Không bị tiêu diệt ngay từ đầu từ đầu cuộc chiến như những chiến dịch không kích trước đó của Mỹ và NATO nhằm vào các quốc gia đối địch, mà trái lại lực lượng phòng không-không quân Nam Tư còn sáng tạo ra cách đánh "phòng tránh, đánh trả", giúp bảo toàn lực lượng, nhưng vẫn tung đòn tấn công đối phương khi có cơ hội.
Vũ khí thay đổi cuộc chơi của Mỹ và NATO
Rút kinh nghiệm chính từ những lần đối đầu với khí tài PK-KQ và chiến lược tác chiến của Liên Xô trên nhiều chiến trường, trong đó có Việt Nam, Trung Đông…, kết hợp với sự phát triển như vũ bão của công nghệ điện tử, Mỹ-NATO đã tạo ra chiến lược tác chiến không quân mới lấy ưu thế của vũ khí công nghệ cao để giành ưu thế hoàn toàn trước các đối thủ dưới cơ.
Điều này thể hiện rõ ràng nhất ở việc trong cuối những năm 1980 và suốt thập kỷ 1990, Mỹ và NATO đã thực nghiệm và áp dụng rộng rãi các loại tên lửa hành trình tấn công tầm xa, vũ khí dẫn đường chính xác, vũ khí chống bức xạ và thiết bị bay không người lái… trong cuộc chiến chống lại quốc gia đối địch.
Điển hình nhất của việc thực nghiệm chiến thuật mới này là chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 và chiến dịch "Con cáo sa mạc" nhằm vào Iraq năm 1998… Các cuộc chiến đã giúp Mỹ và NATO hoàn thiện chiến thuật mới và áp dụng với quy mô lớn nhất ở cuộc không kích nhằm vào Liên bang Nam Tư năm 1999.
Về phương thức, chiến thuật mới của Mỹ và NATO là sử dụng tên lửa hành trình tầm xa tấn công phủ đầu các địa điểm chiến lược và quan trọng của Nam Tư. Đòn tấn công phủ đầu sẽ buộc hệ thống phòng không-không quân đối phương hoạt động ở trạng thái chiến đấu cao độ và bộc lộ lực lượng.
Trong các đòn tấn công tiếp theo, các đơn vị máy bay tác chiến điện tử kết hợp với máy bay chiến đấu mang tên lửa chống radar tìm kiếm và phá hủy các hệ thống ra-đa vô tuyến của đối phương.
Mục tiêu chính là đánh gục hoàn toàn khả năng phản kháng của hệ thống phòng không-không quân để kiểm soát hoàn toàn không phận cho các hoạt động quân sự tiếp sau.
Tên lửa S-125 của phòng không Nam Tư đã lập nhiều chiến công.
Tại Nam Tư, 80% tên lửa hành trình Tomahawk được sử dụng để tấn công các mục tiêu kiên cố và được phòng không bảo vệ. Mục đích của chúng chính là vừa phá hủy mục tiêu và khiến hệ thống phòng không Nam Tư phải lộ diện để hứng đòn tấn công tiếp theo.
Chiến thuật tác chiến này sau các lần thử lửa tại Iraq trong chiến tranh Vùng Vịnh 1 và chiến dịch Con cáo sa mạc đã thể hiện ưu thế hoàn toàn trước hệ thống phòng không-không quân được tổ chức theo kiểu cũ giống Liên Xô.
Các trận địa phòng không cố định, sân bay, căn cứ dù có được gia cố cũng không thể nào sống sót sau các đòn tấn công phủ đầu bằng tên lửa chính xác cao.
Trong chiến tranh vùng Vịnh lần 1, hệ thống phòng không Iraq hoạt động rất hiệu quả trong 2 tuần đầu tiên khi bắn rơi hàng chục máy bay liên quân, nhưng đã bị bộc lộ lực lượng và bị đánh gục sau đó. Tới chiến dịch Con cáo sa mạc năm 1998, phòng không Iraq gần như bất lực trước các đòn tấn công của liên quân.
Với chiến thuật mới, Mỹ và NATO tin tưởng có thể nhanh chóng khuất phục được Nam Tư, quốc gia được đánh giá là có tiềm lực phòng không-không quân hạn chế sau nhiều năm nội chiến. Tuy nhiên, thực tế đã chiến trường đã chứng minh, Nam Tư không phải là đối thủ dễ xơi và cuộc không kích phải kéo dài tới gần 3 tháng cũng đã phần nào khẳng định điều đó.
"Chàng Davis" tí hon mang tên Nam Tư
Rõ ràng khi đánh giá được khả năng sẽ hứng chịu đòn tấn công tổng lực từ Mỹ và NATO, giới chức quân sự Nam Tư đã có sự chuẩn bị trước cho sự kiện này trước đó nhiều tháng. Đã có thông tin trong đầu năm 1999, Nam Tư từng cử đoàn chuyên gia quân sự sang Iraq để đánh giá về khả năng tác chiến của Mỹ và NATO để tìm kiếm các phương án đối phó tối ưu.
Giới chức quân sự Nam Tư đã nhận định đúng tiềm lực của mình khi hệ thống phòng không- không quân nước này phần lớn là các vũ khí lạc hậu sản xuất tại Liên Xô và tránh đối đầu trực tiếp với liên quân để bảo toàn lực lượng và khiến cuộc chiến kéo dài, tốn kém vượt quá mức chịu đựng của liên quân.
Để làm được điều này, Nam Tư đã rất sáng tạo trong cách đối phó.
Để hạn chế khả năng trinh sát và tấn công phủ đầu của Mỹ và NATO, toàn bộ lực lực lượng quân sự đã được rời các vị trí đóng quân cố định, chuyển sang các trận địa dã chiến và cơ động liên tục; thế chỗ các vị trí đóng quân thật là các trận địa giả, nghi binh; các trận địa phòng không-không quân cơ bản được ngụy trang và sơ tán tới các địa điểm bí mật…
Các yếu tố trên kết hợp với những sáng tạo trong chiến thuật tác chiến đã giúp Nam Tư sống sót qua những đòn tấn công phủ đầu của liên quân. Thậm chí, nhiều đòn tấn công trúng vào trận địa giả và liên quân đinh ninh rằng mục tiêu đã bị tiêu diệt. Đó có thể coi là thành công trong chiến thuật "thật thật, giả giả" của Nam Tư.
Cùng với đó, có thể thấy rõ tinh thần chiến đấu ngoan cường của lực lượng vũ trang Nam Tư. Các đơn vị chiến đấu luôn ở trạng thái sẵn sàng cao và đã bắn hạ nhiều phương tiện chiến đấu của đối phương trong điều kiện bị áp đảo về mọi mặt.
Để chống lại phương tiện trinh sát điện tử hiện đại của Mỹ và NATO vốn đã nắm rất rõ thông số kỹ thuật các khí tài trinh sát nguồn gốc Liên Xô. Hệ thống phòng không Nam Tư đã cơ bản chuyển sang trinh sát thụ động bằng các thiết bị quang-ảnh nhiệt sẵn có trên các tổ hợp tên lửa phòng không S-125, Kvadrat. Điều này giúp hạn chế tối đa khả năng bị phát hiện và tiêu diệt.
Các khí tài vô tuyến rất hạn chế hoạt động, nếu có chỉ trong thời gian rất ngắn và thậm chí là chỉ khi đánh giá có khả năng bắn hạ đối phương cao thì hệ thống mới hoạt động ở trạng thái đầy đủ. Chính vì yếu tố này, phần lớn các đòn bắn trả của phòng không Nam Tư đều đạt hiệu suất tiêu diệt cao.
Điển hình rõ ràng nhất là việc bắn hạ máy bay tàng hình F-117A, vốn là biểu tượng công nghệ hiện đại bậc nhất của Mỹ và phương Tây thời điểm đó.
Phòng không Nam Tư bắn hạ máy bay tàng hình F-117A.
Các khí tài trinh sát vô tuyến thụ động như hệ thống KRTP-86 Tamara do CH Czech chế tạo đã được sử dụng để phát hiện các nhiễu động từ trường do máy bay liên quân tạo ra khi hoạt động. Ngoài ra, việc lợi dụng địa hình vùng núi để che giấu khí tài và tổ chức phục kích máy bay liên quân cũng được Nam Tư áp dụng triệt để.
Một yếu tố khác cũng phải tính đến là Nam Tư đã tận dụng triệt để ưu thế của các loại pháo phòng không và tên lửa phòng không vác vai.
Với tính cơ động cao, khó bị lộ, chính những tổ hợp vũ khí phòng không tầm thấp này đã làm giảm đáng kể tỷ lệ đánh trúng mục tiêu của tên lửa hành trình liên quân phóng tới (giảm từ 91%, xuống còn hơn 70%); buộc các máy bay chiến đấu của liên quân phải nâng trần bay lên trên độ cao 3km giúp hạn chế được các hoạt động tấn công bất ngờ.
Từ kinh nghiệm chiến trường Iraq, Nam Tư cũng mở rộng việc sử dụng khí tài gây nhiễu điện tử và giả lập tín hiệu radar. Phương thức tác chiến bất đối xứng này khiến giảm đáng kể hiệu năng chiến đấu của máy bay mang tên lửa chống bức xạ HARM (chuyên diệt radar) của liên quân.
Đã có nhiều trường hợp, tên lửa HARM dù bám được vào búp sóng chiếu xạ của tổ hợp tên lửa Kvadrat, nhưng vẫn lạc mục tiêu. Các thiết bị sử dụng sóng vi-ba giả lập tín hiệu nhiệt cũng khiến nhiều đợt tấn công của Mỹ và NATO nhằm vào…mô hình nghi binh.
Công tác tình báo đối phó với chiến dịch không kích của Mỹ và NATO cũng được Nam Tư tận dụng.
Các điệp báo Nam Tư bằng nhiều cách khác nhau đã tìm cách áp sát các căn cứ không quân của liên quân để thu thu thập và báo về trung tâm chỉ huy thông tin về thời gian máy bay liên quân cất cánh, hướng bay để lực lượng phòng thủ có thời gian chuẩn bị đón lõng.
Ngoài ra, Nam Tư còn tận dụng cả thông tin của những người ham mê công nghệ sóng vô tuyến để ghi nhận những nhiễu động sóng khi máy bay liên quân hoạt động trong khu vực.
Chính nhờ hàng loạt biện pháp trên, cuộc không kích của Mỹ và NATO đã phải kéo dài tới gần 3 tháng, mà không thể nào tiêu diệt được tiềm lực quốc phòng của Nam Tư. Trong khi đó, những thiệt hại trong không kích ngày một tăng cao.
Theo nhiều nguồn tin, liên quân đã mất tổng cộng 31 máy bay chiến đấu, 6 trực thăng, 11 thiết bị bay không người lái và hàng chục tên lửa hành trình bị bắn hạ. Ngoài ra, rất nhiều máy bay liên quân trúng đạn đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống các sân bay trong khu vực.
Tuy nhiên, Nam Tư cũng bị thiệt hại không phải là các khí tài quân sự, mà các mục tiêu cơ sở hạ tầng bị liên quân tàn phá nặng nề.
Cơ sở hạ tầng của Nam Tư bị liên quân tàn phá nặng nề.
Khả năng chiến đấu và nghi binh của Nam Tư đã khiến giới chức Mỹ và NATO bất ngờ. Sau khi kết thúc không kích, giới chức quân sự phương Tây tính toán đã tiêu diệt tới 60% năng lực quân sự của Nam Tư, nhưng những hình ảnh về các đơn vị quân sự Nam Tư (vốn đã bị tiêu diệt trên danh nghĩa) rầm rập rời Kosovo đã khiến họ sửng sốt.
Rõ ràng, rất nhiều chiến công của phi công liên quân chỉ là đánh vào các mô hình hay trận địa nghi binh. Năng lực quân sự của Nam Tư vẫn cơ bản được bảo toàn sau chiến dịch không kích. Điều này sẽ là thảm họa nếu Mỹ và NATO quyết tâm thực hiện chiến dịch trên bộ nhằm vào Kosovo.
Có thể nói, Nam Tư dường như là người tiên phong trong việc sáng tạo chiến thuật "phòng tránh, đánh trả" để đối phó với các đợt tập kích đường không của Mỹ và đồng minh. Rất nhiều bài học chiến thuật tác chiến của lực lượng phòng không-không quân Nam Tư vẫn còn giá trị tới tận ngày nay.
Đội quân hùng hậu của Nam Tư rút khỏi Kosovo hầu như không bị sứt mẻ gì.