Israel giật sập phòng không Syria: Nga bỏ mặc đồng minh nai lưng chịu trận?

Bình Nguyên |

Trừ 2 lần xuất thần bẻ gẫy đòn tập kích bằng tên lửa "mới, đẹp và thông minh" của Mỹ-Anh-Pháp tháng 4/2018 và bắn hạ F-16 Israel, gần đây PK Syria liên tiếp thất bại cay đắng.

Từ đỉnh cao xuống vực sâu...

Tháng 4 năm 2018 cả thế giới rung chuyển khi liên quân 3 nước Mỹ-Anh-Pháp lấy cớ Damascus sử dụng vũ khí hóa học để tấn công nhằm vào Syria bằng nhiều tên lửa "mới, đẹp và thông minh".

Mặc dù con số thống kê tỷ lệ tên lửa liên quân bị bắn hạ có nhiều khác biệt giữa các bên nhưng về cơ bản, đa phần ý kiến đều thống nhất rằng phòng không Syria đã tương đối thành công trong việc bẻ gãy đòn tập kích đường không ồ ạt của đối phương.

Trước đó, vào ngày 09/02/2018, phòng không Syria đã bắn hạ 1 tiêm kích F-16 của Không quân Israel. Chiến công này được cho là của một đơn vị tên lửa phòng không S-200 tầm xa.

Nhưng đó là 2 chiến công lớn nhưng ít ỏi trong chuỗi trận chiến đấu đối phó với kẻ thù của phòng không Syria. Gần đây, họ liên tiếp phải hứng chịu các thất bại cay đắng trước Không quân Israel - lực lượng được mệnh danh là bậc thầy trong tác chiến tập kích đường không.

Nghiêm trọng nhất phải kể đến vụ đêm 17 rạng sáng ngày 18/9/2018 khi phòng không Syria bị Không quân Israel "lừa" dẫn tới việc bắn nhầm vào chiếc máy bay trinh sát IL-20 của Không quân Nga, khiến toàn bộ 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Chiến đấu bị động, tỷ lệ đánh chặn thành công tên lửa và bom liệng phóng đi từ các chiến đấu cơ Không quân Israel của phòng không Syria ngày càng thấp và hết sức đáng báo động bởi lẽ những quả bom, tên lửa lọt lưới đã gây ra những thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, vũ khí trang bị của Quân đội nói chung và phòng không Syria nói riêng.

Bên cạnh đó, phòng không Syria đã không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ các lực lượng đồng minh, nhất là các lực lượng Iran và thân Iran đồn trú tại Syria.

Chẳng những thế, Israel được cho là đã tiêu diệt ít nhất 2 tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 và 1 tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2 của Phòng không Syria. Riêng trường hợp Buk-M2 bị tiêu diệt vẫn còn đang có nhiều tranh cãi khi có ý kiến cho rằng Không quân Israel đã sập bẫy, đánh trúng mô hình khí tài nghi trang của Syria mà thôi.

Israel giật sập phòng không Syria: Nga bỏ mặc đồng minh nai lưng chịu trận? - Ảnh 2.

Mạng lưới phòng không Syria được trang bị rất hiện đại nhưng chưa phát huy được tối đa khả năng.

Nga "thấy chết mà không cứu"?

Việc phòng không Syria thất bại liên tiếp được giới quan sát quân sự nhận định là tất yếu, bất chấp họ được trang bị nhiều tổ hợp phòng không cơ động thuộc loại hiện đại bậc nhất thế giới mà nhiều nước thèm muốn như tên lửa S-300, Buk-M2 và đặc biệt là số lượng lớn các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1,...

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng tựu chung lại thì tập trung vào 2 yếu tố chính như sau:

Thứ nhất, yếu tố con người. Trình độ của các kíp trắc không đồng đều, không phát huy được tối đa tính năng kỹ chiến thuật của vũ khí khi tài.

Đó là chưa kể tâm lý chủ quan, thậm chí là vô kỷ luật, điển hình như 2 vụ tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 bị Israel tiêu diệt "dễ như ăn kẹo" do các kíp chiến đấu không ngụy trang, đưa khí tài vào các khu vực có che chắn để hạn chế sức công phá của vũ khí đối phương khi bị tấn công.

Ngoài ra, trình độ tham mưu tác chiến, bố trí thế trận phòng không còn nhiều bất cập.

Thứ hai, không nhanh chóng khắc phục tử huyệt đã lộ rõ. Ai cũng biết, kể từ sau khi chiếc tiêm kích F-16 bị bắn hạ, Không quân Israel đã nhanh chóng thay đổi chiến thuật, họ không còn xông vào vùng trời Syria như chỗ không người nữa mà tổ chức các đòn tập kích từ xa bằng tên lửa hành trình phóng từ ngoài tầm phòng không Syria.

Israel giật sập phòng không Syria: Nga bỏ mặc đồng minh nai lưng chịu trận? - Ảnh 3.

Tổ hợp radar 48YA6-K1 Podlet-K1 bắt thấp chuyên nhiệm Nga triển khai ở Syria.

Trong khi phòng không Syria không dám bắn máy bay Israel ở ngoài không phận quốc tế mà chỉ thụ động chống đỡ đánh chặn tên lửa đang phóng vào mà thôi và như vậy chẳng thể nào trị tận gốc.

Mà tên lửa hành trình bay siêu thấp, bom liệng là những thứ vũ khí cực kỳ khó đánh chặn bởi chúng có diện tích phản xạ radar rất nhỏ, nếu không phát hiện sớm, từ xa thì nguy cơ bị "thủng lưới" là rất lớn.

Hiện nay mạng lưới radar cảnh giới nhìn vòng của phòng không Syria đang vừa thiếu vừa yếu, đặc biệt là các loại radar bắt thấp chuyên nhiệm để phát hiện các mục tiêu "khó chịu" như vậy. Rõ ràng cả Nga và Syria đều nhận ra tử huyệt này nhưng dường như chưa hề có động thái nào khắc phục.

Nga có nhiều tổ hợp radar bắt thấp cực tốt như Kasta-2E2, 48YA6-K1 Podlet-K1 hay tổ hợp radar 1RL-123E cảnh giới nhìn vòng thiết kế đặc biệt cho tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1, tất cả đều có trong danh mục hàng xuất khẩu mà bất kỳ khách hàng nào đều có thể mua thế nhưng với Syria lại là sự im lặng đáng sợ.

Israel giật sập phòng không Syria: Nga bỏ mặc đồng minh nai lưng chịu trận? - Ảnh 4.

Tổ hợp radar 1RL-123E cảnh giới nhìn vòng thiết kế đặc biệt cho tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1

Phải chăng Nga không chịu bán cho Syria những khí tài tiên tiến này vì lo sợ làm mất cân bằng cán cân giữa phòng không Syria với Không quân Israel do nhưng thỏa thuận ngầm giữa Moscow với Tel Aviv.

Nếu giả thuyết này đúng thì rõ ràng Nga đã kiềm chế khả năng phát huy tối đa những ưu điểm vượt trội của các tổ hợp phòng không hiện đại có trong biên chế phòng không Syria. Và như vậy chẳng khác nào hành đồng "thấy chết mà không cứu".

Ngoài ra cũng có giả thuyết cho rằng Syria không dám mua những tổ hợp radar nói trên của Nga bởi họ lo sợ sẽ bị tên lửa diệt radar của Israel "làm cỏ" một cách dễ dàng nên thà không có thì thôi, còn hơn là cứ phát sóng để rồi "ăn đạn", chịu tổn thất lớn.

Tóm lại, tử huyệt của phòng không Syria đã lộ rõ, nếu không sớm có biện pháp khắc phục thì họ sẽ còn phải tiếp tục hứng chịu những đòn tập kích bất ngờ và nguy hiểm của "cáo già" Israel.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại