Xuyên quốc gia tìm “liệt sĩ còn sống” để khóc cho những thân phận

Vượt qua hàng nghìn cây số, qua những cánh rừng Bắc Việt Nam rồi Bắc Lào thâm u, đèo cao vực sâu rợn người, chúng tôi dò hỏi đường về bản Tùng Khoa tìm vợ con ông Hoàng Văn Phẩm.

Bây giờ còn “đường xa vạn dặm” thế nữa là thời chiến. Tôi mới hiểu vì sao mà ông Phẩm cùng bà vợ Lào với 3 đứa con yêu quý kia suốt 60 năm cùng sống trên dương gian mà như âm dương cách trở…

Sáng phát nương, chiều đánh giặc, tối chọc mái gianh bắt chuột đỏ hỏn nướng ăn…

Đường đi Luâng Nậm Thà, nhiều đoạn xe ô tô ngập một nửa chiều cao trong suối lũ. Đường xa, hẻo lánh, bùn lầy nước đọng. Người Lào miền rừng này hầu như không có người biết tiếng Anh. Chúng tôi phải dùng “ngôn ngữ cơ thể” để tìm bản Tùng Khoa. Ông Vũ Văn Tú, một Việt kiều biết tiếng Việt nhận lời giúp chúng tôi.

Ông Tú sinh ra ở Lào, khoảng những năm 1960, ông được sang Việt Nam “du học”. Hồi đó ông Tú phải đi bộ 10 ngày mới ra đến khu vực có đường ô tô để sang Việt Nam. Bố ông là cụ Vũ Văn Hậu. Cụ Hậu nếu còn sống cũng gần 100 tuổi rồi. Cụ Hậu bị bắt đi lính cho Pháp, sau bị đày sang xứ này từ những năm 1940 để bắn giết người Lào vô tội. Rồi cụ được cách mạng giác ngộ, quay mũi súng đánh Pháp… y như ông Hoàng Văn Phẩm. Trước khi biến mất khỏi bản Tùng Khoa trong kịch bản “đi đánh cá bị lũ cuốn”, ông Phẩm và những người đồng chí có ngồi uống rượu ở nhà cụ Vũ Văn Hậu.

Ngôi nhà sàn nhỏ, mọc lên giữa bát ngát ruộng lúa. Nghe tin có nhà báo từ Việt Nam sang, cả nhà ông Phẩm, cả bản làng kéo đến. Món quà quê, bức khảm trai mang hình Chùa Một Cột Hà Nội mà chúng tôi tặng đã làm chủ nhà khóc nức nở. Họ có biết đến một Hà Nội cố hương, nhưng chưa bao giờ được về.

Chúng tôi đã đến muộn, bà Te (vợ ông Phẩm) chết đã vài năm rồi. Bun Hon, Bun Uồn, rồi bà Hoàng Thị Phom (3 người con của ông Phẩm) đều còn khỏe. Trên ban thờ có rất nhiều xương thú, một cái nỏ to, một vài mũi tên tẩm máu khô ở đầu, vài cái lông chim cũng nhuộm máu. Họ bảo, thờ ông Phẩm ở đó. Chúng tôi lặng đi…

Bà Te, người vợ bên Lào của ông Phẩm.

Toàn bộ cộng đồng người Việt ở Luâng Nậm Thà có khoảng 70 người. Họ sống rất tình cảm. Người ta kể nhiều về chiến công của ông Phẩm và đồng đội, cùng rất nhiều người Việt Nam được giác ngộ cách mạng tại Lào hoặc sang Lào hoạt động.

Ông Phẩm (bí danh là Xít A) cùng đồng đội tập hợp dân chúng, đốt lửa, bắt sống “quan thầy Pháp” xử tội đầy hả hê. Một người dân ở Tùng Khoa hồi tưởng: “Ngay tại Bắc Lào, họ đã nhanh chóng lập chiến công, khi tổ chức bà con đánh chiếm, bắt tỉnh trưởng Phông Sa Lỳ thời thuộc Pháp. Họ trói quan tỉnh người Tây bằng dây bao bạt, đặt “tù binh” trên lưng ngựa, đem ra cho bà con “tố” tội ác của chúng. Họ còn đốt lửa cho bà con xem mặt “quan Tây”, xem tội ác bao nhiêu năm đè nặng lên dân chúng, đích thị là từ lũ thực dân này đấy. Bà con sờ lên vạt áo ông Phẩm và đồng đội với thái độ đầy khâm phục, “các ngài bé gầy thế này, thế mà đánh được thằng Tây à? Nó có súng lớn lắm, nó to lớn lại cưỡi trên tàu bay cơ mà”.

Bấy giờ, ban ngày các ông đi phát rẫy làm nương cùng dân, tối về bắt con chuột đỏ hỏn trên mái tranh, nướng ăn kèm vài cái lá thành ngạnh chua. Các ông đi đánh Tây, đánh bọn phản động. Súng chúng nó lớn, mình có mấy quả lựu đạn thôi, ném nó lăn long lóc “xịt” hết. Rất nhiều người đã hy sinh anh dũng. Vậy mà vẫn quật cường lắm. Sống trong rừng, ngủ trên cây, ẩn mình trong hang sâu đối mặt với thú dữ. “Đi đường, để tránh bị hổ ăn thịt, chúng tôi cứ vác những cây nứa nhọn hai đầu rồi đi phăm phăm. Các Ông Hổ khôn lắm, biết là lao vào đó thì thủng bụng mà chết, nên cứ thế bỏ đi”, ông Phẩm kể.

Ông Phẩm kể chuyện bên Lào.

Nước mắt của người 60 năm thờ bố, giờ nghe tin bố còn sống, vẫn không dám mơ được gặp

Tôi đã khóc cùng bà Phom. Bà Phom gần 70 tuổi, mắt mờ, chân chậm, tóc vấn cao theo lối của người dân tộc Thái. Bà ôm lấy tôi lúc giã biệt. “Sau 60 năm thờ bố trên bàn thờ, sau mấy năm kể từ khi nghe tin bố còn sống, hai em Bun Uồn, Bun Hon mới sang gặp bố ở Việt Nam.

Thế là gần 70 năm rồi. Sau ngày bố đi, nhà đói rét, khổ sở, người ta có bố làm lụng, thì có tiền đi học, có sắn khoai mà ăn. Cô không còn bố. Cô thấy bạn bè đi học mà tủi thân lắm. Sau rồi mẹ Te lấy bố mới (chồng khác) vì tin là bố Phẩm chết từ lâu. Bố mới suốt ngày say rượu, cô và các em làm sai bố cũng đánh, không làm sai cũng đánh; nói bố cũng đánh mà im lặng bố cũng đánh. Rồi bố mới và mẹ lại có nhiều con. Bố mới chết, mẹ Te chết. Bố Phẩm vẫn trên bàn thờ, chỉ nghe nói thế thôi, chứ làm gì có ảnh thờ hay tranh thờ. Bố giả chết ra đi lúc cô mới 4 tuổi...”.

Ở tuổi 65, bà Phom bảo tôi (ông Tú phiên dịch sang tiếng Việt): “Không dám tin là đi sang được đến Việt Nam gặp bố đâu, không có tiền, không có gạo ăn, cũng không biết đường”. Cả đời bà đã bao giờ dám ra khỏi bản đâu, huống hồ sang tận nước khác. “Nước khác có phải bầu trời khác không?”. Nói rồi bà khóc. Tôi hiểu rằng, nước mắt của bà Phom hôm đó sẽ còn ám ảnh tôi suốt nhiều năm nữa…

Chúng tôi ngỏ ý muốn đưa bà sang Việt Nam thăm bố, sẽ giúp đỡ tiền nong, thủ tục, bà Phom khóc to hơn, bà hứa sẽ cố gắng. Dường như bà hứa cho khỏi phụ lòng những người trẻ đến từ xa xôi như chúng tôi mà thôi. Bởi ông Phẩm thì lập cập đứng ngồi còn khó, con gái Hoàng Thị  Phom của ông thì bước vào tuổi thất thập đầy tật bệnh, đói nghèo, thất học; đường Tây Bắc Việt Nam sang Bắc Lào thì chưa bao giờ thôi gian khó… Có thể cho đến chết, bố con họ vẫn chưa gặp lại được nhau.

Bà Phom bảo, Bun Hon và Bun Uồn đi thăm bố về, chụp ảnh cho bà xem. Bà khóc ngất đi, hóa ra hình dáng bố thế này đây. Lúc bố đi, trí nhớ bà chưa… lưu giữ được. Bà còn khóc vì sung sướng: Hóa ra bố còn sống và là một lão thành cách mạng đầy huân huy chương. Bao năm người ta còn đổ tiếng oan rằng bố của bà phản cách mạng, quay súng đi liếm gót giày Tây, bà không ngẩng đầu lên được. Cả gia đình khóc rung nhà sàn khi cùng các bô lão nói về cuộc đời Xít A.

Nước mắt của bà Phom làm tôi nghĩ về nỗi đau của người chiến binh Hoàng Văn Phẩm, ông phải dứt áo ra đi vì nghĩa lớn, bỏ lại vợ trẻ và 3 đứa con thơ dại, mà không dám… thầm hẹn ngày trở về. Rồi lại nghĩ đến nỗi đau của đại gia đình phải dựng bàn thờ người (tưởng bị) “chết trôi” suốt 60 năm. Bà Te chết mà chưa bao giờ được gặp lại chồng. Ông Phẩm hơn 60 năm không đêm nào không đau đáu nghĩ về vợ và đàn con bên Lào. Mãi lúc gần đất xa trời mới gọi con gái đến nói thầm: “Liệu có tìm được vợ và 3 con cho bố ở tít bên Lào không?”.

Xưa, ngay thời bao cấp thôi, một công dân bình thường muốn ra nước ngoài đã là cả một việc hệ trọng và khó khăn. Xưa, chiến sỹ đi cả mấy tháng mới vượt được rừng Luâng Nậm Thà về đánh trận Điện Biên Phủ. Làm sao ông già Phẩm dám nghĩ đến chuyện “vượt biên giới” tìm lại gia đình? Chưa kể hồi mới giải phóng thủ tục nhiêu khê rườm rà thế nào, rồi đói khổ thiếu thốn ra sao.

Tôi mới thấm thía: Những ai tỏ ý nghi ngờ tấm tình, sự trong sáng, hết lòng với cách mạng của những người như ông Phẩm, ông Lê Xuân Hào… là một cái gì đó hết sức báng bổ. Họ bảo, sao bấy nhiêu năm “liệt sỹ” không tìm về, không tìm đến với tổ chức cá nhân nào đó để nhờ giúp đỡ, hay có gì mờ ám?

Ôi, nếu dễ dàng “bay” vù một cái hết nửa vòng trái đất được như bây giờ thì đã không nên chuyện. Chợt nghĩ tiếp: nếu cứ nhà lầu xe hơi, cứ ngồi máy bay làm công dân toàn cầu, thì ai đó không tin vào những số phận như tiểu thuyết của các “liệt sỹ trở về” cũng là dễ hiểu. Cái đói nghèo, sự thiệt thòi trong tri thức và các mặc cảm thân phận nó… to, nặng và buồn bã hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Bất giác, tôi thấy xót xa thêm cho những phận người thời chiến tranh và cả thời hậu chiến.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại