Năm 2014, vấn đề bạo lực y tế tại Trung Quốc trở thành tâm điểm dư luận thế giới, sau một chuỗi các vụ án bệnh nhân giết bác sĩ. Nhân vụ việc này, tạp chí New Yorker đã gửi phóng viên kỳ cựu Christopher Beam đi điều tra.
Phóng sự dài ‘Under The Knife’ (Dưới lưỡi dao) của Christopher mang đến cái nhìn cận cảnh, về một nền y tế đang khủng hoảng trầm trọng, nơi mà cả người bệnh và nhân viên y tế đều là nạn nhân.
Mời độc giả đọc các kỳ trước tại đây:
Kỳ 1: [Phóng sự dài kỳ] "Dưới lưỡi dao": Án mạng tại khoa Thấp khớp
Kỳ 2: [Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: Sụp đổ mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân
Kỳ 3: [Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: Bệnh nhân gian nan chữa bệnh
Kỳ 4: [Phóng sự dài kỳ] Bạo lực y tế Trung Quốc: Nhìn từ góc độ lịch sử
Hệ thống Y tế sụp đổ, nhiều bác sĩ bắt đầu nhận hối lộ
Sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, Trung Quốc mở cửa lại các trường đại học, GS Lưu đi học cử nhân ở Thành Đô. Năm 1986, ông đến Đại học TP New York để học cao học kinh tế học y tế và ở lại Hoa Kỳ giảng dạy. Trong khi đó, hệ thống y tế Trung Quốc bắt đầu sụp đổ.
Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình
Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình áp dụng chính sách mở cửa kinh tế và giải tán các hợp tác xã - điểm tựa về y tế của đa số người dân Trung Quốc. Tuy việc buông lỏng quản lý đã tạo điều kiện cho nhiều thành phần của nền kinh tế như sản xuất và bất động sản phát triển, chính sách này đã khiến hệ thống y tế bị kiệt quệ.
Nhà nước không còn chịu trách nhiệm cho dịch vụ y tế. Các BV công trở nên "độc lập tài chính" và bắt đầu chạy đua theo lợi nhuận. Các BS vốn được trả lương thấp, và nhiều người bắt đầu nhận hối lộ - những phong bì tiền "lì xì" đỏ.
Trong hệ thống trước đây, các BS được đào tạo bài bản ở thành phố lớn phải đến miền quê để hỗ trợ các "BS chân đất" ở hợp tác xã. Còn ngày nay những người nông dân phải tràn về các thành thị để chữa bệnh, khiến các BV lớn trở nên quá tải. GS Lưu nói "Về cơ bản thì nhà nước đã cho ngành y tế xếp xó."
BN chờ khám bệnh ở Trung Quốc
Đến đầu thế kỷ 21, tất cả mọi người dân Trung Quốc, từ BN đến BS và lãnh đạo chính phủ đều đồng thuận rằng hệ thống y tế đã sụp đổ. Cơn đại dịch SARS năm 2002, xuất phát từ các tỉnh phía nam Trung Quốc khiến cho cơn khủng hoảng còn trầm trọng hơn.
Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) tại Trung Quốc
Cứu vãn bằng cải cách nhưng vẫn thất bại
Năm 2003, chính phủ Trung Quốc thành lập hệ thống bảo hiểm y tế (BHYT) cho mọi người sống ở vùng nông thôn, đến 2007 thì hệ thống BHYT bao gồm cả dân thành thị.
Năm 2002 GS Lưu, lúc đó đang dạy ở ĐH Chapel Hill Bắc Carolina, nhận được cú điện thoại mời ông về Đại học Bắc Kinh để thành lập khoa Quản lý và Kinh tế học y tế. Ông đồng ý ngay lập tức. "Đó là giấc mơ của tôi," ông kể.
Ở Bắc Kinh, GS Lưu bắt đầu tư vấn cho Hội đồng nhà nước, cơ quan điều hành chính phủ cao nhất Trung Quốc-chịu trách nhiệm viết dự thảo luật và đưa ra các chính sách quốc gia. Năm 2009, Hội đồng tuyên bố gói cải tiến bao gồm năm mục:
1. Bảo hiểm y tế toàn dân trước năm 2020.
2. Giảm chi phí các dược phẩm thiết yếu.
3. Tăng cường dịch vụ y tế cộng đồng như giáo dục và tiêm chủng- đặc biệt ở các vùng nghèo.
4. Đầu tư mở rộng và xây mới BV tại nông thôn để giảm áp lưc cho các BV thành thị.
5. Tái cơ cấu các BV công lớn để tập trung vào chăm sóc cấp cứu và chuyên khoa (thay vì chăm sóc các bệnh thông thường).
GS Lưu nói mục thứ 5 là khó khăn nhất, bởi vì chính sách này bao gồm việc lấy mất khách hàng của các BV công lớn. "Các BV sẽ không bao giờ tự nguyện làm việc này, trừ khi là chúng ta thực hiện cải cách một cách thật tỉ mỉ."
Tiếp bệnh nhân tại một BV thành thị lớn ở Trung Quốc
Chính sách cải cách này thành bại không rõ ràng. Các quan chức tự hào tuyên bố là 95% dân số Trung Quốc nay đã được tiếp cận BHYT, tăng từ mức 30% hồi 2003. Tuy nhiên trong cùng lúc này giá cả y tế cũng tăng phi mã. Vì vậy trong thực tế đa số BN vẫn phải trả cùng một số tiền như trước.
Thêm vào đó, như kinh nghiệm của cậu bé Lý Mộng Nam, tỷ lệ chi phí được BHYT chi trả biến thiên rất nhiều tuỳ từng địa phương. Áp lực bệnh nhân đến các BV thành thị lớn không giảm mà còn tăng. Bởi vì người dân mới có BHYT bắt đầu đổ vào BV, mà các cơ sở y tế ở nông thôn thì chưa xây kịp.
GS Hoàng Giang Hồng, nhà nghiên cứu hệ thống y tế Trung Quốc tại Đại học Seton Hall nói với tôi: "Các sự kiện bạo lực cho thấy, chính sách cải cách của chính phủ Trung Quốc đã thất bại trong việc giải quyết vấn đề khả năng chi trả (affordability) và khả năng truy cập (access) y tế của người dân".
Bệnh nhân vẫn kỳ vọng dịch vụ chăm sóc tốt nhất khi họ (đi từ rất xa) để đến các BV lớn ở thành thị. "Khi những kỳ vọng này không được đáp ứng, họ rất phẫn nộ!", GS Hoàng nói.
Trần Đặng Minh Trí, CFA, MBA
Anh là Tư vấn viên chiến lược (Strategy Consultant) cho Tập đoàn Bệnh viện Ramsay Health Care, với hơn 200 bệnh viện khắp thế giới.
Đồng thời, anh là giảng viên của chương trình đào tạo phi lợi nhuận dành riêng cho Việt Nam của Đại Học Y Sydney, mang tên 'Học mãi’.
Thạc sĩ Trần Đặng Minh Trí là chuyên gia về chiến lược với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế và tài chính.
Còn tiếp
Bộ Y tế công bố Việt Nam đã có trường hợp mắc vi rút Zika