Phòng không Syria: "Con mồi ưa thích" của Không quân Israel - Nối tiếp những nạn nhân

Trịnh Ngọc Tiến |

Vào tháng 9/2017, một tên lửa S-200 Syria đã tiến công chiến đấu cơ Israel, nhưng không trúng, Không quân Israel trả đũa, xóa sổ một đài radar của hệ thống S-200 bằng 4 quả bom.

Kể từ khi cuộc nội chiến tại Syria bùng nổ, không lực Israel đã tiến hành hàng chục cuộc không kích, phá hủy nhiều hệ thống phòng không của quân đội Syria; Không lực Israel ra vào không phận Syria như vào chỗ không người, tại sao không quân Israel lại làm được như vậy?

Những tin tức về cuộc tiến công của lực lượng không quân Israel vào các mục tiêu trên lãnh thổ Syria đã thành chủ đề nóng của các vấn đề thời sự quốc tế. Ngày 9/5 vừa qua, không quân Israel đã tiến hành đợt không kích với 28 chiếc máy bay chiến đấu F-15 và F-16, tiến công nhiều mục tiêu trên lãnh thổ Syria.

Đây là chiến dịch lớn nhất liên quan đến Israel tại Syria kể từ Chiến tranh Yom Kippur năm 1973.

Trong các mục tiêu tiến công, ngoài các mục tiêu là các căn cứ quân sự của Iran, lực lượng không quân Israel còn tiêu diệt, phá hủy các hệ thống phòng không của Syria.

Phòng không Syria: Con mồi ưa thích của Không quân Israel - Nối tiếp những nạn nhân - Ảnh 1.

Một đài radar của Syria bị Israel tiêu diệt.

Những "nạn nhân" của không quân Israel

Theo thông báo của IDF, danh sách các hệ thống phòng không của Syria là nạn nhân của không lực Israel gồm các hệ thống phòng không kiểu cũ như S-75, S-125, S-200, cũng như các hệ thống phòng không kiểu mới như Buk-M2 và cả hệ thống phòng không tầm thấp Pantsir-S1 hiện đại nhất của Nga, mới trang bị cho phòng không Syria cũng bị lực lượng không quân Israel xóa sổ.

Thất bại của hệ thống Pantsir S-1 là điều không thể biện minh được, khi các hệ thống cảm biến hồng ngoại, quang học và radar của Pantsir-S1 không thể phát hiện được mối nguy hiểm đối với chính mình.

Mặc dù quân đội Syria được trang bị hơn tám trăm hệ thống tên lửa đất đối không của Liên Xô và Nga, được liên kết với nhau thành một mạng lưới phòng không tích hợp; có sự hỗ trợ bởi hàng chục radar, nhưng các hệ thống phòng không của Syria chỉ bắn hạ được một máy bay chiến đấu Israel, và một số hạn chế tên lửa hành trình.

Phải thừa nhận rằng, 7 năm của cuộc nội chiến đã phá hủy nhiều cơ sở vật chất của lực lượng phòng không Syria.

Tuy nhiên những mất mát đã được bù đắp phần nào, khi gần đây Moscow giúp đã nâng cấp và phục hồi nhiều hệ thống phòng không cũ của Syria.

Đồng thời, Nga cũng triển khai các hệ thống phòng không tiên tiến nhất với mục đích là bảo vệ căn cứ quân sự của họ tại Syria và trong khuôn khổ đồng minh, những hệ thống này vẫn cung cấp các thông tin tình báo cho lực lượng phòng không Syria.

Tuy nhiên, các hệ thống phòng không của Syria đạt hiệu quả phòng không rất thấp, mặc dù chúng đã được đầu tư nâng cấp đáng kể; vậy nguyên nhân tại sao với một lực lượng phòng không hùng hậu như vậy mà vẫn để lực lượng không quân Israel ra vào như chỗ không người? Câu trả lời đã có.

Phòng không Syria: Con mồi ưa thích của Không quân Israel - Nối tiếp những nạn nhân - Ảnh 2.

Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Syria bị Israel tiêu diệt.

Israel sử dụng hiệu quả các biện pháp chế áp phòng không

Mặc dù Không quân Israel đã đưa vào biên chế một số lượng hạn chế máy bay chiến đấu tàng hình F-35, nhưng họ chỉ sử dụng với mục đích thử nghiệm; chủ yếu họ sử dụng các máy bay chiến đấu đa nhiệm F-15 và F-16 cùng vũ khí là các loại tên lửa hành trình Delilah và bom liệng thông minh Diameter để tiến công các mục tiêu trên lãnh thổ Syria.

Tên lửa hành trình Delilah là một loại vũ khí nhỏ nhưng có mức chính xác rất cao, có thể bay đến mục tiêu theo một chương trình đã được lập sẵn, hoặc có thể điều khiển bằng tay.

Với tầm bắn đến 250 km, Delilah được phóng ngoài với của tất cả các hệ thống phòng không của quân đội Syria, kể cả hệ thống S-200.

Ngoài ra, các loại bom liệng như GBU-39, GBU-53, Diameter có thể tiến công các mục tiêu từ khoảng cách 100 km; những loại bom này được điều khiển bằng tín hiệu vệ tinh GPS hoặc các đầu tìm nhiệt, nên có mức độ chính xác rất cao và an toàn cho các loại phương tiện mang phóng.

Israel có nhiều kinh nghiệm trong việc chống lại các hệ thống phòng không của Nga nói chung và những hệ thống phòng không của Syria nói riêng. Trong Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, các máy bay phản lực F-4 Phantom và A-4 Skyhawk của Israel bị thiệt hại nặng nề bởi một mạng lưới phòng không tích hợp của Ai Cập được bố trí dọc theo kênh đào Suez.

Tuy nhiên người Israel đã tìm ra biện pháp khắc chế các hệ thống này bằng áp dụng chiến thuật mới, họ sử dụng các lực lượng đặc nhiệm luồn sâu phá hủy các hệ thống phòng không; đồng thời đưa vào sử dụng các hệ thống chế áp điện tử hiện đại.

Trong cuộc chiến Lebanon năm 1982, lực lượng không quân Israel phải đối mặt với 30 hệ thống phòng không của quân đội Syria ở thung lũng Beqqa.

Vào ngày 9/6/1982, một máy bay không người lái của Israel bay cao để lực lượng phòng không Syria tại đây bật radar theo dõi, dẫn đến làm lộ trận địa; sau đó là các máy bay ném bom F-4 được hộ tống bởi máy bay chiến đấu F-15 và F-16, đã phóng tên lửa chống radar vào các hệ thống phòng không từ xa.

Trong một ngày, lực lượng không quân của Israel đã quét sạch tất cả các hệ thống phòng không của Syria tại đây mà không mất một chiếc máy bay nào; có thể đánh giá Israel đã sử dụng thành công các biện pháp chế áp phòng không.

Trong cuộc xung đột hiện tại, máy bay chiến đấu Israel cũng có thể được hưởng lợi từ không phận lộn xộn của Syria, vì rất nhiều máy bay chiến đấu của Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động mà phòng không của Syria đành nhìn mà không dám bắn.

Phòng không Syria: Con mồi ưa thích của Không quân Israel - Nối tiếp những nạn nhân - Ảnh 3.
Tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2 của Syria.

Mối đe dọa thực sự của phòng không Syria với lực lượng không quân Israel

Phần lớn các hệ thống phòng không của Syria đã lạc hậu, các loại tên lửa như S-75 và S-125 có tầm bắn hạn chế. Syria cũng sở hữu các hệ thống tên lửa tầm trung (SA-6) và Buk-M2 di động, cũng như tầm thấp như Strela và ngắn 9K33 Osa; những loại tên lửa này ít có thể gây nguy hiểm cho không quân Israel.

Loại tên lửa có thể gây nguy hiểm nhiều nhất cho không lực Israel đó là hệ thống S-200 Vega-Es của Syria, quân đội Syria đã mua 48 hệ thống này từ Liên Xô vào đầu những năm 1980.

Tên lửa phòng không S-200 Vega-Es được thiết kế để tiêu diệt những mục tiêu lớn, tốc độ bay ổn định, như các loại máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ như B-52, B-1B với tầm bắn lên tới 300 km. Radar dẫn bắn của tên lửa có thể đồng thời dẫn bắn 5 tên lửa cùng lúc vào một mục tiêu; tuy nhiên hiệu quả tiêu diệt các mục tiêu tầm thấp của loại tên lửa này hạn chế.

Sau khi Nga can thiệp vào Syria, Moscow đã hỗ trợ quân đội Syria bằng cách phục hồi các hệ thống phòng không để đưa vào trực chiến trở lại. Vào tháng 9/2016 và tháng 3/2017, S-200 đã phóng đạn vào các máy bay của Israel đang tiến công các mục tiêu tại Syria nhưng không thành công.

Trong lần tiến công thứ hai, một số tên lửa S-200 đã được phóng đi, nhằm vào các máy bay chiến đấu của Israel; tên lửa không trúng mục tiêu và đã bay vào không phận Israel và Jordan, Israel đã phải dùng hệ thống phòng không để bắn hạ một tên lửa S-200, ngăn cho nó không rơi vào khu dân cư.

Phòng không Syria: Con mồi ưa thích của Không quân Israel - Nối tiếp những nạn nhân - Ảnh 4.

Một quả đạn tên lửa phòng không S-200 của Syria.

Vào tháng 9/2017, một tên lửa S-200 đã tiến công vào máy bay chiến đấu của Israel, nhưng không trúng; đáp lại không quân Israel trả đũa bằng cách xóa sổ một đài radar của hệ thống S-200 bằng 4 quả bom.

Lần thiệt hai duy nhất của không quân Israel là vào ngày 10/2 vừa qua, lực lượng phòng không Syria đã bắn hạ được một chiếc F-16I loại 2 chỗ ngồi, khi chiếc máy bay này tiến hành không kích sân bay T-4 ở miền trung Syria; hai phi công đã kịp nhảy dù thoát hiểm. Nguyên nhân xác định bị bắn rơi là 2 phi công không bật hệ thống phòng vệ.

Để trả đũa, lực lượng không quân Israel đã xuất kích ồ ạt, phá hủy 4 hệ thống phòng không của Syria, mặc dù lực lượng phòng không Syria đánh trả quyết liệt, phóng 14 tên lửa nhưng không gây thiệt hại nào tiếp theo cho không quân Israel.

Sự kiện máy bay chiến đấu Israel bị bắn rơi, đánh dấu sau 35 năm, không quân Israel mới bị bắn rơi máy bay chiến đấu vì tên lửa phòng không của đối phương.

Mặc dù công nghệ phòng không đã có những bước tiến dài từ những năm 1980, và Damascus đã nỗ lực hiện đại hóa hệ thống phòng không của mình; trong đó có việc họ quyết tâm trang bị hệ thống phòng không tầm xa S-300 của Nga.

Tuy nhiên, Israel đã phản đối mạnh mẽ với quyết định của Moscow khi có ý định chuyển giao S-300 cho chính quyền Syria; và mối đe dọa từ hệ thống S-300 cũng chỉ là tương lai sau này mà thôi.

Bất lực trong đánh chặn tên lửa hành trình

Tên lửa hành trình là những mục tiêu có kích thước nhỏ, trần bay thấp, rất khó cho việc phát hiện và tiêu diệt; tuy nhiên nhờ sự phát triển của công nghệ, nhiều hệ thống phòng không chuyên tiêu diệt mục tiêu bay thấp đã được chế tạo, trong đó hệ thống Pantsir-S1 là nổi bật.

Tuy nhiên trong đợt tập kích của liên quân do Mỹ cầm đầu vào tháng 4/2017 và tháng 4/2018 vừa qua, các hệ thống phòng không của Syria hoàn toàn thất bại trong việc đánh trả cuộc tập kích của tên lửa hành trình của Mỹ, Anh và Pháp.

Phòng không Syria: Con mồi ưa thích của Không quân Israel - Nối tiếp những nạn nhân - Ảnh 6.

Trung tâm nghiên cứu và phát triển Barzah của Syria gần như bị phá hủy hoàn toàn (bên phải) sau vụ tấn công hôm 14/04/2018.

Trong cuộc tấn công vào tháng 4/2017, 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk đã tấn công căn cứ không quân Shayrat mà lực lượng phòng không Syria không có bất kỳ phản ứng gì. Cuộc tấn công đã phá hủy 5 hệ thống S-200 và một số máy bay chiến đấu của quân đội Syria.

Trong cuộc tiến công vào tháng 4 vừa qua, mặc dù các phương tiện truyền thông Nga tuyên bố phòng không Syria đã bắn hạ 66/103 quả tên lửa hành trình của Mỹ và liên quân; tuy nhiên theo số liệu của radar liên quân, chỉ có 40 tên lửa phòng không các loại của Quân đội Syria được phóng lên đánh chặn.

Thế nên, việc truyền thông Nga tuyên bố đánh chặn được phần lớn số tên lửa của liên quân đó là một điều phi lý.

Các hệ thống phòng không của Syria mặc dù được đầu tư, nhưng chưa phát huy được hiệu quả, bất lực khi chống lại cuộc tập kích đường không bằng tên lửa hành trình và máy bay; không tạo được sức răn đe đối với lực lượng không quân của Israel, không bảo vệ được vùng trời của mình.

Để đáp ứng yêu cầu phòng thủ bầu trời, lực lượng phòng không Syria cần phải được đầu tư cả về vũ khí và con người cũng như các kế hoạch phòng thủ. Khi đó, họ mới có thể hy vọng chống lại lực lượng không quân hùng hậu của Israel. Còn hiện tại, lực lượng phòng không Syria luôn là miếng mồi ngon và là nơi trút giận của Không quân Israel.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại