Tình trạng bệnh nhân lúc nhập viện.
Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết bị đau cứng hai khớp gối nên uống thuốc nam để điều trị bệnh. Gần đây, chị nghe lời người trong xóm khuyên hái một loại lá xào với giấm sau đó giã ra đắp vào hai khớp gối.
Theo chị H, tuần đầu tiên chị không thấy dấu hiệu gì bất thường, nhưng sang tuần thứ 2 thì hai đầu gối đau, ngứa, nổi mụn nước. Chị vào bệnh viện địa phương trị 2 ngày không đỡ nên tiếp tục vào Bệnh viện Chợ Rẫy để khám.
PGS.TS.BS Nguyễn Đình Khoa, Trưởng Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân bị sưng nề, tấy đỏ toàn bộ phần mềm xung quanh hai khớp gối, một số nốt phỏng loét có dấu hiệu nhiễm trùng.
Bệnh nhân được chẩn đoán phỏng rộp bội nhiễm,viêm nhiễm mô mềm xung quanh khớp gối trên nền thoái hóa khớp gối.
Bệnh nhân đã được điều trị kháng sinh, kháng viêm tại chỗ. Tổn thương mô mềm khớp gối đã ổn định và đang được chẩn đoán chính xác bệnh để có hướng điều trị lâu dài.
Theo BS Khoa, thoái hóa khớp gối là bệnh phổ biến ở người trung niên và phụ nữ. Đây là bệnh mãn tính, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm, phục hồi tổn thương sụn khớp. Tuy nhiên, nếu được điều trị phù hợp, triệu chứng bệnh sẽ được kiểm soát, làm chậm tiến triển của bệnh.
BS Khoa chia sẻ: "Thực tế có nhiều bệnh nhân không hiểu bản chất của bệnh, khi đi khám thấy bệnh không điều trị dứt điểm thì "vái tứ phương", tự ý mua thuốc chữa hoặc áp dụng phương pháp dân gian, phản khoa học thậm chí gây biến chứng nặng ảnh hưởng tính mạng".
Khoa Nội cơ xương khớp đã tiếp nhận nhiều trường hợp viêm nhiễm phần mềm, thậm chí nhiễm trùng huyết do tự ý đắp thuốc hoặc cắt lể (dùng dao lam chích máu vị trí đầu gối - PV) điều trị bệnh lý khớp, hoặc viêm khớp.
Trong đó, cắt lể có thể gây biến chứng nhiễm trùng rất nặng dẫn đến tử vong trên nền cơ địa bệnh nhân suy giảm miễn dịch như mắc bệnh đái tháo đường. Vì thế, người dân nên thăm khám, chẩn đoán bệnh ở cơ sở y tế để được tư vấn hướng điều trị trước mắt cũng như lâu dài.