[Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: Bệnh nhân gian nan chữa bệnh

Trần Đặng Minh Trí (CLB Quản lý chất lượng - An toàn người bệnh) |

Một BS ở BV Cáp Nhĩ Tân chẩn đoán bệnh viêm khớp (synovitis) và kê một loạt các mũi tiêm cho Nam. Chẩn đoán này là sai. Tình trạng của bệnh nhân tệ đi do kết luận bệnh sai của BV.

Năm 2014, vấn đề bạo lực y tế tại Trung Quốc trở thành tâm điểm dư luận thế giới, sau một chuỗi các vụ án bệnh nhân giết bác sĩ. Nhân vụ việc này, tạp chí New Yorker đã gửi phóng viên kỳ cựu Christopher Beam đi điều tra.

Phóng sự dài ‘Under The Knife’ (Dưới lưỡi dao) của Christopher mang đến cái nhìn cận cảnh, về một nền y tế đang khủng hoảng trầm trọng, nơi mà cả người bệnh và nhân viên y tế đều là nạn nhân.

Mời độc giả đọc các kỳ trước tại đây:

Kỳ 1: [Phóng sự dài kỳ] "Dưới lưỡi dao": Án mạng tại khoa Thấp khớp

Kỳ 2: [Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: Sụp đổ mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân

Lý Mộng Nam sinh năm 1994 và lớn lên ở Đại Dương Thụ, thuộc huyện Hulunbuir, vùng Nội Mông phía cực bắc Trung Quốc, gần biên giới Mông Cổ. Thị trấn này được biết đến với những cánh đồng cỏ rộng và những mỏ than lớn.

Cha mẹ Nam chia tay khi cậu mới 1 tuổi. Cậu được ông bà nội nuôi khi cha đi tìm việc ở các thành phố khác. Khi Nam ba tuổi, cha cậu đi tù do tham gia vào một vụ cướp không thành. Nam học không tốt và giáo viên cấp hai khuyên cậu nên nghỉ học đi. Năm 15 tuổi, cậu đến sống với người dì ở Bắc Kinh.

Mượn giấy chứng minh thư của một người bạn lớn tuổi hơn, Nam tìm được việc dọn dẹp nhà tắm công cộng, nơi cậu nhận được tối đa là 700 NDT một tháng (khoảng 2,4 triệu VNĐ).

Sau vài tháng đi làm, chân cậu bắt đầu bị đau. Cậu đến BV nhưng không có tiền làm tất cả những xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán. Nam bỏ Bắc Kinh về nhà, nhưng những BV ở miền quê lại không có chăm sóc chuyên khoa, nhiều nơi còn không có các thiết bị y tế cơ bản.

Tháng 9/2010, Nam và ông nội mua vé tàu lửa rẻ tiền đến Cáp Nhĩ Tân, thành phố lớn gần nhất, để chữa bệnh.

Như tất cả các BV tuyến trên ở Trung Quốc, BV Cáp Nhĩ Tân đông nghìn nghịt bệnh nhân. Một BS ở đây chẩn đoán bệnh viêm khớp (synovitis) và kê một loạt các mũi tiêm cho Nam. Chẩn đoán này hoá ra lại sai, và khi ra toà, LS Vệ lập luận rằng tình trạng của Nam đã tệ đi do kết luận bệnh sai của BV.

[Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: Bệnh nhân gian nan chữa bệnh - Ảnh 1.

Bệnh viêm cột sống dính khớp

Mùa xuân năm sau, bệnh tình của Nam càng nặng chứng tỏ chẩn đoán của BV Cáp Nhĩ Tân là sai. Mặc dù mới mười mấy tuổi nhưng Nam đi đứng như một người già. Bà nội của cậu nói với các phóng viên: "Nam còn không thể ngồi xuống toilet khi đi vệ sinh".

Đến tháng 4, ông nội của Nam đưa cậu đến Cáp Nhĩ Tân lần nữa. Lần này thì cậu được chẩn đoán đúng. Nam bị ankylosing spondylitis, căn bệnh viêm cột sống dính khớp, khiến cho các đốt sống gắn liền hoàn toàn với nhau – hay còn gọi là "cột sống cây tre" (bamboo spine).

[Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: Bệnh nhân gian nan chữa bệnh - Ảnh 2.

Một liều thuốc Remicade

Căn bệnh này không có thuốc trị, nhưng các BS giải thích rằng các triệu chứng của bệnh có thể được xử lý bằng một loại thuốc tiêm tĩnh mạch tên là Remicade. Đối với một gia đình Trung Quốc nghèo, 39.000 NDT (khoảng 129 triệu VNĐ) cho các lượt tiêm, là một con số chóng mặt.

Nam có bảo hiểm y tế dành cho công nhân nhập cư, tuy nhiên nó chi trả chưa đến phân nửa tổng chi phí cuối cùng lên đến 80.000 NDT (khoảng 269 triệu VNĐ). Nam và gia đình phải xoay sở phần còn lại. Rốt cuộc họ phải gom hết tiền hỗ trợ thất nghiệp của Nam, tiền hưu của ông nội cậu và vay mượn từ gia đình và bạn bè.

Sau đợt tiêm Remicade đầu tiên, Nam thấy khoẻ hơn ngay lập tức. Cậu chạy nhảy khắp sân nhà, gọi bà ngoại của mình thật to: "Bà ơi nhìn đây, con có thể chạy được rồi!".

Nhưng một tháng sau đó các BS phát hiện ra cậu nhiễm bệnh lao - có thể do hiệu ứng phụ của thuốc Remicade khiến cho hệ miễn dịch bị suy yếu. Họ bảo Nam phải dừng thuốc Remicade cho đến khi bệnh lao được chữa khỏi.

Khi ra toà, LS Vệ cho rằng BV đã biết Nam có bệnh lao từ trước khi bắt đầu tiêm thuốc Remicade. Ông ám chỉ các BS đã không nói gì vì bị thu hút bởi lợi nhuận hấp dẫn từ loại thuốc đắt tiền này.

Lý Mộng Nam phải nằm bệnh viện huyện 4 tháng để điều trị lao trước khi quay trở lại Cáp Nhĩ Tân để chữa bệnh cột sống. Theo ông nội cậu, trong giai đoạn này Nam bắt đầu có hành vi khác lạ. Đôi khi cậu bất ngờ bật cười, rồi đi lại la lối trong đêm khuya.

Tuy nhiên, khi quay về Cáp Nhĩ Tân lần cuối cùng, họ vẫn còn cảm thấy lạc quan. Nhưng rồi họ nhận tin là Nam vẫn chưa hoàn toàn hết bệnh lao, và việc điều trị với thuốc Remicade sẽ bị hoãn thêm ba tháng nữa. Tin này khiến cho Nam trở nên tuyệt vọng.

[Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: Bệnh nhân gian nan chữa bệnh - Ảnh 3.

Lý Mộng Nam nghe tuyên án

BS điều trị đã không đưa tin xấu này cho Nam trực tiếp. Thay vào đó, BS bắt cậu đợi ở ngoài phòng khám khi ông nói chuyện với ông nội của Nam. Theo LS Vệ, đây là lúc thân chủ của ông cảm thấy bị xúc phạm nhất.

LS kể lại: "Tư duy của Nam lúc đó là: Liệu những người này có đang lừa đảo mình? Mình đã đến đây bao nhiêu lần rồi, và câu trả lời lần nào cũng là Không, không, và không!".

Trần Đặng Minh Trí, CFA, MBA

Gian nan chữa bệnh (Loạt bài Bạo hành y tế tại Trung Quốc) bài 3 - Ảnh 3.

Thạc sĩ Trần Đặng Minh Trí là chuyên gia về chiến lược với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế và tài chính.

Anh là Tư vấn viên chiến lược (Strategy Consultant) cho Tập đoàn Bệnh viện Ramsay Health Care, với hơn 200 bệnh viện khắp thế giới.

Đồng thời, anh là giảng viên của chương trình đào tạo phi lợi nhuận dành riêng cho Việt Nam của Đại Học Y Sydney, mang tên 'Học mãi’.


Tư thế ngồi, nằm, đứng chuẩn giúp bảo vệ cột sống

Còn tiếp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại