tố viên ở Kharkiv (Ukraine) cho biết vào tháng 3 rằng, các lực lượng Nga đã bắn tên lửa do Triều Tiên chế tạo vào Ukraine khoảng 50 lần kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, đồng thời cung cấp tài liệu về những gì họ nói bao gồm cả dòng tên lửa Hwasong-11.

Các chuyên gia vũ khí cho biết, các tên lửa Triều Tiên gửi cho Nga có kích thước và cơ chế bay tương tự như dòng tên lửa Iskander của Nga. Tuy nhiên, một báo cáo năm ngoái của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ cho thấy, hệ thống phòng không Patriot của Mỹ cho đến nay phần lớn phát huy hiệu quả trong việc chống lại tên lửa của Nga.

Các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản đều đang triển khai hệ thống Patriot. Theo báo cáo từ Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), các hệ thống phòng không này có radar mạnh mẽ có thể theo dõi tới 100 mục tiêu bao gồm tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và máy bay.

Theo Bloomberg, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu cũng cáo buộc Triều Tiên gửi một lượng lớn đạn dược tới Nga, vốn có khả năng tương thích với các hệ thống vũ khí từ thời Liên Xô đang được sử dụng ở Ukraine.

Tuy nhiên, Moscow và Bình Nhưỡng đã bác bỏ cáo buộc này, bất chấp một số bức ảnh vệ tinh do các nhóm nghiên cứu và chính phủ Mỹ công bố cho thấy dòng vũ khí chuyển từ Triều Tiên sang Nga và sau đó được tập kết tại các bãi chứa vũ khí gần biên giới với Ukraine.

Phía Hàn Quốc cáo buộc, để đổi lấy số vũ khí trị giá hàng tỷ USD, Nga sẽ cung cấp cho Triều Tiên thực phẩm, nguyên liệu thô và các linh kiện để sản xuất vũ khí. Điều này đã giúp Bình Nhưỡng tăng cường an ninh lương thực và phát triển hơn nữa hệ thống vũ khí của mình.

Vào tuần trước, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã giám sát cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo mới được thiết kế để triển khai phương tiện bay siêu thanh có thể mang đầu đạn hạt nhân tới các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản và Guam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại