Cái đêm hôm đấy... đêm gì?
Cái đêm tai hại đấy chính là đêm 16 rạng ngày 17/09/2018. Tại hại đối với Nga là một chiếc máy bay trinh sát Il-20 tối tân bị tên lửa phòng không Syria bắn nhầm khiến toàn bộ phi hành đoàn gồm 15 quân nhân thiệt mạng.
Không quân Israel bị cáo buộc là đã giăng bẫy khiến trinh sát cơ Nga rơi vào vòng xoáy tử thần.
Về mặt chiến thuật thì các tiêm kích F-16 Israel một lần nữa cho thấy họ là bậc thầy trong tác chiến tập kích đường không và đẳng cấp trong không chiến, tuy nhiên, "chiến công" núp bóng khiến máy bay trinh sát IL-20 Nga bị tổ hợp tên lửa S-200 Syria bắn hạ ấy lại là một sai lầm không thể tha thứ.
Về mặt chiến lược, thảm họa IL-20 đó bỗng tạo thành "cơ hội từ trên trời rơi xuống" để tên lửa S-300 Nga đường đường chính chính vào Syria mà cả Israel lẫn Mỹ-NATO đều "á khẩu".
Một máy bay trinh sát IL-20 Nga cùng loại chiếc bị phòng không Syria bắn nhầm.
Nhanh như chớp, Moscow và Damascus lập tức "biến đau thương thành hành động" khi lập tức phản đòn bằng việc ồ ạt đưa tên lửa S-300 - thứ vũ khí mà Syria mong chờ bấy lâu, còn Israel thì lo ngại tìm đủ cách ngăn chặn.
Sau cái đêm tai hại ấy, các chiến đấu cơ của Không quân Israel hoàn toàn "mất tích" trên bầu trời Syria do lo ngại Nga có thể trả đũa đồng thời họ cũng phải dành thời gian để dò xét xem tên lửa S-300 mà Syria vừa nhận được có phải là những con "ngáo ộp" thật sự hay không.
"Tránh voi chẳng xấu mặt nào", tuy Không quân Israel tạm tránh xa tọa độ lửa mà các loại tên lửa phòng không, trong đó có S-300 của Syria đã giăng sẵn, nhưng họ vẫn tuyên bố, khi cần thiết Do Thái sẽ tiếp tục tấn công các mục tiêu "thân Iran" nằm sâu trong lãnh thổ Syria.
Nói là làm, các đây vài hôm, các chiến đấu cơ Israel lại bất ngờ tập kích ở 2 khu vực Damascus và Quneitra, sâu trong lãnh thổ Syria.
Có thể thấy dường như Israel đã tìm ra chiến thuật mới để đối phó với phòng không Syria và thể hiện quyết tâm đánh phủ đầu, từ xa nhằm ngăn chặn các mối hiểm họa đe dọa Nhà nước Do Thái, mà cụ thể ở đây là các lực lượng do Iran hậu thuẫn.
Mặc dù trận tập kích không được như mong muốn khi phòng không Syria tuyên bố bắn hạ toàn bộ tên lửa Israel trước khi chúng đến được mục tiêu, nhưng sự kiện chấn động này báo hiệu cuộc đối đấu giữa Tel Aviv và phía bên kia là Syria-Iran sẽ còn tiếp diễn gay cấn trong thời gian tới.
Tên lửa S-300 được chuyển giao tới Syria.
Nga cấp tốc chuyển S-300 tới Syria và hơn thế nữa
Như đã nói ở trên, chỉ trong một đêm, các máy bay vận tải quân sự cỡ lớn của Nga đã lập cầu hàng không khẩn cấp đưa tên lửa S-300 tới bàn giao cho Syria.
Chỉ khi mọi sự đã xong xuôi thì Nga mới tuyên bố Damascus đã nhận được thứ vũ khí mình cần để tăng cường năng lực phòng thủ, sẵn sàng đánh bại mọi cuộc tập kích đường không của đối phương.
Các tổ hợp tên lửa S-300 tới Syria trong đêm và được xuống hàng ngay trong đêm nên không ai biết thực chất nó là phiên bản nảo!
Sau này, khi Nga tuyên bố các tổ hợp tên lửa S-300 này là hàng nội địa của phòng không Nga, tức là hàng đã qua sử dụng thì Israel và phương Tây mới ngã ngửa, "ngậm đắng nuốt cay" mà không thể nói gì được.
Đã thế, Moscow còn tặng Damascus thêm những khí tài chỉ huy điều khiển đồng bộ đảm bảo nâng cao năng lực tác chiến của cả mạng lưới phòng không quốc gia của Syria thay đổi toàn diện.
Từ nay, S-300, Buk-M2, Pantsir-S1 của Syria được tích hợp vào một hệ thống chỉ huy thống nhất, đủ sức đánh bại bất cứ kẻ thù nào. Đồng thời, xác suất xảy ra tình trạng "quân ta bắn quân mình" đã được ngăn chặn gần như triệt để.
Hơn thế, 3 tổ hợp tên lửa S-300 mà Nga tặng cho Syria mới chỉ là khởi đầu, bởi hợp đồng đặt mua 5 tổ hợp S-300 mà Damascus ký với Moscow vẫn chưa được thực hiện.
Một khi toàn bộ số "hàng nóng" này được bàn giao, phòng không Syria có thể thiết lập 4 cụm phòng không cực mạnh với nòng cốt ở mỗi cụm là 2 tổ hợp S-300 và là đầu não chỉ huy Buk-M2, Pantsir-S1 cùng các loại tên lửa cũ hơn cùng phối hợp tác chiến, bao quát hết toàn bộ không phận của nước này.
Một tổ hợp tên lửa S-300 do Nga sản xuất. Ảnh minh họa.
Có ý kiến cho rằng ngoài S-300, Nga dường như cũng đã chuyển giao thêm Buk, Pantsir-S1 cho Syria bởi các loại tên lửa này đã có sẵn trong trang bị của phòng không nước này, nay nếu có thêm thì cũng khó ai mà kiểm soát được.
Dù vậy, thông tin này còn phải xác thực thêm, nhưng rõ ràng, sau các đòn tập kích của Israel hay Mỹ và liên quân, Nga chắc chắn đã tăng cường tiếp tế đạn tên lửa cho phòng không Syria nhằm tạo cơ số dự trữ chiến lược phục vụ tác chiến lâu dài trước các đối thủ cực mạnh.
Rõ ràng nước cờ sai lầm tai hại của Israel đã giúp phòng không Syria được lột xác chỉ trong một đêm. Damascus và Moscow có thể tạm yên tâm, hoan hỉ xoa tay về sức mạnh phòng không của Syria. Tất nhiên, để tên lửa S-300 phát huy hiệu quả chiến đấu, các kíp trắc thủ Syria sẽ vẫn còn phải học hỏi nhiều.
Chúng ta hãy cùng chờ xem bao giờ S-300 Syria sẽ "gầm thét" và Israel sẽ làm gì để đối phó với thứ vũ khí chết người này.