Nó đã trở thành một cơ cấu đa chức năng giải quyết rất nhiều nhiệm vụ. Hệ thống điều hành NORAD có cấu trúc phân cấp và gồm các cơ quan điều khiển và sở chỉ huy, các hệ thống liên lạc và phương tiện tự động hóa công tác thu thập, xử lý thông tin, hiển thị, tiếp nhận và truyền thông tin về tình huống trên không – vũ trụ.
Trong cơ cấu Bộ Tư lệnh phòng không thống nhất (Bắc Mỹ) vào thời điểm đó (đầu những năm 1990) có:
1/ Bộ Tư lệnh phòng không Không quân Mỹ (USAF Air Defense Command), 2/ Bộ Tư lệnh không quân Canada ((Canadian Air Command), 3/ Hải quân Mỹ (Naval Forces CONAD/NORAD) và 4/ Bộ tư lệnh phòng không lục quân (Mỹ) (Army Air Defense Command).
Còn vào thời điểm hiện tại, Bộ Tư lệnh phòng không Bắc Mỹ đang trong quá trình tái tổ chức. Cách đây không lâu, trong cơ cấu của NORAD có các cơ quan sau (có thể có các tên gọi theo cách khác, xin bạn đọc bổ sung chỉnh sửa):
- Trung tâm tác chiến - giám sát tình huống trên không (Air Operation Center - AOC).
- Trung tâm cảnh báo tấn công tên lửa (Missile Warning Center- MWC).
- Trung tâm kiểm soát khoảng không vũ trụ (Space Control Center -SCC).
- Trung tâm thống nhất NORAD/Bộ Tư lệnh vũ trụ (NORAD/USSPACECOM Combined Command Center -CCC).
- Trung tâm giám sát tình báo thống nhất (Combined Intelligence Watch Center -CWIC).
- Trung tâm quốc gia cảnh báo cộng đồng dân cư (National Warning Facility).
- Trung tâm vũ trụ và các hệ thống cảnh báo (Space and Warning Systems Center).
- Trung tâm dự báo thời tiết (Weather Support Center).
Các sở chỉ huy của các cơ cấu này được bố trí tại các hầm ngầm bên trong núi Cheyenne Bang Colorado. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trước đây, sau khi hệ thống thông tin- điều hành tác chiến AN/FYQ-93 dừng hoạt động, Bộ quốc phòng Mỹ đã đánh giá lại vai trò của Trung tâm chỉ huy đặt trong núi Cheyenne.
Sau hàng chục năm khai thác, tổ hợp ngầm này đã ngốn một khoản chi phí khổng lồ. Phần lớn cơ sở hạ tầng đảm bảo đến thời điểm đó đều cần phải sửa chữa, còn các thiết bị và phương tiên liên lạc bị đánh giá là đã lạc hậu.
Chính vì vậy mà phần lớn cơ sở hạ tầng của sở chỉ huy ngầm này được đưa vào trạng thái "dự bị nóng" (niêm phong) – dừng hoạt động nhưng có thể lại đưa vào sử dụng ngay nếu cần thiết.
Nhiệm vụ kiểm soát các chuyến bay và theo dõi các trường hợp vi phạm không phận trên lãnh thổ lục địa Mỹ được giao cho 3 trung tâm kiểm soát tình huống trên không:
Sở chỉ huy hướng Đông, Sở chỉ huy hướng Tây và Bộ tham mưu trung tâm của Bộ Tư lệnh không quân. Để liên lạc và trao đổi thông tin radar trong chế độ thời gian thực và chỉ huy hoạt động của Không quân tiêm kích, Mỹ sử dụng tổ hợp thiết bị AN/USQ-163 FALCONER.
Trụ sở Bộ tư lệnh phòng không hướng Đông (EADS) đóng tại New York trong căn cứ không quân Griffic. Trong trang bị của Bộ Tư lệnh hướng Đông có các máy bay tiêm kích F-15C/D và F-16C/D của cụm phòng không số 224.
Trụ sở Bộ Tư lệnh phòng không hướng Tây (WADS) đóng tại căn cứ không quân Lewis Maccccord, Bang Washington. Dưới quyền của WADS là 10 phi đội tiêm kích của Vệ binh quốc gia với các máy bay tiêm kích F-15C/D và F-16C/D.
Trụ sở Bộ Tư lệnh Tập đoàn quân không quân số 1 (First Air Forcе - AF 1) nằm trong biên chế của Bộ Tư lệnh không quân tác chiến có trụ sở tại Langley (Air Combat Command), đóng tại Tindall, Florida (Trung tâm các chiến dịch đường không – vũ trụ số 601).
Dưới quyền của Bộ Tư lệnh AF -1 (khu vực chịu trách nhiệm kéo dài trên phần lục địa Mỹ , các dảo Virgin và Puerto –Rico có 8 trung đoàn và không đoàn không quân tiêm kích.
Nhiệm vụ bảo vệ không phận trên lãnh thổ lục địa Mỹ chủ yếu được giao cho các tiêm kích của Vệ binh quốc gia với các tổ bay và biên đội trực chiến trên các sân bay.
Ví dụ, nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Mỹ do các tiêm kích F-16C/D của phi đội 121 thuộc Không đoàn đóng tại sân bay Andrews cách Washington 24 km về phía Đông Nam đảm nhiệm.
Đại bộ phận các phương tiện kỹ thuật hàng không có trong trang bị của các đơn vị và phân đội Không quân Vệ binh quốc gia (lực lượng dự bi sẵn sàng chiến đấu của Không quân Mỹ ) – là các máy bay không mới.
Trong biên chế của Không quân Vệ binh quốc gia có tất cả các kiểu máy bay, trừ máy bay ném bom chiến lược. Số lượng máy bay tiêm kích - gần 50 chiếc 50 F-15 và hơn 200 F-16. Không quân của Vệ binh quốc gia có 2 căn cứ không quân:Otis tại Bang Massachusetts và Seldfrige tại Bang Michigan.
Các phân đội và đơn vị không quân Vệ binh quốc gia thường đóng tại các sân bay của các Bộ tư lệnh không quân khác, cũng như tại các sân bay dân sự.
Tổng cộng có hơn 100 sân bay được Không quân Vệ binh quốc gia sử dụng thường xuyên hoặc tạm thời.
Trong những năm 90, Không quân Mỹ đã bàn giao cho Không quân Vệ binh quốc gia hơn 270 máy bay F-16А và F-16В đã được hiện đại hóa và đã qua sửa chữa lớn. Đã từng có kế hoạch hiện đại hóa tất cả các F-16 các biến thể trước còn thời hạn sử dụng hơn 1.000 giờ.
Tuy nhiên, chiến tranh lạnh kết thúc và phần lớn các máy bay tiêm kích kiểu trên đã qua hiện đại hóa được bán cho nước ngoài.
Máy bay tiêm kích hiện đại hóa F-16ADF
Các máy bay tiêm kích "Fighting Falcon" tại các đơn vị phòng không của Không quân Vệ binh quốc gia được đặt tên là F-16ADF. Những trang bị được ưu tiên khi hiện đại hóa là radar AN/APG-66 nhằm tăng khả năng phát hiện mục tiêu có diện tích phản xạ hiệu dụng nhỏ và đảm bảo khả năng chỉ mục tiêu để dẫn đường cho tên lửa AIM-7 Sparrow.
Ngoài ra, phía trái của máy bay có lắp một đèn chiếu công suất lớn để phi công có thể nhận dạng các máy bay bị đánh chặn khi bay đêm.
Các máy bay tiêm kích hạng nặng (số lượng ít hơn) F-15C/D cũng đã được hiện đại hóa. Chúng được trang bị các thiết bị hiển thị đa năng hiện đại và hệ thống trao đổi thông tin tự động hóa.
Nhờ các thiết bị trên, phi công F-15C/D cải tiến có thể trao đổi thông tin với các sở chỉ huy, các máy bay AWACS và với phi công các máy bay khác.
F-35А Lightning II
Theo dự kiến, những F-16 và F-15 đã hiện đại hóa sẽ trực chiến đến năm 2025, sau đó sẽ được thay thế bằng các máy bay tiêm kích thế hệ năm F-35А Lightning II (đã bắt đầu được đưa vào trang bị).
Dự định trên đang bị một số chuyên gia quân sự Mỹ chỉ trích bởi vì mặc dù có giá rất đắt đỏ nhưng nếu "Lighting" được sử dụng như một máy bay đánh chặn phòng không thì một loạt tính năng của nó không có ưu thế trước các máy bay tiêm kích thế hệ bốn.
Hiện nay, trong trang bị của Trung đoàn không quân tiêm kích số 325 Không quân Mỹ đóng tại căn cứ Tindall đã có các máy bay tiêm kích thế hệ năm F-22A Raptor trực chiến – chúng đang được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ phòng không.
Vào thời điểm hiện tại, F-22A là loại máy bay đánh chặn hoàn thiện nhất của Mỹ . Tiêm kích F-22A có thể thực hiện các chuyến bay dài ở tốc độ siêu âm (1960km/h) không cần sử dụng chế độ tăng tốc. Radar AN/APG-77 mạng pha có cự ly hoạt động gần 500 km, cự ly phát hiện mục tiêu có diện tích phản xạ hiệu dụng 1m2 là 200 km.
Phiên bản tiêm kích của "Raptor" được trang bị pháo sáu nòng 20 ly M61A2 Vulcan và các tên lửa có điều khiển không đối không: 6 quả AIM-120C AMRAAM và 2 quả AIM-9M Sidewinder.
Bán kính tác chiến của phiên bản máy bay đánh chặn chế độ bay hành trình siêu âm là 760km.
Ảnh vệ tinh của Google earth: các tiêm kích F-22A Raptor trên căn cứ không quân Hellis
F-22A được sản xuất hàng loạt từ năm 2001, trong 10 năm đã bàn giao được 187 chiếc. Do có những khó khăn về kinh tế và do giá F-22A quá cao (giá thành một chiếc F-22A được đánh giá là $ 142,2 triệu – thời giá năm 2008) nên Chính phủ Mỹ đã quyết định không mua thêm "Raptor" nữa và tập trung tài chính cho chương trình F-35.
Phần lớn "Raptor" tập trung tại căn cứ không quân Nellis, bang Nevada (chiếc F-22A đầu tiên hạ cánh xuống sân bay này đầu năm 2003). Một trong những chức năng quan trọng nhất của căn cứ không quân này – đào tạo phi công tiêm kích cho Không quân Mỹ và Không quân các nước đồng minh.
Tại dây có Trung tâm sử dụng tác chiến Không quân Mỹ (U.S. Air Force Warfare Center). Sau khi được được huấn luyện bay chuyển loại tại căn cứ này, các phi công của Không đoàn tiêm kích Vệ binh quốc gia đóng tại căn cứ không quân Langley bang Virginia là những người đầu tiên tiếp nhận F-22A Raptor.
Ảnh vệ tinh Google earth: tiêm kích F-22A tại căn cứ không quân Langley
Khi các tàu sân bay Mỹ neo đậu tại các cảng, nhiệm vụ phòng không cho các căn cứ hải quân được giao cho máy bay trên tàu sân bay F/A-18 (lúc này đã chuyển sang các căn cứ trên đất liền) đảm nhiệm.
F/A-18Е
Vào thời điểm hiện tại , máy bay tiêm kích – ném bom F/A-18E/F Super Hornet là loại máy bay hiện đại nhất của Hải quân Mỹ, chúng có thể thực hiện nhiệm vụ phòng không cho các cụm tài sân bay tấn công và các căn cứ hải quân.
Nếu xét về tính năng tải trọng hữu ích /cự ly bay thì F/A-18E/F Super Hornet gần tương đương với tiêm kích hạng nặng F-14 Tomcat, nhưng kém F-14 Tomcat về tốc độ tối đa và cự ly bay.
Hiện trong trang bị của các không đoàn trong Hải quân Mỹ có hơn 400 F/A-18E/F Super Hornet các biến thể khác nhau.
Ảnh vệ tinh Google earth: các tiêm kích F/A-18 tại căn cứ không quân Miramar , ngoại ô San – Diego
Chịu trách nhiệm chỉ huy hoạt động của các máy bay tiêm kích Không quân hải quân trên lãnh thổ Mỹ là Bộ tư lệnh phòng không và phòng chống tên lửa Hải quân Mỹ (Navy Air and Missile Defense Command) và Bộ tư lệnh không quân tác chiến Mỹ.
Ngoài chức năng chỉ huy các lực lượng phòng không Mỹ, Bộ Tư lệnh Tập đoàn quân không quân số 1 còn điều phối hoạt động với Trung tâm NORAD của Canada. Trước đây, Trung tâm chỉ huy phòng không Canada (CADS – thường được biết dưới cái tên Iron Mountain - Núi thép) đóng tại căn cứ không quân North Bay, Tỉnh Ontario.
Năm 1963, công binh Canada đã xây dựng ở độ sâu 180 m dưới các lớp đá granit một tổ hợp chỉ huy ba tầng có kích thước gần bằng Sở chỉ huy NORAD ở bang Colorado (Mỹ).
Kinh phí xây dựng công trình là hơn $51 triệu. Các kỹ sư tính toán là tổ hợp "Núi thép" này có thể chịu được vụ nổ hạt nhân trên mặt đất công suất tới 4 Mt.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2006, tổ hợp này đã được niêm cất và Cơ quan chỉ huy thành tố NORAD Cananada đã được đưa lên mặt đất.
Sở chỉ huy hoạt động tác chiến mới của các máy bay đánh chặn CF-18 Canada sau khi đóng cửa Sở chỉ huy ở North- Bay nói trên đóng tại căn cứ không quân ở Winnipeg.
Trong biên chế của 3 không đoàn Không quân Hoàng gia Canada (RCAF) hiện nay có hơn 70 tiêm kích CF-18 , nhưng trên thực tế chỉ có khoảng dưới 58 chiếc là có thể cất cánh.
Năm 1977, Chính phủ Canada mở cuộc thầu mua máy bay tiêm kích mới để thay thế CF-104 Starfighter và CF-101 Voodoo. Ngoài F-18, dự thầu còn có F-14 Tomcat, F-15 Eagle, Panavia Tornado, Mirage 2000, F-16 Fighting Falcon.
Chỉ có F-16 và F-18 lọt vào vòng cuối.
Nhưng vào năm 1979, Canada lại lại đàm phán với Iran để mua F-14A mang tên lửa tầm xa AIM-54A Phoenix. Các máy bay F-14A này là máy bay mới sản xuất và tuy đã qua sử dụng nhưng số giờ bay còn ít nên Canada hy vọng sẽ mua được hàng "second hand" với giá rẻ.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán bị ngừng lại ngay sau khi có thông tin về việc Tình báo Canada đã tham gia vào chiến dịch giải cứu các nhà ngoại giao Mỹ bị bắt tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran.
Trong quá trình đấu thầu, Công ty Dassault (Pháp) bỏ cuộc vì các lý do chính trị, còn F-14, F-15 và Tornado cũng bị bác vì giá quá cao. Không quân Canada cuối cùng đã chọn máy bay tiêm kích hai động cơ F-18A . Năm 1980, "Hornet" của Tập đoàn "McDonnel Douglas" chính thức được tuyên bố thắng thầu.
Sau khi hoàn thiện một số chi tiết, F/A -18 Hornet được đưa vào trang bị cho Không quân Canada với tên gọi CF-188 (ký hiệu CF-188 được dùng trong các văn bản chính thức, thường vẫn sử dụng ký hiệu CF-18 – sau đây xin dùng CF-18).
Tiêm kích CF-18 Hornet được RCAF đưa vào trực chiến từ năm 1983. Tổng cộng từ năm 1982 đến 1988, Canada đã mua 138 chiếc: 98 chiếc CF-18A và 40 chiếc CF-18B. Giá mua các CF-18 cao hơn hẳn so với dự trù ngân sách ban đầu và là $ 4 tỷ thời giá những năm 1980.
Phóng tên lửa có điều khiển AIM-7 Sparrow từ máy bay CF-18А
CF-18 Hornet là máy bay tiêm kích đầu tiên của RCAF có thể mang cả tên lửa cận chiến (tầm gần) lẫn tên lửa tầm trung AIM-7 Sparrow. Sau khi được hiện đại hóa, máy bay này được trang bị tên lửa có điều khiển AIM-120 AMRAAM.
CF-18A/B của Canada có các tính năng không khác nhiều so với F/A-18А/В của Mỹ. Điểm khác biệt chủ yếu là trên các tiêm kích Canada có lắp hệ thống dẫn đường quán tính do nước này tự sản xuất. CF-18 vẫn có móc hãm khi hạ cánh và cánh gấp (phiên bản máy bay trên tàu sân bay).
Lý do là các CF-18 Canada thường hoạt động trên các sân bay Vùng Cực có các đường băng ngắn và thường xuyên bị phủ băng. Sau năm 2001, những tiêm kích CF-18 còn lại trong trang bị đã qua hiện đại hóa từng phần. Chúng có trang bị liên lạc và dẫn đường mới, radar và trang thiết bị điện tử hiện đại hơn.
Ảnh vệ tinh Google earth: các tiêm kích CF-18 trên sân bay Bagotvill ( Canada)
CF-18 của Không quân Canada thay nhau trực chiến tại nhiều sân bay ở các khu vực khác nhau trong nước, trên các căn cứ không quân tiền duyên Comox (British Columbia – tỉnh cực tây Canada), Gander (New foundland), Greenwood (Nova Scotia), Trenton (Ontario) và trên các sân bay ở Vùng Cực Canada. CF-18 là một trong những thành tố chủ chốt của NORAD tại Canada.
Chỉ từ năm 2001 đến 2010, các tiêm kích CF-18 đã xuất kích gần 3.000 lần để chặn các máy bay đáng ngờ.
Cũng chính CF-18 đã đảm bảo an ninh không phận trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G8 ngày 26- 27/6/2002.
Tháng 11/2007 chúng đã điều khẩn cấp đến Alaska (Mỹ) để đảm bảo phòng không cho bang này vì vào thời gian đó một tiêm kích F-15С bị tai nạn và các máy bay F-15С/D khác của Mỹ bị cấm bay 2 tuần để điều tra nguyên nhân sự cố.
Trong thập kỷ tới , CF-18 của Không quân Canada sẽ được thay thế bằng các CF-35. Máy bay tiêm kích mới này khác với F-35A của Mỹ ở chỗ nó sẽ có dù hãm để hạ cánh ở các sân bay có đường băng ngắn, có hệ thống tiếp nhiên liệu tương tự như hệ thống trên F- 35B/C.
Để phát hiện mục tiêu và dẫn đường cho các máy bay tiêm kích, Không quân Canada sử dụng 40 radar AN / FPS-117 và AN / TPS-70 có cự ly phát hiện mục tiêu đến 450 km.
Trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa các phương tiện phát hiện mục tiêu, chính phủ Canada đang tính tới khả năng mua các radar mới của Mỹ - AN / TPS-78 và TPS-703.
Vào thời điểm hiện tại, hai bên đang đàm phán về các điều kiện ưu đãi cho Canada khi mua các radar này bởi vì khu vực NORAD Canada có vai trò rất lớn trong việc đảm bảo an ninh cho nước Mỹ.
(Còn tiếp)